(TT&VH) - Trong 3 mùa bóng liên tiếp, cuộc đua Scudetto là câu chuyện riêng của bộ đôi Inter-Roma, với phần thắng tuyệt đối thuộc về Inter.
Nhưng trước đó 2 năm, ở thời tiền Calciopoli, cuộc đua cũng chỉ xoay quanh Juve và Milan. Giờ đây, Calciopoli đã trở thành dĩ vãng, Juve đã trở lại và Milan được đầu tư mạnh mẽ, những cuộc đấu tay đôi ấy cũng sẽ chỉ còn là kỉ niệm? Khởi đầu Serie A mùa này sẽ là một cuộc chiến 4 chọi 1. Vì Scudetto.
Khi khoảng cách dần được thu hẹp
Mùa bóng trước, sự độc tôn trọn vẹn của một siêu CLB đã chấm dứt, khi lần đầu tiên kể từ thời điểm Serie A được nâng lên thành 20 đội (2004-05), số điểm của đội vô địch thấp đến thế (85 điểm), trong hoàn cảnh Scudetto chỉ có thể đoạt được ở vòng cuối cùng, sau một cuộc đua mệt mỏi và căng thẳng ít thấy trong những năm qua, điều gợi nên cho những tifosi những dấu hiệu lạc quan về một mùa bóng 2008-09 kịch tính cho đến phút chót.
Trên thực tế, một trong những điều cốt lõi dẫn đến sự suy sụp của Inter không phải là sức ép của Roma quá lớn, hay sự trở lại của đối thủ truyền kiếp Juve khiến Inter rối trí, mà vấn đề đã nảy sinh từ cuối năm 2007, khi Inter bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề của một serie chấn thương trong những cầu thủ trụ cột và cả đội bắt đầu phân tán tư tưởng trước sự ve vãn Mourinho của Moratti. Tóm lại, Inter suýt mất Scudetto vì những lí do nội tại của nó hơn là những lí do khách quan. Vậy, sự lạc quan vào mùa bóng liệu có cơ sở?
2007-08 là một mùa bóng chuyển giao giữa gì còn lại của Calciopoli và sự trỗi dậy của các lực lượng mới và cũ trên sân cỏ calcio, để 2008-09 là mùa bóng không còn một chút dư vị nào nữa của vụ scandal lớn ấy. Mùa bóng trước cũng có lẽ đã chính thức chấm dứt sự tồn tại của những đội bóng khổng lồ với những khoảng cách kinh hoàng so với đội đứng sau sau 3 năm dãn cách liên tục ở tốp đầu với tốp sau.
Liệu sự độc tôn trọn vẹn của 1 CLB đã chấm dứt?
Một loạt những kỉ lục (tổng cộng có đến 15 kỉ lục mới được lập) về thành tích thi đấu do Juve, Inter, Milan và Roma lập từ 2005 đến 2007 cũng sẽ khó có thể lặp lại nữa, bởi những hoàn cảnh dẫn đến Calciopoli cũng như những hậu quả của nó, là một trường hợp hết sức đặc biệt của calcio. Những kỉ lục về số điểm đạt được sau mỗi mùa bóng kể từ 2004 ấy, từ 86 điểm mùa 2004-05 của Juve, 91 điểm mùa 2005-06 cũng Juve, cho đến 97 điểm của Inter 2006-07 đã kết thúc. Mourinho có thể đạt đến 95 điểm ở Premier League trong mùa bóng đầu tiên, nhưng để đạt được 85 điểm như Inter Mancini đã làm mùa trước là điều không hề dễ dàng.
Một lẽ đơn giản: trong khi Inter Mourinho mạnh hơn thời Mancini, Roma hơi có dấu hiệu chững lại sau 3 năm liên tiếp về nhì sau Inter, thì Milan, Juve và Fiorentina đã đầu tư mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách về kĩ thuật. Một cuộc đua tay đôi Inter-Roma từ đầu đến cuối như 3 mùa qua là điều không tưởng.
Hy vọng gì vào cuộc đấu 4 chống 1?
Việc Lega Calcio cho phép các CLB được phép thương lượng bản quyền truyền hình riêng lẻ từ mùa 1998-99, việc truyền hình kĩ thuật số nhảy vào địa hạt bóng đá, làm lệch cán cân tài chính giữa các CLB lớn và nhỏ, cùng với vụ Calciopoli là những nguyên nhân tạo ra sự phân cực giữa các nhóm đội, dẫn đến những Serie A nhàm chán với những cuộc đua tay đôi. Giờ đây, trong khi giá trị bản quyền truyền hình vẫn thế (nhưng tất cả sẽ thay đổi từ 2010, khi các đội sẽ được hưởng ngang nhau), thì Calciopoli đã không còn tồn tại nữa, 2 năm sau khi quả bom bùng nổ.
Inter chỉ có thể độc tôn trong 2 mùa bóng 2006-07 và 2007-08 của một giải đấu mà những hậu quả trực tiếp và nguy hiểm của Calciopoli đã làm suy yếu tất cả những đội bóng có thể lật đổ Inter, trừ Roma, đội không dính vào scandal ấy. Đội bóng của Moratti chỉ đơn giản là nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Juve và Milan, bị trừ 8 điểm, để lại. Hai năm sau scandal, người ta không còn cảm nhận được những dư chấn của Calciopoli với những đối thủ lớn của Inter nữa, ít nhất là về mặt kĩ thuật. Inter vẫn mạnh hơn các đối thủ về lực lượng và tổ chức, nhưng những ai bị tiêu diệt bởi vụ scandal ấy đã hồi phục và thu hẹp khoảng cách đáng kể với Inter nhờ những đầu tư đáng kể để tăng cường lực lượng. Cuộc đua của “7 chị em” như 10 năm trước đây không còn nữa, khi Parma giờ đã tụt xuống Serie B và Lazio chỉ còn là một đội bóng “thứ cấp”, nhưng một cuộc đua tay năm thì hoàn toàn có thể.
Khó có thể tin rằng, sẽ lặp lại một kịch bản giật gân và thót tim như những năm 1999, 2000 và 2002, với Scudetto chỉ được quyết định ở vòng cuối, khi đội VĐ chỉ hơn á quân đúng 1 điểm (thậm chí đến vòng áp chót, đội đứng thứ 3 cũng có hy vọng Scudetto), nhưng một cuộc đua gay cấn sẽ diễn ra từ vòng đầu tiên giữa Inter với Milan, Juve, Roma và Fiorentina chắc chắn sẽ diễn ra. Sự khác biệt lớn nhất mang tên Champions League. Chính giải đấu ấy sẽ tạo ra sự khác biệt giữa các đội bóng.
Nó khiến cho Inter nặng nề và mệt mỏi hơn nhiều khi phải căng sức chiến đấu trên cả 2 mặt trận, và một cuộc khủng hoảng nhân sự vì chấn thương như đã xảy ra mùa trước hoàn toàn có khả năng tái diễn, càng làm cho những cách biệt về kĩ thuật giữa họ với 4 đối thủ cạnh tranh hẹp lại hơn nữa. Tôi không có ý đánh giá thấp tham vọng của các đội Italia còn lại dự Champions, nhưng Juve, Roma và Fiorentina thừa hiểu là họ sẽ không thể tiến xa hơn để có tham vọng VĐ ở giải đấu ấy. Đến một lúc nào đó, có thể chấp nhận hy sinh mặt trận châu Âu vì Serie A. Đó chính là điều mà Inter lo ngại nhất khi lực lượng của họ phải căng ra: Moratti cần cả Champions League lẫn Scudetto.
Milan không phải dự Champions, cũng không nhất thiết phải chịu hao tổn lực lượng vì Cúp UEFA (tôi không tin họ sẽ đá Cúp này với đội hình mạnh nhất, đó không phải là ưu tiên số 1 của họ). Đó là một lợi thế lớn. Juve trở lại Champions không phải là để đoạt nó, mà để lấy lại danh dự đã mất sau 2 năm không dự Cúp châu Âu. Mục tiêu hàng đầu của họ là Scudetto để xác định lại vị trí và tái xây dựng lại hình ảnh của mình sau khi đã rạn vỡ vì Scudetto. Roma và Fiorentina không thể với đến Scudetto. Cần phải thực tế. Nhưng họ muốn có vị trí cao để tiếp tục dự Champions League mùa tới. Cuộc chiến, do đó, sẽ vô cùng hấp dẫn. Nhưng sự hấp dẫn đó có thể kéo dài bao lâu? Không ai biết. Sự phân cực có thể sẽ bắt đầu vào Giáng sinh, khi Inter, hệt như những mùa trước, mà cách tích lũy điểm ấy cũng là quen thuộc với các CLB trước của Mourinho và rồi, Champions vào tháng 3 và 4/2009 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc quyết định ngôi vô địch. Nếu lúc ấy, Inter vẫn còn thi đấu ở Champions League, Juve, Roma và Fiorentina đã bị loại (điều đó có đến 95% khả năng xảy ra), Milan có thể vẫn đá ở Cúp UEFA, Serie A sẽ kịch tính đến tận phút cuối cùng.
Một kết cục như thế cho Serie A (đồng nghĩa với việc phải chấp nhận một mùa thất bại nữa của calcio trên đấu trường châu Âu) không phải là điều chúng ta chờ đợi sao?
Kết cục nào cho Inter của Mourinho?
Jose Mourinho phải hiểu một điều, là kể từ mùa 1993-94, khi Milan vừa VĐ Serie A, vừa đoạt Champions League, chưa có một CLB Italia nào đoạt cú đúp trong một mùa giải. Inter sẽ khó có thể làm được điều kì diệu ấy, dù xét về mặt hình thức, Inter 2008 cũng không khác Milan 1994 là bao (cũng mạnh hơn hẳn các đối thủ và cũng đã 3 lần đoạt Scudetto liên tiếp), và có thể sẽ rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt: có Scudetto nhưng không Champions League, có Champions League không Scudetto, hoặc hoàn toàn trắng tay, giống hệt Milan năm 1995, khi mất Scudetto vào tay Juve và thua Ajax trong trận CK Champions League. Đó không phải là khả năng, mà là nguy cơ.
Nhưng người viết nghĩ ra một kết cục hơi viễn tưởng thế này: Juve đoạt Scudetto, Inter đoạt Champions League, Milan đoạt Cúp UEFA, trong khi Roma đoạt Cúp Italia. Bạn nghĩ sao? |
Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN tại Roma, Italia)