22/05/2023 09:52 GMT+7 | Văn hóa soi đường
Diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/5, lễ kỷ niệm "Hội thề Trung hiếu" tại đền Đồng Cổ (Tây Hồ, Hà Nội) đánh dấu cột mốc tròn 995 tuổi, đồng thời đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tương truyền, hội thề đặc biệt này gắn với huyền tích thời Lý về vị thần Đồng Cổ báo mộng giúp Thái tử Lý Phật Mã dẹp loạn Tam vương. Khi Thái tử tên ngôi và trở thành vua Lý Thái Tông, đền Đồng Cổ được xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái - nay thuộc phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Đặc biệt, trước đền đắp đàn cao, vào hội 4/4 âm lịch hàng năm, các quan văn võ từ phía đông đi vào quì trước đàn, uống máu và thề: "Làm con bất hiếu/ Làm tôi bất trung/ Thần minh chu diệt".
Theo giới nghiên cứu, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất thời Lý. Hàng năm, hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và mọi người dân ở trong và ngoài kinh thành Thăng Long đều về dự hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong quốc thái dân an.
Sang thời Trần, nội dung lời thề được đổi thành "Làm tôi tận trung/ Làm quan trong sạch /Ai trái thế này/ Thần minh giết chết" và tiếp tục được duy trì. Theo thời gian, hội thề này dần trở thành một lễ hội kết hợp giữa nghi thức cung đình xưa và sự sáng tạo của dân gian, luôn thu hút khách thập phương về dự ngày 4/4 âm lịch hàng năm và tiến hành lễ rất trang trọng.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và giới nghiên cứu đã hỗ trợ quận Tây Hồ (Hà Nội) hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Và, lễ kỷ niệm 995 năm ra đời di sản này vào tối qua 21/5 cũng gắn với việc công bố Quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2023.
Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật tại lễ hội đền Đồng Cổ và kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu là màn sử thi được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu với sự thể hiện của một số đơn vị sân khấu. Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Lê Thế Song, các huyền tích gắn với hội thề được tái hiện như màn dẹp loạn Tam vương của Thái tử Lý Phật Mã, màn ra đời Hội thề Trung hiếu để răn dạy quân thần giữ trọn đạo hiếu trung.
Phát huy thế mạnh là tác giả của các vở kịch hát, đạo diễn Lê Thế Song đã có sự lựa chọn khá công phu cho các làn điệu âm nhạc được sử dụng. Chương trình có sự kết nối giữa lời bình nghệ thuật, âm nhạc, múa, hiệu ứng ánh sáng, màn kịch sử thi và các trình thức trình diễn di sản văn hóa truyền thống như hát xẩm, hát chèo, diễn ca, múa trống, rước rồng... để dựng lại truyền tích về đền Đồng Cổ, thần Đồng Cổ, vua Lý Thái Tổ và đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Trước đó, Thạc sĩ Lê Thế Song đã để lại nhiều dấu ấn qua vai trò biên tập kịch bản Seagames 31 tại Hà Nội và lễ hội hoa Đà Lạt 2023. Anh cũng là người viết kịch bản lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023, chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập thị xã Tân Châu - An Giang. Ngoài ra, Lê Thế Song cũng giữ vai trò đạo diễn lễ hội đền Đông Cuông năm 2023; chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Công ước 2003 của UNESCO, chương trình khai mạc lễ hội đền Hùng 2023…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất