23/10/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa tới hẹn lại mời bạn đọc tìm thêm các tác phẩm về Thủ đô để đề cử vào giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Xin cùng mở từng trang hay, gom góp để có một “tập đại thành” văn chương trên mặt gương lung linh Hồ Tây.
1. Hôm ấy Bùi Xuân Phái đang ngồi vẽ chợt nghe thi sĩ Trần Lê Văn than từ ngoài cửa: “Ông Phái ơi thế là lão say mất rồi! Tết này không còn lão say thì tôi vui với ai”. Bùi Xuân Phái sửng sốt: “Ai mất? Lão say nào?". Thi sĩ trần tình: “Bữa trước ông vẽ tặng tôi bức Lão say, tôi đạp xe qua Hồ Tây, gió cuốn lão xuống hồ rồi”. Bùi Xuân Phái hiểu ra, ông cười: “Khó gì! Lão ấy sẵn trong tôi đây, vẩy tay là có chứ gì”!
Những vẩy tay tức hứng của Phố Phái thế nào chằng có bức lão say cựu chiến binh, Phùng Quán (1932 - 1995) từ đất phương nam “Vượt Côn Đảo” ra Hà Nội, trải chiếu rượu Hồ Tây, cụng ly từ "chòi ngắm sóng" nhà mình: “Mời bác Ba Vì xích lại đây/ Ta cùng túy lúy ngắm sóng say/ Tôi đùa bác đấy đừng tưởng thật/ Bác xích lại gần tôi, cũng gay// Bác là Ba Vì, tôi Phùng Quán/ Bác đông khách tôi càng lắm bạn/ Toàn bợm rượu coi trời bằng chai/ Họ nhầm lung tung bác với tôi... // Bác đẹp ngang tàng tóc còn xanh/ Gái Đông Đô sướt mướt thư tình/ Gửi nhầm địa chỉ, tôi chết dở/ Bà vợ tôi sẽ nổi cơn ghen// Thôi, bác cứ ngồi yên ở đó/ Còn tôi cứ tĩnh tọa ở đây/ Tôi thì làm thơ, bác làm núi/ Nhớ nhau tưới rượu xuống Hồ Tây” (Mời rượu - Phùng Quán).
2. Nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến (1930 - 2011) từng viết: Dế mèn phiêu lưu ký quá nổi tiếng là một thiệt thòi cho Tô Hoài (1920 - 2014)). Thật ra, Giăng thề mới là kiệt tác đầu đời của ông:
“Đằng cuối cánh đồng vừng trăng tròn vành vạnh, nhô lên. Hôm nay mười sáu. Bấy giờ ngày cũng chưa hết hẳn. Mặt trăng tròn, trăng nhạt. Tuy vậy, ánh trăng cũng đã lan mờ mờ mặt đất. Và bóng 2 người ngả xuống cỏ bên gò.... Cái bâng khuâng như nằm mê bắt được cô tiên trên cung trăng sa xuống. Bấy lâu, giận Câu, cũng chỉ vì quá yêu mà thôi. Bây giờ cơn hờn giận đã tan và như cái nồm Nam mát vừa thoảng qua. Ánh trăng láy vào trong mắt. Đôi mắt Miến ngời lên, bởi một chút nước mắt khóc ban nãy còn ánh lại 2 bên khóe. Miến mỉm cười liếc Câu. Trên cánh đồng bát ngát, ông trăng như tủm tỉm với 2 người...".
Chính Tô Hoài nói về nguyên mẫu này: “Lúc ấy 2 đứa tôi sàn sàn nhau, 15-17 tuổi. Thích nhau, yêu nhau, ông bố cô ấy biết chuyện, đánh cô ấy dữ lắm và cấm không cho đi lại. Rồi cô ấy phải chuyển ra sống ở Hà Nội, sau lấy chồng ở đó, được vài năm thì mất, mới 20 tuổi. Tôi và các nhà thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính có đến viếng ở tận Thanh Xuân”.
3. Trong văn học Việt Nam hiện đại, Hồ Tây tiếp tục là không gian nghệ thuật, để các nhà văn tiền chiến, hậu chiến cách tân. Huy Cận (1917-2005) có bài Buổi sáng hôm nay:
“Anh tặng em buổi sáng hôm nay/ Có hoa sen nở Hồ Tây trắng hồng/ Tặng em trời mát như sông/ Trong veo chảy giữa hai dòng cây xanh// Anh tặng em buổi sáng lòng anh/ Có mây có nước có cành có hoa/ Có mình và lại có ta/ Trong hương sen ngát nở xòa lòng sen// Anh tặng em cả những ưu phiền/ Trong câu hát cũ nghe bên chợ Cầu/ Còn hằn trong chữ trong câu/ Nỗi đau ngày trước cày sâu mặt người// Anh tặng em buổi sáng mai đời/ Bước chân quen thuộc, tiếng người lại qua/ Mây phồng buồm bạc xa xa/ Ngày lên gió mới, lòng ta tặng mình”.
Đây là một bài lục bát lạ trong thơ Việt, tất cả các dòng thơ đầu khổ đều 7 âm tiết chứ không 6 như luật định. Bài thơ được hòa âm, bè trên lảnh lót, trẻ trung giọng nam cao, dẫn bè dưới theo mình và dâng tặng tất cả cho người mình yêu. Không biết đã có nhạc sĩ nào phổ nhạc? Cứ mỗi lần cầm bài thơ, tôi lại muốn hát lên!
4. Muốn hát lên còn có thơ Phan Đan trong chuyện tình kể bằng âm nhạc của Đặng Hữu Phúc: “Ngày ấy, tôi và Ái Vân cùng học trường nhạc. Tôi lớp 10, Vân lớp 9. Vẻ đẹp rực rỡ của cô ấy đã làm tâm hồn mới lớn của tôi ngây ngất. Nhưng có thể Vân không để ý đến cậu bạn choai choai là tôi đâu. Tôi từng đèo Vân bằng xe đạp đi sơ tán. Những bài hát của tôi bao giờ Vân cũng là người hát đầu tiên. Bài Trăng chiều, tôi đề tặng Vân cũng vì những lung linh kỷ niệm tuổi học trò:
"Ánh sao mặt hồ phía Đông nhạt nhòa lời ai thoáng xa xôi/Bóng em ngời sáng đóa hoa màu trắng khi trăng chiều lên/Đến nơi thầm kín, giấc mơ màu tím/Bước chân hoàng hôn…”.
Những ai đọc chậm, nghe kỹ sẽ nhận ra âm nhạc Trăng chiều vẫn còn chút Giăng thề tiểu thuyết, nhận ra một "tục biên văn hóa" của người Hà Nội.
5. Vào năm 1970 thời “sơ tán”, Đại học Sư phạm Hà Nội có một giảng đường đặt trong đình Thọ, làng giấy Yên Thái. Ngay trong ngôi đình này các sinh viên khóa 17 được nghe chính thi sĩ Xuân Diệu (1916 -1985) nói chuyện Thơ mới 1930-1945 mà ông và các bạn thơ của mình tạo ra. Cũng ở ngôi đình này, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh vừa giảng về văn học lãng mạn thời ấy vừa làm…thời trang giầy! Vào tiết học cuối buổi sáng, khi chuông tàu điện chợ Bưởi - Bờ Hồ thúc leng keng, thì thầy Mạnh vừa “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Xuân Diệu), vừa kín đáo giấu tay sau bục diễn thuyết, dùng cái rút dẹp 2 lá thép sáng choang, chỉnh sửa một quai dép cao su lỡ tuột!
Duyên may, người viết bài này ở trọ trong ngôi nhà cổ nhất làng Yên Thái, nhà giáo sư y khoa Nguyễn Quý Tảo, anh em bà con với ông Nguyễn Sen - Tô Hoài. Cả làng Yên Thái ngày ấy, dùng chung một giếng nước cổ, nằm giữa bến xe điện và chợ Bưởi, ngay dưới các bậc đá dẫn lên cổng làng. Gia đình bác sĩ Tảo không nuôi ăn, nhưng mà hào phóng nuôi điện nước. Mỗi sáng, nước giếng làng Yên Thái đến với nhà giáo sư Tảo trên vai người gánh nước thuê.
6. Năm1985, đúng tiết Thu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) vừa có chuyến thăm Liên Xô trở về và ở lại Hà Nội cả tháng trời. Chiều chiều ông và nhà mỹ học Thái Bá Vân (1934-1999) ngồi bên Hồ Tây lộng gió, với chai Ararat. Một tối, Trịnh Công Sơn cùng nhà thơ Dương Tường uống rượu ở nhà một người bạn. Trịnh Công Sơn uống rất thiệt tình. Tàn cuộc thì ngà say. Dương Tường dìu bạn lên xích lô đưa về khách sạn Đồng Lợi (nay là Mercure) cạnh ga Hàng Cỏ. Thấy bạn còn say mà chỉ có một mình, Dương Tường ở lại. Đêm đó, nhà thơ chợt tỉnh và giật mình thấy Trịnh Công Sơn đang ngồi viết,những trường canh khắc tạc 36 phố, "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"; "phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu"…để trong tranh Phái có nhạc Sơn, trong nhạc Sơn có tranh Phái và trong Sơn, trong Phái có Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.
7. Vào những ngày đất nước còn bị chia cắt, ở bên kia bờ Hiền Lương,Vũ Bằng (1913 - 1984) từng viết: “Xin mời! Rượu này là thứ rượu sen cất ở Hồ Tây nhưng không xóc, uống vào một tớp mà như uống cả một làn sen ngào ngạt của Hồ Tây ngạt ngào vào bụng”. Rượu sen vừa tỏa hương là dẫn từ Miếng ngon Hà Nội của ông. Khéo quá! Nói về thứ đồ uống “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” thì thưởng thức cũng là ngẫm ngợi. Có phải nguyên liệu gốc của trà sen, rượu sen cứ phải là sen Hồ Tây, thứ hoa mọc từ rất lâu trong ca dao kinh điển? Là vì, chỉ những kẻ sĩ kinh kỳ mới thưởng sen sành điệu đến thế! Ngắm từ tả sang hữu, từ toàn cảnh tới cận cảnh, “lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng” rồi lại nhìn từ hữu sang tả, từ cận cảnh tới toàn cảnh “nhụy vàng, bông trắng, lá xanh” để mà “chóng mặt” sửng sốt, sen ấy chính là sen Hồ Tây!
Mới nhất là hòa sắc nghe được, một hình tượng thính giác tinh tế của Lê Thành Nghị trong bài Tây Hồ đêm mới chào sân mùa Thu này: “Có vạt nắng pha lê vừa rớt xuống/Vỡ tan trên thềm đá hóa thành trăng”.
8. Xin kết bài bằng câu chuyện Bùi Xuân Phái chơi chữ với Trịnh Công Sơn. Lần ấy ra Hà Nội, Trịnh Công Sơn muốn Bùi Xuân Phái vẽ cho mình một chân dung. Biết họa sĩ cần màu vẽ, nhạc sĩ làm vui lòng người cầm cọ: “Về Sài Gòn em sẽ gửi ra biếu anh hộp sơn dầu (oilpaint).
Thế rồi tranh theo người “hành phương Nam” còn hộp sơn thì quên đường về nhà Phái. Một hôm nhớ chuyện xưa, Trịnh vội thư ra: “Ngày nào em cũng nhớ đến anh!”. Bùi Xuân Phái hóm hỉnh: “Ngày nào tôi cũng nhớ đến… Oil”. Ngày nào Phái cũng nhớ sơn - oilpaint của mình!
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất