Thế giới ghi nhận hơn 110 triệu người mắc Covid-19

17/02/2021 10:44 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 17/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 110.017.863 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.428.130 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 84.839.201 người.

Dịch Covid-19 ngày 15/2: Thế giới có 109.458.593 ca bệnh và 2.412.910 ca tử vong

Dịch Covid-19 ngày 15/2: Thế giới có 109.458.593 ca bệnh và 2.412.910 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 15/2 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có 109.458.593 ca mắc COVID-19 và 2.412.910 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 81.550.519 ca.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 499.815 ca tử vong trong tổng số 28.378.644 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 155.949 ca tử vong trong số 10.937.106 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 240.983 ca tử vong trong số 9.921.981 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 187 người tử vong do COVID-19. Tiếp đến là Slovenia với 179 người và Anh 173 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 35,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 807.900 ca tử vong.

Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 642.600 ca tử vong trong hơn 20,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 507.600 ca tử vong trong hơn 28,5 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 248.900 ca tử vong trong hơn 15,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 101.100 ca tử vong, châu Phi có hơn 98.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 946 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ljubljana, Slovenia, ngày 16/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ljubljana, Slovenia, ngày 16/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Dù số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang có xu hướng giảm ở hầu hết các bang tại Mỹ, song một số chuyên gia y tế ngày 16/2 đã bày tỏ lo ngại nước này có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 nếu không ngăn chặn được các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vào mùa Xuân.

Lo ngại trên của các chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh một số bang của Mỹ bắt đầu nới lỏng các quy định ngăn chặn đại dịch COVID-19. Trong những ngày gần đây, 3 bang, gồm Montana, Iowa và North Dakota, đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, trong khi bang New York và Massachusetts đã nới lỏng hạn chế về phục vụ trong nhà hàng trong thời gian diễn ra Ngày lễ tình nhân.

Năm 2020, Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 chủ yếu ở vùng Đông Bắc vào mùa Xuân, ở miền Nam vào mùa Hè và tất cả các bang trên cả nước từ tháng 11/2020 tới tháng 1/2021.

Cũng trong ngày 16/2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng trong vài tháng, nhấn mạnh sự tuân thủ nghiêm ngặt của chính quyền mới đối với các quy định phòng ngừa đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, bà Jen Psaki cũng thông báo Tổng thống Biden không có kế hoạch thực hiện các chuyến công du nước ngoài trong thời gian sắp tới. Mỹ sẽ tăng cường cung cấp các loại vaccine phòng COVID-19 mỗi tuần cho các bang của Mỹ lên tới 13,5 triệu liều, đồng thời tăng gấp đôi số lượng cung cấp cho các hiệu thuốc, lên mức 2 triệu liều. Theo bà Psaki, việc tăng cường phân phối vaccine cho các bang đánh dấu một sự gia tăng lên tới 57% kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo đưa vấn đề bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông Ebrard nhấn mạnh các quốc gia Mỹ Latinh có tỷ lệ tiếp nhận số lượng vaccine ngừa COVID-19 thấp và LHQ cần giải quyết vấn đề này một cách công bằng để mọi quốc gia đều có khả năng tiêm chủng cho người dân.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban, ngày 15/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tripoli, Liban, ngày 15/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo nước này đã tiêm chủng cho 40% dân số trong chiến dịch tiêm chủng 50% dân số đánh dấu kỷ niệm ngày Tiêm chủng toàn quốc.

Theo đó, UAE đã cung cấp 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong khi số lượng xét nghiệm đã đạt 28 triệu người. Tuyên bố của Bộ Y tế UAE nêu rõ: “Bộ Y tế tiếp tục cung cấp vaccine phòng COVID-19, ưu tiên những công dân lớn tuổi, những cá nhân có bệnh mãn tính và những người đã được chỉ định. Bên cạnh đó là những người đủ điều kiện để tiêm mũi thứ hai…

Chúng tôi đã thành công trong việc đạt được tỷ lệ 48,46% người cao tuổi được tiêm vaccine, một thành tích đáng kể nhằm đạt được miễn dịch, qua đó giúp giảm số ca mắc bệnh và tình hình phức tạp do dịch bệnh, tiến tới kiểm soát dịch… Vaccine đã được tiêm cho 40,48% tổng dân số đất nước, cùng với kế hoạch tiêm chủng cho 50% dân số trong quý đầu tiên của năm 2021”.

Khoảng 4 triệu người dân Israel cũng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong nỗ lực nâng số lượng người được tiêm vaccine, Chính phủ Israel có kế hoạch triển khai "hộ chiếu xanh" để ưu tiên những người đã tiêm đủ hai liều.

Theo Thủ tướng Netanyahu, "những người đã tiêm vaccine sẽ được tự do tới các rạp hát, rạp chiếu phim, sự kiện thể thao, bay ra nước ngoài, tới các nhà hàng và nhiều hơn thế nữa". Israel từ ngày 20/12/2020 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng rộng rãi cho người dân bằng vaccine do công ty Pfizer sản xuất.

Tại châu Âu, Cơ quan y tế vùng England của Anh ngày 16/2 xác nhận đã phát hiện 38 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên B.1.525. Biến thể mới này được cho là có thành phần làm giảm tác dụng của các loại vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, Giáo sư Yvonne Doyle - Giám đốc Cơ quan y tế vùng England cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy biến thể mới này khiến người bệnh bị nặng hơn hay làm tăng khả năng lây nhiễm.

Những trường hợp phát hiện mang biến thể này được thấy rải rác khắp xứ England. Trong biến thế B.1.525 có protein sợi E484K, thành phần này cũng được thấy trong biến thể được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. Cơ quan y tế vùng England cho hay biến thể B.1.525 cũng được phát hiện thấy tại Nigeria, Đan Mạch và Canada.

Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá mức độ an toàn và phản ứng miễn dịch của trẻ vị thành niên đối với vaccine COVID-19 mà trường này cùng phát triển với hãng dược phẩm AstraZeneca. Theo đó, các nhóm thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi sẽ giam gia giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trước khi mở rộng sang nhóm đối tượng trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. 

Hiện vaccine 2 liều ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca được hoan nghênh là "vaccine cho thế giới", bởi giá thành rẻ và dễ phân phối hơn một số loại vaccine khác. AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay và sản xuất hơn 200 triệu liều mỗi tháng đến tháng 4 tới đây.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm