Sông Hồng sẽ ra sao khi xây 6 đập dâng giữ nước quanh Hà Nội?

10/06/2015 05:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Xây dựng 6 đập dâng để giữ và điều tiết nước là vấn đề lớn được các nhà khoa học Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam và Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đề xuất trong Dự án Đập dâng sông Hồng nhằm khôi phục lại dòng chảy.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Dự án xây dựng đập dâng sông Hồng.

Cạn kiệt vì đáy sông Hồng bị hạ thấp

Theo GS. TS Trương Đình Dụ, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, người tham gia đề xuất Dự án Đập dâng sông Hồng, về mùa khô, mực nước sông Hồng ở vùng đồng bằng có nhiều khúc cạn trơ đáy. Đoạn qua Hà Nội, lòng sông nhiều điểm thành bãi hoang.


Sông Hồng đoạn cầu Long Biên và cầu Chương Dương. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Bên cạnh đó, đáy sông Hồng bị hạ thấp do “xói nước trong” và khai thác cát bừa bãi. Theo giải thích của TS Trương Đình Dụ, khi xây dựng các hồ thủy điện thượng nguồn, hiện tượng xói nước trong sẽ xảy ra, nước bùn sẽ trong lại, dòng chảy không còn phù sa. Dọc đường chảy, nước sẽ lấy phù sa ở đáy sông để đổ ra biển.

Hiện tượng khai thác cát tự do càng làm cho xói sông Hồng nghiêm trọng, khiến điểm nào của sông cũng sâu, thậm chí có chỗ sông còn rộng ra. Theo đo đạc của Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam, từ năm 1976 đến năm 2000, mặt cắt sông Hồng tại Hà Nội bị xói sâu, có điểm đã bị xói sâu tới 6 mét so với đáy cũ.

Theo ông Hoàng Xuân Hồng, Hội đập Lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, hiện nay, các thủy điện trên hệ thống sông Hồng có dung tích hàng chục tỷ mét khối. Nhưng hàng năm vào mùa khô, nhất là cuối tháng 1, đầu tháng 2, các hồ chứa thủy điện phối hợp xả khoảng 5 tỷ mét khối nước để dâng nước sông Hồng lên cao chảy vào các cống của hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho nhiều vùng canh tác lớn.

Tuy xả với khối lượng lớn, nhưng chỉ khoảng 20% lượng nước được giữ lại, còn lại 80% nước chảy ra biển... Sau mỗi lần xả nước, chỉ ba, bốn ngày sau, mực nước sông Hồng lại trở về trạng thái trơ đáy như cũ!


 GS.TS Trương Đình Dụ (trái) và ông Hoàng Xuân Hồng (phải) các tác giả dự án

6 đập dâng giữ nước, cứu cả sông Đáy, sông Nhuệ

Qua khảo sát, các nhà khoa học đề xuất xây dựng các đập ngầm nâng đáy sông Hồng để giữ nước trong mùa cạn. Theo tính toán, cần xây 6 đập, trong đó có 4 đập dọc sông Hồng gồm: Đập Khuyến Lương (sau cống Xuân Quan) phục vụ cho hệ thống Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ. Đập Yên Lệnh ở Hưng Yên phục vụ cho tỉnh Hưng Yên, các huyện phía trên của tỉnh Hà Nam và một phần của Hà Nội. Đập Cổ Lễ, Đập Ba Lạt ở Nam Định phục vụ cho các tỉnh Nam Định và Thái Bình.


Sơ đồ vị trí đập Khuyến Lương, Hà Nội

2 đập còn lại sẽ xây trên sông Đuống là đập Long Tửu và đập Kiều Lương ở Bắc Ninh. Theo tính toán, lượng nước sông Hồng chảy vào sông Đuống chiếm gần 40%.

GS.TS Trương Đình Dụ cho biết, công trình đập ngầm dâng nước sông Hồng có kết cấu đặc biệt, cao khoảng từ 6-10m. Về mùa khô, đập được dựng lên giữ nước. Và mùa lũ đến, đập được cho nằm rạp xuống đáy sông để thoát lũ, thuyền bè qua lại bình thường.

Khi đập dâng được xây dựng, giao thông thủy của Hà Nội không còn khó khăn về mùa khô, tàu bè không bị mắc cạn, mà vẫn đi lại bình thường qua các âu thuyền được xây dựng cùng với các đập dâng. Mực nước ngầm của Hà Nội sẽ dâng cao lên, nước sạch sẽ được khai thác nhiều hơn.

Đặc biệt, các đập nước sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhức nhối trên sông Nhuệ, sông Đáy của Thủ đô hiện nay. Hai con sông vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất thải sinh hoạt đều thải ra sông. Đập dâng sông Hồng sẽ tạo ra một dòng chảy đẩy trôi dòng nước ô nhiễm, đồng thời thau chua, rửa bẩn cho sông Nhuệ và sông Đáy.

Khi Đập dâng sông Hồng được xây dựng, trong mọi thời điểm nước có thể chảy vào các công trình nước dọc sông, hàng tỷ mét khối nước sẽ không bị lãng phí ngay khi xả. Bởi nếu xả lượng nước lớn trong một thời gian ngắn, các hồ chứa không chỉ xả nước qua tuốc bin mà còn phải xả nước qua nhiều cửa đập tràn, theo đó lượng điện tổn thấy hàng tỷ KW/h. Các đập dâng sẽ giúp các nhà máy thủy điện tránh tình trạng, lúc cần điện thì không có nước để chạy qua tuốc bin, lúc không cần lại phải phát điện hết công suất. Theo tính toán, ngành điện sẽ không bị thất thoát hàng ngàn tỷ mỗi năm.

Hiện nay, các kết cấu để xây dựng Dự án Đập dâng sông Hồng đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Tuy nhiên, động chạm đến sông Hồng là vấn đề lớn, các nhà khoa học vẫn tiếp tục chờ những phản biện khác nhau để hoàn thành đề tài.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm