09/10/2021 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Từ việc bào chế vaccine tới việc viết "từ điển bệnh học", từ việc chữa răng trên xuồng y tế tới việc vào phòng giải phẫu phụ mổ một ca đại phẫu… các văn nghệ sĩ đều tích cực trải nghiệm theo cách của mình. Xin điểm lại những câu chuyện mang đậm chất giai thoại về cách.... phục thuốc, chữa bệnh của các văn nghệ sĩ nổi tiếng nước nhà!
1. Lần ấy lên Tây Bắc, một buổi sáng ở suối Rút, nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao (1923 -1995) bỗng thủng dạ dày! Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) và Nguyễn Tuân (1910 - 1987) phải đưa Văn Cao lên xe tải quân đội chạy cấp cứu. Xe phải leo hết dốc này đến dốc khác, phải ghé các trạm xá dọc đường để y tá tiêm thuốc hồi sức cho con bệnh.
Về đến bệnh viện Thuận Châu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân thay mặt gia đình Văn Cao để ký giấy đồng ý cho con bệnh lên bàn mổ. Bệnh viện chưa có điện, đèn măng-sông không đủ sáng, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân, mỗi người một bên bàn giải phẫu, đưa cao bó đuốc đang cháy rừng rực, soi đường mổ, giúp bác sĩ khâu lại dạ dày cho Văn Cao.
Chẳng cần loại “đèn không hắt bóng” chuyên dụng, các nhà văn Việt Nam vẫn tạo được hình tượng đẹp, ở không gian nghệ thuật này!
2. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có bạn văn bên cạnh! Cho nên nhiều nghệ sĩ tự cứu mình trước khi bạn cứu. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (1910 -2006) nói trong sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rằng, ông sống khỏe là nhờ biết… thở. Ông thở mỗi hơi dài tới 2 phút. Mỗi khi ngồi tàu bay từ Hà Nội vào TP HCM, ông chỉ thở 60 lần là hết đường mây!
Cũng trong sách này, nhà văn Võ Hồng (1921 - 2013) đưa ra phương pháp "chữa bệnh già" bằng truyện tiếu lâm. Năm lên lão 70, ông được thân hữu mở tiệc chúc thọ. Có người chức mừng ông đã thuộc loại xưa nay hiếm - “cổ lai hy”. Ông đứng lên chỉ vào cổ mình, “70 tuổi là khúc này, “cổ lai hy”. Rồi lần lượt chỉ xuống “ngực lai hy” 60 tuổi, “bụng lai hy” 50 tuổi… nhà văn Võ Hồng chưa cần nói tới cái phần “lai hy” bên dưới bụng, mọi người đều đã hiểu và cười lăn cười bò. Đúng là một trận cười 10 thang thuốc bổ!
3. Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) lại có bài thuốc ta chiết xuất từ…mèo. Trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ông Xuân Cang (1932- 2019) kể rằng Nguyễn Công Hoan là người rất mê tín thuốc ta. Ông có cả một cuốn sổ bệnh học chép rất nhiều bài thuốc dân gian bí truyền. Trong sổ ấy, các căn bệnh cũng được xếp theo thứ tự chữ cái. Tra chữ D sẽ thấy từ “đỉa”. Nếu chẳng may bị đỉa chui vào lỗ tai, cứ nhỏ nước đái mèo vào là đỉa chui ra ngay. Mà muốn chiết xuất thứ nước thuốc kia thì… đặt chú mèo lên một cái mâm đồng, nhỏ vào tai chú ta nước gừng, rồi lấy lồng bàn đậy con thuốc lại, một chốc mở lồng bàn là thuốc quý lênh láng!
Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, nhà văn Xuân Cang đã bỏ mấy đêm liền để chép tay sách bệnh học kia. Ông kể: "Thế rồi một hôm cậu con trai bé tí của tôi bí đái. Suốt một ngày không đái được, khóc ầm lên. Vợ tôi cuống lên bắt đèo mẹ con lên bệnh viện sơ tán. Trước khi đi bệnh viện tôi giở sổ (chép cuốn bệnh học của Nguyễn Công Hoan) đến vần b có chữ “bí đái”. Có mẹo bảo rằng ra vườn hái 3 cái lá bầu, hơ nóng lên, áp vào bụng. Tôi làm theo. Khi đèo 2 mẹ con tới bìa rừng rẽ vào bệnh viện thì cháu nó tè"!!!
4. Tô Hoài (1920 - 2014) kể, một lần ông mời Xuân Diệu (1916 - 1985) đi cơm Tây nhà hàng Phú Gia ở bờ Hồ Gươm (Hà Nội). Ông vua thơ tình chỉ ăn thử món thịt bò bít-tết rồi cho nhận xét:“Ăn làm gì! Một món ở đây nó thiến bằng cả tháng thịt chó. Thịt chó bổ nhất các thứ thịt”. Và ông cứ đều đều, tuần 2 lần “cẩu nhục” - vitamingaugau! Mà phải là thịt tươi mua từ chợ Hàng Da đem về tự chế biến.
Không chỉ ăn lấy bổ, thịt chó còn là vị công phá trong các ca bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Tuân từng để nhân vật của mình trong truyện Thạch tinh trong ruột một người tự bạch rằng: “Đến lúc này, cháu mới rõ rằng trong lòng cháu, có cả một người đàn ông và một người đàn bà và họ đang xây dựng một cái gì trong người cháu. Cháu lấy làm nghĩ nhiều. Cháu liền cho gọi lão bộc vào hỏi. Y cũng nói rằng ở nhà ngờ bệnh cháu thuộc âm loạn và có người mách cho rằng muốn trừ tà khí thì không gì bằng loài thịt cầy…”.
Xuân Diệu rất quan tâm tới truyền bá tri thức y khoa! Ông dạy nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cách ngủ: “Trước 12h đêm là âm, sau 12h là dương. Phải ngủ trước 12h cho có một chút âm. Quá 12 giờ là dương, là ngày hôm sau, có ngủ bù lâu cũng không tốt. Vấn đề không phải là số lượng giờ ngủ mà phải có âm, có dương”.
Xuân Diệu lại dạy chính Tô Hoài cách… đái, theo bí quyết dưỡng sinh gia truyền: “Khi nào đứng đái thì cắn chặt 2 hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống vitamin B”. Ấy vậy mà vẫn xảy ra chuyện"thần giaocách cảm":12h40 ngày 18/12/1985 (giờ Senegalở châu Phi), đang trên diễn đàn hội nghị tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật khối Pháp ngữ ở Dakar, thủ đô Senegal, nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005 )bỗng nhiên rùng mình. Ngực đau nhói lên một cái rất lạ, rồi cứ thế máu từ mũi chảy ra. Lúc ấy ông không biết vì sao lại như thế. Senegal không có sứ quán của ta nên không có thông tin gì từ nhà. Về đến Paris, đồng chí tham tán văn hóa báo tin dữ: Nhà thơ Xuân Diệu đã mất! Ông nhẩm tính độ chênh lệch múi giờ giữa 2 thủ đô và nhận ra: Chính lúc Xuân Diệu đi (19h40 giờ Hà Nội) là lúc ông đổ máu cam”.
5. Trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật số ra ngày 4/5/1997 nhà thơ "Hà Nội phố" Phan Vũ (1926 - 2019) kể rằng, họa sĩ Lưu Công Nhân (1930 - 2007) có nói với ông về cách họa sĩ tự chữa căn bệnh run tay của mình: "Tớ đếch sợ! Lúc nào cũng có thuốc phòng. Khi trong não thiếu một cái gì đó, là tớ nhét một cái gì đó vô liền. Trần Dần, cũng bị như tớ nhưng không sẵn thuốc".
Không sẵn thuốc thì Trần Dần (1926 - 1997) trị bệnh bằng… bức tường nhà mình và tấm lưng của người bạn thân. Sách chép rằng, sau cơn tai biến mạch máu não (20 năm trước khi từ trần), Trần Dần không đi được nữa, ông ngồi một chỗ, dựa lưng vào tường. Khoảng tường chỗ ông ngồi, in dấu lưng ông. Năm 1995, tập Cổng tỉnh của ông được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn dịch giả Dương Tường phải cõng ông tới nhận giải!
6. Là nhà thơ, nhà sưu tập dân nhạc nổi tiếng nhưng nữ sĩ Lê Giang từng là nhà… vi trùng học. Bà kể, trong rừng U Minh, trong phòng thí nghiệm của bác sĩ - anh hùng lao động Nguyễn Văn Hưởng (1906 - 1998), “cái phòng nuôi vi trùng bằng gỗ ván tràm, tù mù ngọn đèn dầu giữ nhiệt độ 37 cho các loại vi trùng dịch tả, trái giống [đậu mùa] thương hàn sinh sôi rồi cho chúng ngắc ngư…Bà Lê Giang ở nhóm nuôi trâu, thịt trâu, xắt thịt nạc nấu súp cho vi trùng ăn, súc ve chai đựng thuốc ngừa… Chẳng những từng lo vaccine chống các đại dịch, bà còn chạy xuồng nha khoa tới nhà chữa răng cho dân: “Tôi ngồi trước mũi ghe, tháy máy lấy chài vãi một cái (nghịch ngợm lấy chài tính kiếm cá)…Tôi vụt mất đà té ùm xuống sông…”.
7. Nhảy đẹp xuống sông làm lương y như từ mẫu là câu chuyện trong tiểu thuyết tư liệu Chân dung (NXB Văn hóa Thông tin, 1994), nhà văn Lý Lan kể trong sách của mình, anh trí thức Đặng Hoán Bổn từng du học tại Pháp, từng mở trường đại học tư nhân ở Thượng Hải vậy mà bỏ giàu sang theo cách mạngđể có ca cấp cứu nhớ đời: “Có một lần ổng Bổn ngã bệnh, người đàn bà Khmer chèo xuồng đưa ông đi kiếm thầy ngoài chợ. Ông nằm chèo queo trong khoang xuồng lên cơn rét run lập cập. Chị Khmer thoạt đầu mở khăn đội đầu quấn cho ông, kế đến thấy răng ông đánh bò cạp liên tục, chị cởi luôn cái áo đang mặc đắp cho ông. Cuối cùng chị làm một hành động hết sức hồn nhiên là cởi nốt cái xà rông [cái váy] của mình đem quấn quanh người ông Bổn. Tới gần chợ chị Khmer nhảy xuống sông, mượn làn nước phù sa đục ngàu làm quần làm áo 2 tay vừa bơi vừa đẩy xuồng, miệng kêu người tiếp cứu”.
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất