26/05/2024 14:02 GMT+7 | Văn hoá
Nhân giỗ (tuần giáp năm) vợ mình, nhà thơ Thanh Thảo vừa cho ra mắt tập thơ và tản văn Hoa ngũ sắc (NXB Hội Nhà văn) như một nén tâm nhang thành thực trước bàn thờ vợ.
1. Trong mấy người bạn thân thời chống Mỹ, thân như ruột thịt, như gia đình, khiến những người vợ cũng thành bạn của nhau, tôi gần với Ý Nhi - vợ Thanh Thảo hơn cả. Bởi thế, sự ra đi của Ý Nhi tròn một năm trước, không chỉ là nỗi đau thương riêng của Thanh Thảo, mà còn là nỗi đau thương chung của anh em bè bạn. Mỗi người một mức độ. Nhưng đau thương mà buột thốt thành lời, thành thơ thì chỉ có Thanh Thảo. Một đau thương không ràn rụa, nhưng rỉ ra không cách gì hàn lại.
Trước khi vào phần "Thơ tưởng nhớ vợ hiền", Thanh Thảo chia sẻ như một lời mở về sự buột thốt của mình qua bài Bà nội và cháu đích tôn: "Ai rồi cũng phải về cõi ấy. Cứ nghĩ lại quá thương vợ mình. Đúng là nhiều lúc vợ tôi phải cắn răng chịu đau, vì có quá nhiều bệnh, lại toàn bệnh không hề nhẹ, để lo việc nội trợ nuôi chồng. Lo cả những bữa nhậu nhỏ nhẹ cho chồng với bạn bè em út. Tính tôi ham vui, tới già vẫn ham vui. Vợ tôi chiều chồng quá nhiều. Bây giờ nghĩ lại, thấy đau mà thương. Dù sao chúng tôi đã có những tháng năm hạnh phúc. Nhìn bức ảnh chụp hai bà cháu, thấy rõ niềm hạnh phúc ấy ở bà nội cháu, cùng vẻ hồn nhiên, ngây thơ của cháu nội".
Và rồi thơ, những con chữ nhỏ lệ vào ta, 16 bài thơ được Thanh Thảo viết từ 17/5/2023 đến 13/10/2023 đã đưa đến ta sự chân thực ấy.
Những câu thơ không làm. Những câu thơ "như chiếc lá gió thổi bay không định hướng" ("Anh rời rạc cả tâm hồn và ý nghĩ"). Sự buột thốt cứ thế rỉ ra. Có lúc đậm ly "trà nước hai", chợt "vào một lúc nào đó" thấy người ra đi "gầy mỏng như giọt sương" mà ứa nước mắt. Một cảm giác trống trải không giấu nổi tràn vào thi ảnh: "Một chiếc lá ngơ ngác - một bông hồng chậm nở hay không nở - mấy sáng rồi không nghe tiếng chim - cây xanh buồn buồn như muốn nói - mà không nói…".
Có một người bạn cùng phố cổ Hà Nội, nói với tôi khi anh rời phố cổ về ở Mỹ Đình "cho thoáng mát": "Chỉ có khi rời xa phố cổ, anh mới thấy anh thực mất một cái gì". Ý Nhi chính là "phố cổ" của Thanh Thảo: "Khi em mất rồi anh mới thấy giá trị thật của vợ mình - giá trị ấy không đo bằng bạc tiền hay chức tước - chỉ đo bằng lòng tốt - của một người quen lặng lẽ…". Nhưng mất để không mất, để luôn luôn hiện hữu trong những giấc mơ của mọi người: "Con dâu cả nằm mơ thấy mẹ… Cô bé hàng xóm hay làm tóc cho bà - mơ thấy bà Nhi dắt xe đạp màu xanh… Dường như cây mơ thấy em về…".
Còn với riêng Thanh Thảo thì mơ là thực và thực là mơ: "Những ngày này gần như anh không biết mình mơ - không có giấc mơ nào nhớ được… hai chúng mình không xa được - dù hai thế giới đâu có trộn vào nhau".
Chỉ có buột thốt mới nhận thấy sự hiện hữu đích thực của người ra đi: "Con dâu cả thay em phát quà - cho trẻ em hàng xóm - nhớ hôm em mất - bé con hàng xóm nói: "Bà mất rồi ai phát quà cho con"…". Một hiện hữu như huyền thoại - huyền thoại "ông già Noel".
Muốn ứa nước mắt khi Thanh Thảo buột thốt: "Cháu chăm sóc chú giùm cô - Lời trăng trối em gửi vào con gió - Trời đã cho anh người vợ hiền bé nhỏ - Lúc sắp ra đi vẫn lo lắng cho chồng…". Cũng chỉ đến khi vợ mất, mới nhận ra vợ chính là "người mẹ thứ hai": "Em nuôi dưỡng chăm sóc anh - suốt 44 năm em là người mẹ thứ hai… đó là những tháng năm không thể quên - 10 năm ở Quy Nhơn - 34 năm về Quảng Ngãi - Em nhẹ lòng đi qua vui buồn sướng khổ - cùng anh…".
Không chỉ là "Người mẹ thứ hai" với cách sống của Thanh Thảo vợ còn là "người nội trợ" siêu phàm của "căn bếp nghĩa tình" với "tứ hải giai huynh" ở bài "Mồ côi" chợt chạm phải một chiêm nghiệm với cái giá quá đắt, cái giá mất vợ: "Khi em mất rồi mới hay - Nỗi đau bước vào nhà mình không tiếng động…".
Cũng từ đau buồn này mà nhận ra sức mạnh của câu kinh Phật: "Anh nghe đọc kinh Địa Tạng - riết rồi quen - Không rõ lời, không rõ âm - thấm dần vào vô thức…".
Lâu lắm mới thấy Thanh Thảo buột thốt thành thơ lục bát: "Nhớ hồi ăn tô bánh này - còn chồng còn vợ đủ đầy bên nhau. Bây giờ biền biệt sông sâu - Cõi nào em tới, cõi nào anh chưa…". Chỉ có ở trạng thức của mất mát mới có thể buột thốt: "Anh cười lành như hoa dại" và yếu mềm trở thành quyền tối thượng: "Có mùa thu nào buồn như mùa thu này - anh mất em nhiều lúc tình cờ bật khóc - Muốn nói không nói được - thì khóc, vậy thôi…"
Thơ tưởng niệm vợ hiền của Thanh Thảo chỉ tạm ngưng khi Thanh Thảo nhận ra sự huyền diệu của vô thường qua "Em hiện về báo tin vui": "Em của anh, tin vui ấy có thể anh biết - dù em không trực tiếp báo với anh…".
2. Xưa nay, thơ khóc vợ đã nhiều và có những bài hay, nhưng thổn thức với sự "mồ côi vợ" dài qua nhiều tháng chắc chỉ có Thanh Thảo. Những bạn bè, những ai đã từng tá túc ở nhà Thanh Thảo và đã gặp Ý Nhi, được ăn cơm Ý Nhi nấu chắc sẽ đồng cảm với những bài "Thơ tưởng nhớ vợ hiền" này.
Tôi cũng không ở ngoài những người nói trên. Khi Thanh Thảo và Ý Nhi làm hôn lễ tại nhà chung cư của Nguyễn Đình Chính (bạn cùng thời chống Mỹ với chúng tôi và là con trai Nguyễn Đình Thi) ở khu tập thể Trung Tự, Hà Nội xong rồi vào trại sáng tác Quân khu V tại Đà Nẵng thì tôi đã gặp và chơi với Thanh Thảo, Thái Bá Lợi ở thời điểm này.
Cuối 1978, khi ấy Thanh Thảo đã bị tai nạn gãy chân, còn Ý Nhi thì mới sinh cháu Nhật Thảo, trong một lần thoáng chốc Ý Nhi ra Hà Nội, tôi đã gặp ở nhà của Nguyễn Đình Chính. Đấy là một người đàn bà đẹp với nét buồn của Huế. Bắt đầu từ năm 1984 - tức 40 năm trước - tôi mới thực sự thân với Ý Nhi vì suốt nhiều năm dài về sau, tôi và Thanh Thảo đã cùng nhau làm nhiều công việc ở Quy Nhơn và Quảng Ngãi. Càng sống cùng hai vợ chồng, tôi càng quý và nể Ý Nhi ở cái đức chiều chồng. Thanh Thảo đã được trời chọn cho Ý Nhi: "Người ta đi tìm vàng - Còn anh anh tìm cát - Một hạt cát bình thường - Trong bình thường mặt đất". "Hạt cát Ý Nhi" của Thanh Thảo còn hơn cả kim cương vì nó vô giá.
Có gì như định mệnh khi tháng 4/2023, cả tôi và vợ chồng Nguyễn Đình Chính đều có mặt ở Quảng Ngãi để dự lễ trao giải thưởng Nguyễn Đình Thi cho nhạc sĩ Đình Thậm. Đấy là lần cuối cùng tôi và "chủ hôn lễ" Nguyễn Đình Chính gặp Ý Nhi. Ngày 10/5/2023, Ý Nhi đã rời cõi tạm ở Huế sau một cơn đau cuối. Đó cũng là ngày bắt đầu rỉ ra trong Thanh Thảo nỗi đau thương buột thốt thành vệt thơ này.
Lâu lắm mới thấy Thanh Thảo buột thốt thành thơ lục bát: "Nhớ hồi ăn tô bánh này - còn chồng còn vợ đủ đầy bên nhau. Bây giờ biền biệt sông sâu - Cõi nào em tới, cõi nào anh chưa…"
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất