Thaksin có thể phải bán Man City: 1 năm, 2 HLV, 2 ông chủ?

07/08/2008 11:48 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Trong khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ có một mùa Hè im lìm thì thị trường chuyển nhượng CLB lại đang xôn xao với những tin đồn. Sau Everton và Newcastle, đến lượt Man City bị cho là đứng trước nguy cơ đổi chủ.
 
Câu chuyện này nghe khá hợp lý khi cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hiện phải đối mặt với một loạt vụ kiện cáo ở quê nhà.

Đã rất lâu rồi, SVĐ City of Manchester không được đón chào ông chủ Thaksin. Tháng 6 vừa qua, sau khi nhân vật đình đám của chính trường Thái Lan này trở về nước, ông đã bị Tòa án tối cao cấm du lịch đến Trung Quốc và Anh với lí do phải hầu tòa một loạt vụ kiện ông tội tham nhũng. Ông Thaksin cũng đã phải giao nộp visa và ngày về với đội bóng của mình ở thành Manchester thì không rõ đến bao giờ.

Thực ra, việc ông chủ một CLB có xuất hiện tại chỗ hay không chẳng quan trọng. Chẳng hạn, chủ sở hữu M.U Malcolm Glazer vẫn ở tít tận Mỹ và số lần đến thăm tài sản của mình thì đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay. Vậy mà bộ máy vẫn vận hành trôi chảy và thành công. Thế nhưng, trường hợp của Man City lại khác. Vấn đề không chỉ là sự vắng mặt của ông chủ mà ngay cả đến tương lai của ông Thaksin ra sao cũng là dấu hỏi lớn.

* Vụ đầu tư lỡ dở

Từ khi còn là Thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin đã thể hiện tình yêu bóng đá, và từng định mua Liverpool. Thế nhưng cũng cần phải nhớ rằng, nhân vật này còn là một nhà kinh doanh xuất sắc. Vậy nên việc ông bỏ tiền mua Man City trong mùa Hè năm ngoái (khi đang sống lưu vong ở Anh) có thể mang nhiều mục đích hơn là chỉ coi đây như một thú vui.
 

Yếu tố kinh doanh cũng có mà yếu tố chính trị cũng có. Nhưng dù theo đuổi đích ngắm nào, điều kiện cần vẫn phải là nuôi được đội bóng “khỏe mạnh”. Thành công trên sân cỏ sẽ kéo theo thành công trên thương trường và danh tiếng cho ông chủ. Điển hình như Roman Abramovich và Chelsea. Đầu tư tốn kém hàng trăm triệu bảng nhưng đổi lại, “thương hiệu” đội bóng lẫn Abramovich đã lan rộng khắp thế giới.

Thực ra, từ khi tiếp quản Man City, ông Thaksin cũng khá mạnh tay đầu tư. Tính đến giờ, đã có 70 triệu bảng được đổ vào thị trường chuyển nhượng cầu thủ, thay 2 đời HLV mà đến như Eriksson cũng bị coi là không đạt yêu cầu. Thế nhưng giờ đây, tiến trình “lên đời” cho Man City đang khựng lại. Mùa Hè này, tân HLV Mark Hughes vẫn đang shopping khá rầm rộ như mua tiền đạo Brazil Jo từ CSKA Moskva với giá 19 triệu bảng và Tal Ben Haim 5 triệu bảng từ Chelsea trong khi sắp bán được hậu vệ Vedran Corluka cho Tottenham với giá khá cao 7,5 triệu bảng. Song thực tế thì dường như, túi tiền của ông Thaksin đang cạn.

* Đầu tiên…tiền đâu?

Vấn đề này nảy sinh từ năm ngoái với thông tin rằng đã hai lần, ông Thaksin phải mượn vay tiền người chủ cũ của Man City là John Wardle để chi tiêu cho đội bóng (dù sau đó đã hoàn trả đầy đủ). Ông Thaksin không thiếu tiền. Tài sản của nhân vật này được ước tính hơn 1 tỷ bảng song khó khăn là phần lớn đang bị Chính phủ Thái Lan phong tỏa. Những vụ kiện liên quan đến gia đình ông gần đây cũng cho thấy các tòa án Thái Lan không còn nương nhẹ như trước. Mới nhất, ngày 31/7 vừa qua, Tòa án Hình sự nước này kết án phu nhân của ông Thaksin, bà Pojaman Shinawatra, 3 năm tù giam với tội danh trốn thuế (bà Pojaman đang được tại ngoại để kháng án sau khi nộp khoản tiền bảo lãnh lên tới 149.000 USD). Đó là dấu hiệu cho thấy ông Thaksin sẽ phải đối mặt với những phán quyết cứng rắn hơn trong các phiên tòa sắp tới xử ông các cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức vụ khi đương quyền.

Cũng cần nói thêm rằng nhìn bề ngoài thì các vụ chuyển nhượng của Man City 2 năm qua khá “hoành tráng” song sự thật là họ mới chỉ trả được phần rất nhỏ. Lấy ví dụ như năm ngoái, theo tính toán thì Man City bỏ ra 45 triệu bảng mua sắm dàn cầu thủ mới toanh của Eriksson song thực tế thì mới chi trả ngay 15-20 triệu bảng. Còn năm nay, vụ chuyển nhượng Jo là kỷ lục CLB song Man City cũng mới trả ngay có 4 triệu bảng, phần còn lại là trả góp. Những khoản phải thanh toán này là gánh nặng không nhỏ chút nào trong thời gian tới, nhất là khi ông Thaksin đang kẹt tiền. Không hiểu HLV Hughes sẽ xoay xở ra sao bởi vẫn còn theo đuổi những mục tiêu đắt đỏ như Santa Cruz của Blackburn hay Lucas Neill của West Ham?

Chính vì thế, có thông tin rằng ông Thaksin đang tính phương án cắt giảm thua lỗ ở Man City càng nhanh càng tốt bằng việc hoặc tìm kiếm thêm đối tác chia sẻ “dự án”, hoặc bán luôn đội bóng. Từ mùa Hè năm ngoái, ông đã tốn kém hơn 200 triệu bảng cho Man City (mua cổ phiếu CLB hết 80 triệu, mua cầu thủ hết 70 triệu và giải quyết nợ đọng 50 triệu). Tìm người mua trên con số đó không khó, khi Premier League vẫn đang được coi là nơi lý tưởng để đầu tư.

Nhưng nếu kịch bản đó xảy ra, thiệt hại nhất sẽ là Man City. Mùa Hè năm nay của họ đang chẳng khác gì mùa Hè năm ngoái với những hồ nghi về tương lai. Không biết đến bao giờ, màu Xanh ở thành Manchester mới có thể trở thành một quyền lực tương đối ở Premier League khi mà hậu trường của họ vẫn xáo trộn không yên?

Thaksin và Man City, 1 năm sóng gió

- 21/6/2007: Cựu Thủ tướng Thái Lan này đưa ra đề nghị 81,6 triệu bảng mua lại Man City. Đề nghị được ban lãnh đạo CLB chấp thuận dù ban tổ chức Premier League từng nêu vấn đề “đạo đức người chủ”.

- 6/7/2007: Hoàn tất việc mua 75% cổ phiếu, đủ điều kiện đưa Man City khỏi sàn chứng khoán và biến CLB thành tài sản riêng. Cũng trong tháng này, bổ nhiệm Eriksson làm HLV.

- 2/2008: Ông Thaksin trở lại Thái Lan sau 17 tháng lưu vong. Bị bắt ở sân bay nhưng nhanh chóng được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh. Tuyên bố “không tham gia chính trường nữa mà tập trung vào tình yêu bóng đá”. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với một loạt vụ kiện ông tội tham nhũng khi đương quyền.

- 6/2008: Sa thải Eriksson, quyết định gây sự phản đối dữ dội từ các fan. Ngay sau đó bổ nhiệm Mark Hughes làm HLV. Cũng trong tháng này, ông Thaksin bị Tòa án Tối cao Thái Lan cấm đi Trung Quốc và Anh khi các phiên tòa xử ông sắp diễn ra.
 
 
Trung Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm