Thái Bình khẳng định là “đất thánh” của triều Trần

30/01/2012 09:52 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Online) – Lễ hội Đền Trần của Thái Bình sẽ được tổ chức Hưng Hà – Thái Bình từ ngày 4/2/2012 (tức 13 tháng giêng) đến 8/2/2012 (tức 17 tháng giêng). Chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên VTV 1 – Đài truyền hình Việt Nam. Thông tin này đã được UBND TP Thái Bình gửi tới truyền thông.

Các nội dung diễn ra suốt lễ hội gồm: Thi cỗ cá, thi vật cầu (14 tháng giêng), Thi gói bánh chưng, thi pháo đất (15 tháng giêng), Thi kéo co (16 tháng giêng), Thi thả diều (17 tháng giêng)… Đặc biệt đêm khai mạc (tối 13 tháng giêng) có chương trình nghệ thuật đặc sắc với những trích đoạn chèo “Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần” và phát ấn cầu may đầu năm.


Đền Trần ở Thái Bình

Một trong những Lễ rước đáng chú ý trong lễ hội Đền Trần năm nay là rước chân nhang từ đền Trần ra bến sông gồm 9 kiệu, đi sau các kiệu là 4 đoàn tế mang chấp kích, bát biểu, tàn lọng, đồ tế khí.. lên đến 100 người.

Điều đặc biệt, trong thông cáo về Lễ hội Đền Trần – Thái Bình có nhiều thông tin lịch sử đáng lưu ý. Đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường Tiến Đức (Hưng Hà - Thái Bình) là đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa Nhà Trần, được Bộ VH - TT & DL công nhận là khu di tích lịch sử (DTLS) quốc gia. Sở Văn hóa - Thể thao  và Du lịch Thái Bình đã phối hợp với Viện Khoa học Lịch sử VN tổ chức hội thảo nhằm xác định lại vị thế đền Trần Thái Bình. Các nhà sử học đã xác định Hưng Hà ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần cách đây hơn 700 năm.

Đền thờ các vua Trần - người xưa gọi là Thái Đường Lăng, được coi là nơi phát tích, nơi sinh tồn phát triển và dựng nghiệp của triều đại nhàTrần. Thái Đường Lăng còn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng.

Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông hung hãn bậc nhất thời đó.

Trong cả ba cuộc kháng chiến đó, sau thành Thăng Long, mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiền đều là nơi nhà Trần chọn làm hậu cứ để xuất nhập thần kỳ.

Cũng tại đây chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại gắn liền với vương triều Trần như đại lễ bái yết tổ tiên và ăn mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba (1288).

Chính trong cuộc lễ lớn này, Vua Trần Nhân Tông đọc 2 câu thơ bất hủ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn Hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá / Non sông ngàn thuở vững âu vàng). 


Lăng mộ vua Trần tại Thái Bình

Đặc biệt mảnh đất Tam Đường linh thiêng hiện lưu giữ hài cốt của các bậc tổ tiên triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa... Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà, trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ.

Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước.

Chính quyền tỉnh Thái Bình và các nhà sử học đã khẳng định “đất thánh” của triều Trần là Hưng Hà - Thái Bình chứ không phải nơi nào khác. Dấu tích 3 ngôi mộ có kích thước như 3 quả đồi của 3 vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đang tồn tại trên cánh đồng rộng lớn đối diện ngôi đình đã khẳng định thêm điều đó.

Một số hình ảnh tại lễ hội Đền Trần - Thái Bình




Chơi cờ người tại Lễ hội đền Trần


Lăng mộ vua nhà Trần





P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm