Tương lai của Carlos Tevez: Đến đâu cũng được. Kết thúc đi thôi!

28/06/2009 11:29 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH cuối tuần) -  Ngày 30/6 tới, hợp đồng mượn 2 năm giữa M.U và Carlos Tevez chính thức kết thúc. Có một điều chắc chắn, tiền đạo người Argentina này sẽ không trở lại Old Trafford. Và anh cũng không rời xứ sở sương mù, thậm chí có thể còn không rời cả thành phố Manchester nếu quyết định chuyển sang Man City. London cũng là một điểm đến dự kiến khác với Chelsea đang lôi kéo. Nhưng với Ban tổ chức Premier League lúc này, họ thực sự mong muốn câu chuyện nhùng nhằng mang tên Tevez sớm khép lại…

Khi đến với xứ sở sương mù trong ngày cuối cùng đầy bất ngờ của thị trường chuyển nhượng mùa Hè 2006, hẳn Tevez cũng không nghĩ rằng sự nghiệp của mình lại bước vào một giai đoạn đầy rắc rối như thế. Còn Premier League phải chịu một trong những trường hợp chuyển nhượng phức tạp nhất lịch sử, kéo theo nhiều hậu quả.

West Ham, điểm đến đầu tiên của Tevez, về sau bị phát hiện có một thỏa thuận liên quan đến “bên thứ ba” mà cụ thể ở đây là một công ty sở hữu “bản quyền kinh tế” của Tevez. Công ty này có người đứng đại diện là doanh nhân gốc Iran Kia Joorabchian, giờ là cố vấn cho Tevez. Do luật Premier League nghiêm cấm các vụ chuyển nhượng liên quan đến “bên thứ ba”, West Ham về sau bị phạt 5,5 triệu bảng đồng thời rơi vào cuộc chiến pháp lý dài đằng đẵng tới 2 năm với Sheffield United, đội bóng lập luận nếu Tevez không thi đấu cho West Ham ở trận cuối mùa giải năm đó và ghi bàn quyết định giúp West Ham trụ hạng, Sheffield đã không phải cay đắng xuống chơi ở giải hạng Nhất Championship. Cuối cùng, mọi chuyện chỉ khép lại khi West Ham đồng ý bồi thường cho Sheffield 20 triệu bảng.

Tương lai của Carlos Tevez vẫn là một dấu hỏi lớn

Nhưng cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Tevez thì chưa khép lại. Rời West Ham đến với M.U, anh lại làm Ban tổ chức Premier League đau đầu! Mùa Hè 2007 là những ngày bận rộn của các luật sư M.U lẫn Premier League để làm sao bản hợp đồng giữa hai bên kín kẽ nhất, không vi phạm luật. Cuối cùng, hai bên nhất trí một dạng hợp đồng mượn cầu thủ theo đó không dính dáng gì đến “bên thứ ba” nữa. Sau thời hạn 2 năm, M.U được quyền ưu tiên trong việc mua lại Tevez với giá 25,5 triệu bảng.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì phức tạp nếu trong mùa Hè này, M.U chấp nhận bỏ ra số tiền trên và Tevez đặt bút ký trở thành cầu thủ dài hạn ở Old Trafford. Trường thiên tiểu thuyết rắc rối về chân sút này sẽ kết thúc. Nhưng…M.U cảm thấy cái giá như vậy cũng như những đòi hỏi về lương bổng của Tevez là quá cao. Họ nhùng nhằng. Tevez giận dữ vì không được coi trọng, thường xuyên phải ngồi trên băng ghế dự bị ở mùa giải qua. Cuộc chia tay là khó tránh khỏi dù phút chót, M.U đã chấp thuận mức giá 25,5 triệu bảng (trùng hợp thú vị là nó bằng đúng với tổng số tiền “phạt vạ” mà West Ham bị mất do việc mua Tevez).

Đáng tiền hay không?

Đây là mùa Hè lạm phát kỷ lục trên thị trường chuyển nhượng. Đó là điều không phải bàn cãi mà chưa cần bàn đến cuộc “shopping” điên rồ của Real Madrid, những chuyển động vừa qua ở Premier League cũng đã nói lên điều đó. Một Glen Johnson khiến Liverpool phải trả 17 triệu bảng, một Santa Cruz khiến Man City phải móc ví 18 triệu bảng thì một Tevez giá 25,5 triệu bảng cũng là lẽ đương nhiên.

Nhưng, những đội bóng đang sẵn sàng chi ra từng đó hãy thận trọng. Tại sao M.U phải đắn đo đến thế và chỉ chấp nhận “cắn răng” đề nghị giữ chân Tevez sau khi mất Cristiano Ronaldo? Khi chỉ trích thái độ “phụ bạc” của Old Trafford, Joorabchian vô tình so sánh rằng nếu Wayne Rooney ở trong điều kiện hợp đồng giống như Tevez, hẳn M.U đã nhanh chóng giải quyết vấn đề ở cơ hội sớm nhất.

Dĩ nhiên, Sir Alex sẽ không bao giờ để Rooney bước vào giai đoạn cuối hợp đồng mà không đề nghị hợp đồng mới. Ngược lại, M.U chỉ đưa ra đề nghị 5 năm kèm mức lương 110.000 bảng/tuần cho Tevez khi chưa còn 1 tháng nữa, hợp đồng mượn kết thúc. Có nhiều lý do từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo ảnh hưởng không nhỏ đến cả làng bóng đá, từ nỗ lực “tiết kiệm” được hơn trong thương lượng, từ việc M.U còn đang bận rộn chinh phục cú ăn 5…Nhưng có một thực tế rõ ràng cho Tevez ngay từ so sánh của Joorabchian: Anh không được M.U đánh giá xứng tầm như Rooney!

Không phủ nhận Tevez là một cầu thủ chất lượng. Anh ghi nhiều bàn quan trọng cho M.U trong 2 năm qua và mỗi khi vào sân từ băng ghế dự bị đều truyền được “lửa” trong lối chơi tấn công của đội bóng. Nhưng rõ ràng, Sir Alex hồ nghi về đẳng cấp cao nhất của Tevez dẫn đến quyết định không thường xuyên trọng dụng anh. Tevez ghi 15 bàn trong 51 trận cho M.U mùa giải qua (34 lần đá chính, 17 lần vào sân thay người). Tuy nhiên, trong số đó chỉ 5 bàn là ở Premier League mà thôi.

25,5 triệu bảng cùng mức lương tuần 6 chữ số cho một chân sút không được coi là chủ lực. Cái giá đó quá đắt. Thử so sánh ngay ở Premier League, Tevez khó mà sánh được về hiệu suất với Nicolas Anelka và Fernando Torres, những tiền đạo mà Chelsea và Liverpool không phải bỏ ra đến 25,5 triệu bảng để có được. Sir Alex chỉ miễn cưỡng chấp nhận thay đổi quan điểm về Tevez trong bối cảnh bán đi Ronaldo. Và biết đâu, việc anh lắc đầu lại là... may cho M.U? Họ có thể kiếm được một chân sút khủng hơn với chi phí thấp hơn.

Không Ronaldo không có nghĩa Tevez sẽ được bảo đảm đá chính ở Old Trafford mùa tới, khi mà vẫn còn Rooney và Dimitar Berbatov, chưa kể nhiều tài năng trẻ khác như Macheda. Và với quan hệ giữa hai bên đã qua ngưỡng có thể vãn hồi, Tevez ra đi là hợp lý. Nó tốt cho anh, tốt cho sự nghiệp ở ĐT Argentina của anh, tốt cho…tài khoản của anh và của cả nhà cố vấn Joorabchian. Và có lẽ tốt cho cả người mua nào đang sẵn sàng chi 25,5 triệu bảng.

Theo Joorabchian, ngoài Man City và Chelsea còn có thêm một CLB Premier League khác đang nhảy vào cuộc đua giành chữ ký Tevez. Không rõ đó là “đòn gió” của nhân vật này hòng tăng lợi thế trong thương lượng hay thực tế, Tevez hấp dẫn đến thế. Tuy nhiên, để lựa chọn, có lẽ Tevez nên ở lại thành Manchester. Tại Stamford Bridge, anh sẽ phải rơi vào cuộc cạnh tranh vị trí chính thức mới mà dù HLV Carlo Ancelotti rất ngưỡng mộ anh, chưa chắc Tevez đã chắc suất trong đội hình xuất phát. Ở Man City, anh sẽ được ưu ái hơn nhiều. Bản thân Man City cũng có thể coi 25,5 triệu bảng cho Tevez là cuộc đầu tư hợp lý. Nó không chỉ giúp tăng cường sức mạnh lực lượng mà còn đánh bóng hình ảnh cho họ, nhất là nếu đánh bại được Chelsea trong cuộc giành giật này.

Và dù đó là Chelsea, Man City hay cái tên nào khác ở Premier League, hãy chuẩn bị đón nhận sự “săm soi” kỹ lưỡng của Ban tổ chức. Họ không muốn có “bên thứ ba” nào dính dáng vào hợp đồng này. Sẽ mất thêm chút ít thời gian, nhưng câu chuyện rắc rối về Tevez đang khép lại…

Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm