Tàu vẫn đi & sân ga vẫn vắng

15/02/2013 07:37 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ chẳng có nghệ sĩ quốc tế nào đến đây nếu như họ không kiếm được tiền. Đó là chưa kể Việt Nam vẫn chưa có sự phân phối đĩa nhạc trên thị trường một cách chuyên nghiệp như nhiều nước châu Á khác - Air Supply viết như thế trong tự truyện của nhóm sau chuyến lưu diễn đầu tiên tại Việt Nam, năm 2007, thành công mỹ mãn. Và tiên đoán của Air Supply đã thành sự thật.

Lật giở lại “hồ sơ 20 năm” của “sân ga quốc tế” nhạc Việt, có thể nhìn rõ một thực tế: mặc dù Bryan Adams “mở hàng” thành công và sau Mai Quốc Việt, có thêm hàng chục ông bầu nhảy vào địa hạt kinh doanh show quốc tế ở Việt Nam, nhưng thị trường này vẫn là một vực sâu hun hút.

Vé không cần bán

Ở khu vực âm nhạc bác học, việc kinh doanh từ âm nhạc cho tới giờ này là chuyện nằm mơ. Toàn bộ vé xem các chương trình hòa nhạc Hennessy là vé mời với các đối tượng ít thay đổi theo từng năm Hennessy Concert. Tương tự là chương trình Hòa nhạc cổ điển Toyota. Mặc dù theo thông báo của nhà tổ chức, giá vé hạng nhất của Toyota Classics là 600.000 đồng nhưng chỉ có khoảng 50 vé được bán ra tại phòng vé Nhà hát Lớn Hà Nội (!), còn lại đều là vé “đối ngoại”. Tất nhiên các “đại gia” như Hennessy, Toyota làm các show này không phải để thu tiền, nên họ không màng tới chuyện bán vé. Và nếu phải bán vé, thì nhiều khi xảy ra chuyện cười ra nước mắt như Dàn nhạc giao hưởng Philadelphia diễn tại Nhà hát Hòa Bình năm 1999, giờ cuối chợ đen rao giá chỉ có 60.000 đồng/vé, rẻ hơn bèo nếu biết rằng vé đi coi hòa nhạc tại nước ngoài, nhất là với những dàn nhạc danh tiếng hàng đầu thế giới như Philadelphia thì giá vé hạng bét cũng phải 80USD! Năm ngoái, lần đầu tiên một chương trình hòa nhạc cổ điển ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho thị trường âm nhạc bác học ở Việt Nam khi đặt giá vé ngang ngửa với những chương trình nhạc nhẹ “hot” nhất: 800 ngàn đến 3 triệu đồng. Đó là Những giai điệu cổ điển vượt thời gian với ê-kíp đạo diễn Việt Tú, Giám đốc sản xuất Anh Tuấn (VTV), Giám đốc âm nhạc Bùi Công Duy và nhân vật chính là Dàn nhạc Berliner Symphoniker nổi tiếng của Đức. Tuy nhiên thực tế là trước giờ mở màn, vé phải đem đi phát để lấp đầy nhà hát (dù một phần lớn lượng vé nghe nói đã được MobiFone bao thầu).


Và bán không hết vé

Với dòng nhạc bác học, việc kinh doanh hiện tại là nằm mơ giữa ban ngày, nhưng ngay cả với dòng nhạc pop, với các ngôi sao “hot” tầm cỡ khu vực và thế giới, thì việc “kiếm được tiền” cũng giống như nằm mơ. Kể từ show The Moffatts năm 1999, hầu như các show quốc tế vào Việt Nam (không tính những show mang tính giao lưu, hợp tác văn hóa) đều đi từ lỗ tới lỗ, có những vụ lỗ đau và bất ngờ đến nỗi nhà đầu tư chỉ còn biết giơ tay than trời. Hai đêm diễn hoành tráng Rain World Tour 06 - 07 của ngôi sao giải trí số 1 Hàn Quốc lúc bấy giờ, Bi Rain, là một ví dụ điển hình. Những tưởng sự xuất hiện của Bi Rain trong phi vụ của S-Fone nửa năm trước đó tại Sân vận động Quân khu 7 là bước chuẩn bị hoành tráng cho show diễn chính thức đạt chuẩn quốc tế của ngôi sao này, nhà đầu tư tự tin đến độ “book” hẳn 2 đêm cho “đã”. Kết cục, lỗ khoảng 1 triệu USD, hai nhà đầu tư - một Hàn, một Việt - từ đó cũng mất dạng luôn trên trường showbiz. 1 triệu USD cho một bài học giản đơn: fan Việt hoặc cả thèm chóng chán, hoặc chỉ thích coi “chùa”. Bài học này chính Air Supply cũng nhận được trong lần thứ hai trở lại Việt Nam. Ngôi sao quốc tế nào quay lại Việt Nam lần thứ hai (mới lần thứ hai thôi) cũng… ế vé.

Sau thất bại (kinh doanh) của show The Moffats năm 1999 cùng cái chết của hàng loạt ông bầu, đến năm 2011 showbiz Việt mới chứng kiến một “phi vụ” lớn, một “supershow” của nhóm nhạc số 1 Hàn Quốc Super Junior - cũng giống như Rain World Tour 06 - 07 trước đây, Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng của tour Super Show gồm 16 đêm diễn tại 13 thành phố lớn của châu Á. Và quan trọng hơn, nó cũng là “supershow” của một ông bầu mới, Công ty Tầm nhìn Việt (ca sĩ Hà Anh Tuấn là một thành viên), với khát vọng và sự tự tin “mang Việt Nam đến gần hơn với bản đồ giải trí trên thế giới”. Để chuẩn bị cho siêu show này, nhà đầu tư đã bỏ ít nhất nửa năm để nghiên cứu thị phần khán giả ở Việt Nam của Super Junior. Không quá khó để nhìn thấy làn sóng hâm mộ các ngôi sao K-pop cuồn cuộn thế nào ở Việt Nam. Các fan bạt ngàn trên các diễn đàn sẵn sàng hôn ghế ngồi của thần tượng, ngất xỉu ở sân bay để chờ thần tượng… Và với SuJu, họ có một lượng fan khổng lồ trong khu vực sẵn sàng “hộ tống” thần tượng ở bất cứ đâu (SuJu diễn ở Thái Lan, Singapore… thì các fan này mua vé đi theo). Theo ước tính của nhà đầu tư, các chàng trai SuJu có ít nhất 50.000 fan ở Việt Nam và chỉ cần 15.000 fan mua vé là chương trình đã có lời dù tổng chi phí cho show khủng này lên tới 1 triệu USD (toàn bộ thiết bị âm thanh, ánh sáng được chuyên chở từ Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc…). Nhưng sân Gò Đậu (Bình Dương) tối 7/5/2012 chỉ có khoảng 9.000 khán giả, trong đó các fan Việt Nam mua chừng 5.000 vé, nhà đầu tư lỗ khoảng 400.000 USD. Một người trong ban tổ chức chỉ biết than trời: Fan ở Việt Nam chỉ là ảo!

Thực tế này tiếp tục được kiểm chứng tại Đại nhạc hội K-pop với nguyên dàn sao Hàn đông kỷ lục (khoảng 70 người) tối 29/11/2012 tại Sân vận động Mỹ Đình. Trái ngược với bạt ngàn hình ảnh fan bỏ ăn bỏ ngủ vạ vật ngoài sân bay chầu chực đón thần tượng là cảnh nhiều khu trên khán đài hoàn toàn trống vắng. Không có sốt vé như một vài tờ báo nhanh nhảu “phóng” lên trước đêm diễn, số lượng người trên sân vận động (bao gồm cả vé mời) chỉ bằng một nửa số lượng vé phát ra (lượng vé in theo thông báo của ban tổ chức là 50.000).

Một thị trường thực sự chỉ được công nhận bởi số vé hay số lượng băng đĩa bán ra (mở ngoặc nói thêm rằng các danh hiệu Đĩa Vàng, Bạc, Bạch Kim hay Bảng xếp hạng các bài hát… ở các thị trường được đo lạnh lùng bằng các con số đĩa bán ra trên thị trường. Bởi vậy gần như không bao giờ có chuyện lùm xùm tranh cãi tin nhắn hay phiếu bầu cho các danh hiệu). Bởi vậy, dễ hiểu khi nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn không có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, bởi vậy không có nhà sản xuất và nghệ sĩ quốc tế nào muốn đến Việt Nam”. 

Cặp bài trùng

Có mặt trong show Sting và Elton John ở Impact Arena (Bangkok), hay tại nhà hát Marina Bay Sands (Singapore) xem vở nhạc kịch Jersey Boys có thể dễ dàng nhận thấy dưới hàng ghế khán giả rất đông du khách nước ngoài. Không chỉ ở Đông Nam Á, mà ngay cả những trung tâm giải trí thế giới như quận nhà hát Broadway ở New York, khu Sân khấu West End ở London, chuỗi nhà hát ở Las Vegas đều nhắm tới đối tượng phục vụ chính là khách du lịch. Mấy năm nay không ít du khách Việt Nam bỏ tiền qua Singapore, Thái Lan, thậm chí cả Indonesia, Philippines để xem show. Không có chen lấn, không có kẹt xe, không có móc túi, trộm đồ, thưởng thức nghệ thuật trong những không gian nhà hát tiêu chuẩn và không khí giải trí đúng nghĩa, lại có cơ hội du lịch và mua sắm - nhất cử lưỡng tiện.

P.T.T.T
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm