15/03/2023 18:46 GMT+7 | Văn hoá
Từ Phật trong hẻm nhỏ (tập truyện ngắn, 2021) đến Bể trăng côi (tiểu thuyết, 2023), Huỳnh Trọng Khang tiếp tục mạch nguồn cảm thức tôn giáo và văn hóa phương Đông trong sáng tác. Tuy nhiên, tôn giáo với anh là điểm nhìn gợi mở trong cuộc đối thoại không ngừng nghỉ để lý giải nhân sinh.
Trong Bể trăng côi, Huỳnh Trọng Khang đã kiến tạo nên một thế giới song trùng chiếu ứng, có những điểm đứt gãy, giao thoa, soi vào quá khứ thấy hiện tại, soi vào hiện tại mơ hồ tìm thấy bóng dáng tương lai. Đó là một thế giới được kiến tạo theo kiểu gương ở trong gương, mà mỗi số phận là một mảnh trăng lẻ loi soi vào nhau trong biển cả muôn trùng.
Khi ngôn ngữ không còn
Câu chuyện mở ra từ điểm nhìn của nhân vật chú - một chú tiểu tu hành ở một ngôi chùa nhỏ - vâng lời sư phụ đi tìm núi Sa Mạo, với lời hứa thực hành im lặng. Lẽ ra cuộc hành trình này có sư phụ cùng đi, nhưng rốt cuộc chú chỉ đi một mình, tìm một địa danh không hề có trên bản đồ. Sa Mạo trong bản chất là một ngọn núi thiêng, nên cuộc đi ấy là một hành trình tâm linh, chỉ chú, riêng mình chú. Khi ngôn ngữ đã không còn là công cụ giao tiếp, con người đi trong nỗi cô đơn được mặc định cho mình.
Cái tên Sa Mạo trở đi trở lại như mạch liên kết toàn bộ tác phẩm, được giải thích là Núi Đội: "Trên đỉnh linh sơn, cụm mây trắng chụp lên như đội chiếc mũ làm bằng lụa". Tuyến truyện về Huyền Trang thỉnh kinh được viết trong điểm nhìn xen kẽ - chiếu ứng, cũng lấy Sa Mạo làm nơi gặp gỡ - nối kết, Sa Mạo nào Huyền Trang đã qua, Sa Mạo nào chú tiểu đang tới. "Cổ sư kỷ độ tác kim sư", nghìn xưa nghìn sau gặp nhau trong cuộc hành trình không có điểm dừng.
Trong tính chất đồng âm cho phép nhiều cách hiểu của từ Hán Việt, thì Sa Mạo còn gợi ra một ý nghĩa khác: Gương mặt cát. Cát trong đôi tay giỡn cát của chú tiểu mịn, sượt qua kẽ tay. Cát sa mạc vô cùng tận với hàng ức triệu hạt cát bị gió thổi bay làm bối cảnh cho cuộc gặp gỡ của chú tiểu với Huyền Trang lún dưới chân, đi một bước lại lùi một bước. Cát gợi nhớ sự tồn tại nhỏ bé mong manh của kiếp người. Cát vốn không có hình thù, hình thù của cát thay đổi theo từng cơn gió bước chân, vậy đâu mới là chân diện mục của cát?
Vậy là, hai tuyến truyện kết nối, đan vào nhau, soi chiếu cho nhau. Ở tuyến truyện về Huyền Trang, Huỳnh Trọng Khang thể hiện được vốn hiểu biết văn hóa cũng như trí tưởng tượng phong phú, trả lại cuộc hành trình thỉnh kinh, từng mang đậm tính kỳ ảo, sang hiện thực. Không có phép màu, thần thông quảng đại nào giúp sức, Huyền Trang mà chú tiểu gặp trong mơ xuất hiện trong dạng thức con ốc sên chậm chạp, mệt mỏi, nhưng kiên trì tới cùng với chuyến đi. Yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong hành trình thỉnh kinh đều là gắn với lòng từ bi, dù là của con người hoặc muôn loài.
Nói cách khác, sức mạnh của lòng từ bi chính là phép màu đưa Huyền Trang vượt qua những kiếp nạn. Sự xuất hiện của sư phụ hồ ly ở đầu truyện về chú tiểu, cái chết của đại sư hồ ly ở cuối truyện về Huyền Trang, đóng vai trò như một bản lề hư - thực, khép mở hai thế giới hiện tại - cổ xưa.
Ở tuyến truyện về chú tiểu, người đọc cảm nhận được trải nghiệm đau khổ ám ảnh của Huỳnh Trọng Khang với cuộc sống trước mắt, như lời anh tự bạch, được viết ra trong những tháng dài dịch bệnh.
Cuộc hành trình của bậc thánh tăng đầy những kiếp nạn, trong đó có kiếp nạn không được kể, không thể kể, đầy mất mát đớn đau, thì chuyến đi tìm về linh sơn của chú tiểu thực chất cũng là tìm về đến thấu suốt những nỗi khổ nhân sinh cùng lẽ từ bi. "Chỉ cần trái tim đủ từ bi, dũng cảm, đủ làm nứt toạc trái tim chai lì như đất đá, thì tức thời có thể đánh động, giải phóng vô lượng vị Bồ Tát trong mình".
Niềm thấu suốt ấy càng sáng tỏ khi chiếu ứng với câu nói của Huyền Trang: "Niết bàn không phải là đích, niết bàn đã sẵn trong lòng mỗi người". Cả hai đều không phải đi tìm linh sơn trong chốn rừng sâu núi thẳm, mà ngộ ra linh sơn ngay giữa cuộc đời.
Ấm nóng hơi thở đời sống
Tính ra, tôi thích tuyến truyện của thực tại hơn một chút, vì ở đó không quá nhiều những triết lý hoặc ký ức văn hóa xa xôi, mà phập phồng, ấm nóng hơi thở đời sống.
Viết về dịch bệnh, đầy những hoài nghi về sự tồn tại của con người, Huỳnh Trọng Khang chọn một cách kể giản dị, nhẹ thấm, mà đau đáu với những số phận nhỏ nhoi. Như cùng đi với nhau một chuyến xe, giúp nhau qua một chặng, như hạt cát bay qua nhau rồi mất hút không biết liệu có còn gặp.
Chú tiểu được một gia đình ba thế hệ cưu mang, mỗi người một công việc, một thế giới, lần lượt rời đi, vì xung phong ra tuyến đầu, vì mang bệnh, vì cái chết… Chú chứng kiến hết thảy, đối mặt hết thảy. Đến tột cùng của khai ngộ chú không còn im lặng, vì đã tìm thấy sợi dây nối kết giữa những mảnh trăng côi, dù là một con mèo cũng mang lại một thông điệp ấm nồng khát vọng tồn sinh.
Người đọc có thể dễ dãi, tiếc nuối, chờ đợi một cái kết khác giữa chú và nhân vật Cẩm, nhưng rốt cuộc tác giả đã không dẫn dắt câu chuyện đi theo hướng ấy. Truyện kết thúc có hậu theo một hướng khác, xét cho cùng, ngay cả khi mỗi cá thể là một mảnh trăng côi cút, thì những mảnh trăng kia vẫn tìm cách sưởi ấm nhau để không quá lạnh giữa biển đời.
Tiểu thuyết Bể trăng côi đã kiến tạo một thế giới trập trùng bóng ảnh, đan cài soi chiếu thực tại - quá khứ, tự ngã - tha nhân, hầu kiếm tìm chân diện mục sự tồn tại của con người. Truyện lôi cuốn người đọc với lối kể chuyện chậm rãi, giàu suy tư, đan cài những triết lý, chất vấn về các vấn đề lớn của nhân sinh và cả những điều nhỏ bé, vụn vặt, dễ bị bỏ qua.
Tác phẩm tiếp tục thể hiện bản lĩnh của một cây bút trẻ giàu nội lực, với nền tảng văn hóa phong phú, dày dặn.
Huỳnh Trọng Khang, tên cũng là bút danh, sinh năm 1994 ở An Giang. Hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM. Kể từ tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ (2016), anh thử sức ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn. Trong đó có các tiểu thuyết như Những vọng âm nằm ngủ (2018), tập truyện Phật trong hẻm nhỏ (2021)... cùng một số truyện tranh dành cho thiếu nhi.
Anh cũng là cộng tác viên thường xuyên mảng văn hóa, giải trí với một số báo.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất