Nga kết án phóng viên Ukraine 12 năm tù vì tội gián điệp

04/06/2018 21:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/6, tòa án thành phố Moskva (Nga) đã kết án một phóng viên Ukraine 12 năm tù giam với cáo buộc phạm tội làm gián điệp.

 

Roman Sushchenko, làm việc cho hãng thông tấn nhà nước Ukrinform của Ukraine trong hơn một thập kỷ qua, đã bị bắt giữ tại Moskva tháng 10/2016.

Chú thích ảnh
Phóng viên Roman Sushchenko. Ảnh: rferl.org

Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cáo buộc Sushchenko phục vụ trong cơ quan tình báo quân sự Ukraine và thu thập bí mật nhà nước của Nga. Người này sẽ bị giam giữ tại một nhà tù xa xôi với biện pháp an ninh ngặt nghèo.

Phía Kiev tuyên bố phóng viên này không có bất kỳ mối quan hệ nào với tình báo Ukraine. Trong phiên xét xử hồi tháng 3/2018, bị cáo Sushchenko đã phủ nhận mọi cáo trạng.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành dự luật chống các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Theo đài Sputnik, trước đó, dự luật này đã được Hạ viện Nga thông qua tại phiên họp thông qua chi tiết vào ngày 22/5. Mục tiêu chính của dự luật này là nhằm bảo vệ quyền lợi của Nga trước “những hành động không thân thiện”, như việc Mỹ và các quốc gia đồng minh của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị lên Moskva.

Ngày 6/4, Mỹ công bố đòn trừng phạt mới với cáo buộc Moskva gây bất ổn toàn cầu, dù Nga cương quyết bác bỏ. Trong danh sách những cá nhân bị trừng phạt có nhiều thành viên cấp cao của Chính phủ Nga, cũng như các công ty quốc doanh của nước này.

Danh sách trừng phạt bao gồm các quan chức cấp cao trong chính quyền Moskva, các nhà lập pháp cũng như những ông chủ lớn và công ty doanh nghiệp lớn do nhà nước sở hữu.

Phản ứng trước lệnh trừng phạt của Mỹ, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Moskva có quyền đáp trả các lệnh trừng phạt chống Nga của Mỹ và có thể xem xét lại các thỏa thuận thương mại.

Gần đây nhất, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 18/5 cũng đã ký sắc lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty và công dân Nga.

Đạo luật này do một nhóm nghị sĩ Nga đứng đầu là Chủ tịch Đuma Quốc gia Vyacheslav Volodin bảo trợ. Đạo luật trên nêu rõ Chính phủ Nga có thể áp dụng nhiều biện pháp đáp trả khác nhau, song các mặt hàng hóa thiết yếu không thể sản xuất được tại Nga sẽ được miễn trừ. Ngoài ra, lệnh trừng phạt trên cũng không áp đặt đối với những mặt hàng do công dân Nga và người nước ngoài mang vào Nga vì mục đích sử dụng cá nhân.

Từ cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và nội chiến Syria đến nay, Mỹ và nhiều nước đồng minh phương Tây đã “thay phiên” nhau áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng loạt cá nhân và doanh nghiệp Nga.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là phản tác dụng và làm suy yếu ổn định toàn cầu.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm