08/07/2023 08:31 GMT+7 | Văn hoá
Tôi may mắn bắt đầu làm thơ khi cả cộng đồng mê thơ. Ngày miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thơ lên ngôi như một tiếng nói nội tâm đầy sức mạnh. Nó thôi thúc và thủ thỉ, nó đẹp và hùng.
1. Năm 2005, tôi đã gặp ở Paris một ông già lang thang cơ nhỡ, trước quán cà phê de Flore nổi tiếng, nơi J. P. Sartre từng "ngồi đồng" mỗi sáng và viết bộ tiểu thuyết "Những ngả đường Tự do". Ông già nuôi một con chó làm bạn, và ông ủ nó trong một cái bao tải. Con chó thò đầu ra từ bao tải, nhìn tôi một cách thân thiện.
Con chó lang thang và người già cơ nhỡ, đó là hai ngả đường của tự do. Hai bản thể của một tồn tại. Hai thân phận của một số phận. Và họ đều dư thừa thời gian.
Ngồi trong quán cà phê Flore mà nghĩ như thế, cũng tạm coi là được. Triết học xuất hiện khi nó nói về tha nhân, về người khác. Còn giữa những năm 1970 ở Hà Nội, tôi không biết mình là ai, giữa người già cơ nhỡ và con chó lang thang? Có thể tôi là cả hai. Và không có một chút triết học nào ở đây cả. Chỉ có thơ.
Hơn nửa năm trời lang thang cơ nhỡ tôi đã viết khá nhiều thơ. Không bốc phét, chứ nhiều bài trong số đó là những bài thơ hay. Thơ khác triết học ở chỗ nó chỉ nói về chính thân phận người viết. Không bao giờ khát quát, thơ cụ thể tới mơ hồ, cụ thể tới đau đớn. Nó bay lên từ vũng lầy của cuộc sống thường nhật.
Những đàm đạo về thơ rất thú vị, dù không phải ai cũng thích. Thơ rất dân chủ, ở chỗ ai cũng có thể nói về thơ mà không sợ sai. Dù nói sai đi nữa cũng không ai bắt bẻ. Vì thơ thật rộng, nó như cuộc đời vậy. Không ai bắt bẻ về cuộc đời, thì cũng đừng ai bắt bẻ thơ.
2. Tôi may mắn bắt đầu làm thơ khi cả cộng đồng mê thơ. Ngày miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, thơ lên ngôi như một tiếng nói nội tâm đầy sức mạnh. Nó thôi thúc và thủ thỉ, nó đẹp và hùng. Trong chiến tranh, con người cần mạnh mẽ để có thể sống qua những thời khắc nghiệt ngã nhất. Thơ có mặt bên cạnh con người vào đúng lúc con người cần bạn bè, cần đồng đội, cần sự sẻ chia. Bây giờ, đọc lại tuyển tập thơ chống Mỹ, nhiều bài thơ trong đó vẫn khiến tôi xúc động. Chỉ mấy câu thơ viết về Hải Phòng, Đào Nguyễn (bút danh của NSND Đào Trọng Khánh) đã mê hoặc tôi hoàn toàn. Hay thơ của Nguyễn Mỹ trước lúc anh đi chiến trường, những bài thơ vừa lãng mạn vừa quyết liệt, nó như tiếng còi tàu trong đêm chia tay.
Nửa cuối năm 1975 vẫn còn nguyên không khí thơ ca. Khi tôi ra Hà Nội, nhiều bạn thơ, trong đó có những người tôi chưa quen, đã tìm đến thăm tôi. Họ thích chùm thơ 13 bài của tôi in trên tạp chí "Tác phẩm mới". Họ thích hai bài thơ không có trong chùm thơ ấy: Thử nói về hạnh phúc, và Một người lính nói về thế hệ mình. Tôi vừa cảm động vừa vui, vì nghĩ mình đã đi đúng hướng.
Bao nhiêu người nằm lại ở chiến trường, nằm lại trên Trường Sơn, họ cần một tiếng nói về họ, về thế hệ đã hy sinh mất mát đến thế, mà có thể chả được gì. Thơ không thể im lặng, hay đãi bôi. Thơ cũng không thể lên gân, hay tuyên truyền. Nhất là nó không thể háo danh. Nơi nào sự háo danh trào lên, là nơi ấy thơ bặt tiếng, thơ bị buộc phải "rút vào bí mật".
Tôi muốn làm thơ như trẻ con vẽ nguệch ngoạc trên cát. Có khi còn lại, có khi không còn. Nhớ một lần đi thực tế với nhà thơ Xuân Diệu, ông nhận xét sau khi đọc mấy trang bản thảo của tôi viết về Nguyễn Du: "Cậu hiền, mà sao thơ cậu dữ thế?" Tôi không nghĩ thơ mình dữ theo kiểu "dữ tợn". Có lẽ nó có phần dữ dội, nhất là trong khoảng thời gian cuối những năm 70 và đầu những năm 80. Đó là thời kỳ khổ đau nhất của đất nước, và của mỗi gia đình. Chiến tranh, đói khát... thôi thì không thiếu thứ gì. Ngoài biển thì người ta vượt biên và chết. Trên núi thì dân tản cư dưới làn đạn quân xâm lược. Ở thành phố thì ăn bo bo theo tem phiếu. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao thơ có thể chỉ "ngọt ngào" hay "dịu dàng"? Thơ đành nén lại, nuốt cục đắng vào trong.
3. Tôi đã từng lang thang cơ nhỡ trong đời, rồi lang thang cơ nhỡ trong thơ. Dù cuối năm 1979 tôi nhận được giải thưởng Hội Nhà văn về thơ cho tập Dấu chân qua trảng cỏ, nhưng nó cũng chẳng thay đổi được gì cuộc sống khốn khó của tôi. Cả nhà tôi vẫn phải rúc vào căn phòng 12m2, nắng dột nắng mưa dột mưa. Nước sinh hoạt vẫn phải lấy từ tầng 1. Cái băng ghế gỗ tạp người ta đặt chậu kiểng thì tôi mang về làm bàn viết. Đó là cái bàn viết mà bây giờ không ai biết nó là cái gì.
Nhưng lạ một điều, tôi vẫn sáng tác rất hăng, và không thấy khổ. Có những nhà văn nhà thơ than nghèo kể khổ rất ghê, còn tôi thì không. Tôi chấp nhận hoàn cảnh sống nhếch nhác và sáng tác. Chắc chắn không phải để được bầu là lao động tiên tiến hay chiến sĩ thi đua. Nhiều bài thơ tôi viết trong giai đoạn ấy lại rất "sang trọng", nhất là những bài thơ viết về các danh nhân thơ hay âm nhạc của thế giới. Chiếc máy chữ Vũ Hữu Định mua giùm tôi năm 1976 vẫn còn rất tốt, và tôi với Ngô Thế Oanh thay nhau dùng đánh bản thảo. Ngày ấy chưa có vi tính, viết trên máy chữ "xịn" đã ghê lắm rồi!
Tôi cứ viết, không nghĩ tới chuyện in được, vậy mà cuối cùng cũng in được cả. Năm 1985 tôi "nộp quyển" Khối vuông ru-bích cho NXB Tác phẩm mới. Cũng cứ nghĩ nộp cho vui, nào ngờ NXB quyết định in cho tôi, không chỉ cái ru-bich, mà còn Đêm trên cát - một trường ca viết về Cao Bá Quát mà tôi nghĩ khó in vào thời điểm ấy. Chỉ tiếc cái ru-bich bị loại mất một nửa, chỉ còn in được 50 vòng xoay. Không phải "con cá sẩy là con cá to", nhưng tôi vẫn rất tiếc phần bị loại bỏ. Càng tiếc hơn vì sau đó bản thảo bị mất luôn, bây giờ không còn cách nào khôi phục lại.
Nhưng Đêm trên cát thì được in nguyên vẹn, đó là niềm vui riêng của tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn nghĩ, Cao Bá Quát là một trong ba nhà thơ lớn nhất Việt Nam (hai người kia là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du). Còn nếu ở "top five" (chọn ra 5 nhà thơ) thì phải có Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Thơ Cao Bá Quát đã giải thích vì sao ông đứng lên khởi nghĩa, còn thơ Nguyễn Đình Chiểu lại nói với ta về một khía cạnh khác: những bài thơ yêu nước là vĩnh hằng. Dĩ nhiên phải là những bài thơ hay, gây xúc động cho người đọc, tác động sâu sắc tới người đọc. Cao Bá Quát người làng Phú Thị - Gia Lâm - Hà Nội, mà khí chất cao ngất cứ như ông là thủ lĩnh của những lưu dân Nam Bộ. Sự thống nhất ở người Việt đầu tiên phải là sự thống nhất của khí chất, của lòng người. Sự thống nhất của tình yêu đất nước.
Thơ Cao Bá Quát và thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm được điều này. Vì thế, thơ họ bất tử.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất