Sáng làm văn phòng, tối bán hàng rong, cô gái kiếm gần 7 tỷ đồng từ “siêu thị mặt đất”: Tưởng “dễ xơi” nhưng không phải ai cũng làm được

30/03/2023 00:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Sáng làm văn phòng, tối bán hàng rong, cô gái kiếm gần 7 tỷ đồng từ “siêu thị mặt đất”: Tưởng “dễ xơi” nhưng không phải ai cũng làm được

Vốn để mở những sạp hàng ven đường không lớn, nhưng phần lớn những người kinh doanh đều không vượt qua được giai đoạn đầu.

Với sự tự do hóa của "nền kinh tế gian hàng đường phố", ngày càng có nhiều người trẻ ở Trung Quốc bắt tay vào kinh doanh. Các chủ đề liên quan như "y tá kiếm được 15.000 NDT trong hai tuần từ bán hàng rong" hay "cặp vợ chồng kiếm bộn tiền nhờ bán lề đường" liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Trả hết nợ, kiếm bộn tiền nhờ nghề tay trái

Tuy nhiên, việc khởi nghiệp có thực sự dễ dàng? Cô gái trẻ có tên Lạc Lạc, sinh sống tại Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện thật của chính mình. Cô bắt đầu với 3.500 NDT, hiện tại tổng thu nhập hàng năm là gần 2 triệu NDT.

Như thường lệ, Lạc Lạc lái xe đến một nơi cách nhà không xa để bán đồ chơi sau khi tan sở. Đây là năm thứ hai cô chuyển sang kinh doanh bán thời gian. Vào tháng 6 năm 2021, Lạc Lạc đã nảy ra ý tưởng mở một quầy hàng trên đường phố để kiếm thêm tiền. Khi đó, cô đang mắc phải khoản nợ lớn thua lỗ vì mở quán ăn.

"Sau khi phá sản vào năm 2020, tôi có khoản nợ hơn 2 triệu NDT. Tôi không có ai hỗ trợ vì vậy phải một công việc phụ để có thêm thu nhập", Lạc Lạc chia sẻ. Vốn của gian hàng trên phố là 3.500 NDT. Lý do cô chọn bán đồ chơi là vì chúng rẻ, bền và được trẻ em yêu thích.

Lần đầu tiên mở gian hàng, Lạc Lạc đã chọn địa điểm ở gần nhà. Mặc dù nhanh chóng bị nhân viên quản lý đuổi đi nhưng cô cũng thu được thành quả kha khá. Chỉ trong hơn 10 phút, cô đã bán được khoảng 300 NDT.

Sáng làm văn phòng, tối bán hàng rong, cô gái kiếm gần 7 tỷ đồng từ “siêu thị mặt đất”: Tưởng “dễ xơi” nhưng không phải ai cũng làm được - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Trong quá trình kinh doanh, Lạc Lạc tự làm truyền thông. Chẳng bao lâu sau, tên tuổi của cô đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ. Nhiều người trong số đó hy vọng có thể dựng một gian hàng trên phố như Lạc Lạc. 

Điều này giúp cô gái trẻ khám phá ra những cơ hội kinh doanh mới: “Lúc đầu, tôi trực tiếp đẩy nguồn hàng cho họ, nhưng sau đó tôi thấy ngày càng có nhiều người tìm đến để lấy hàng nên tôi dần trở thành nhà phân phối".

Đến năm 2023, Lạc Lạc không chỉ trả hết nợ mà còn có tiền cho những dự án đầu tư mới. "Năm ngoái thu nhập gần 2 triệu NDT (khoảng 6,8 tỷ đồng)", cô tiết lộ.

Gian hàng di động: Kiếm tiền không đơn giản như tưởng tượng

Trịnh Phương là một người kinh doanh kẹo đường phố. Gian hàng của chị nằm ngoài lối vào của phố ăn vặt. Bản thân chị Trịnh chỉ mới bắt đầu thử kinh doanh và thường chỉ mở vào lúc 7 hoặc 8 giờ tối. Khi nói về việc kinh doanh có phát đạt hay không, chị cho biết: "Thực ra thời gian gần đây thời tiết không thuận lợi nên không thích hợp để bán hàng."

Có thể thấy, kiếm tiền không phải là một công việc dễ dàng. Một ông chủ khác trên phố ăn vặt thừa nhận rằng bản thân cần trả phí gian hàng 180-200 NDT mỗi ngày. 

Không chỉ ảnh hưởng bởi thời tiết, những người kinh doanh này còn phải xoay sở để bám trụ trong trường hợp không có khách hàng.

Để kích thích tiêu dùng, nhiều nơi ở Trung Quốc đã khuyến khích phát triển "kinh tế chợ đêm" và "kinh tế hàng rong". Kéo theo đó, một vài người có "thu nhập hàng tháng vượt quá 10.000 NDT" cũng trở thành hiện tượng trên nền tảng xã hội.

Tuy nhiên, lý tưởng thì bao la nhưng khi bắt tay vào thì không hề đơn giản. Sau khi dựng gian hàng, nhiều người trẻ thở dài ngao ngán rằng thực tế chẳng như mơ.

Lạc Lạc thừa nhận dù cô bán hàng rong nhưng yếu tố quan trọng nhất lại nằm ở khâu truyền thông. Chính nhờ cách tiếp thị đúng đắn, cô mới có được nguồn khách hàng ổn định."Người hâm mộ và tiền thu về từ các bài đăng trên các nền tảng không cao nhưng bù lại cô có lượng khách hàng ổn định.

Những người kinh doanh có tên tuổi thường quay các video chia sẻ kinh nghiệm dựng sạp hàng rong, đồng thời giới thiệu một số mặt hàng nhỏ lẻ giá rẻ phù hợp với mọi người. Khi ai đó hỏi làm thế nào để mua hàng, họ sẽ trực tiếp bán hàng cho những vị khách này. Một số tài khoản thậm chí còn nói rằng họ nhận đào tạo học viên để mở quầy hàng, đương nhiên là sẽ đi kèm học phí.

“Chính những tài khoản tiếp thị này mới thực sự kiếm được nhiều tiền”, một người dùng bày tỏ quan điểm.

Sáng làm văn phòng, tối bán hàng rong, cô gái kiếm gần 7 tỷ đồng từ “siêu thị mặt đất”: Tưởng “dễ xơi” nhưng không phải ai cũng làm được - Ảnh 2.

Hình minh họa. Ảnh: Internet

Bán hàng rong không có hề "xấu" nhưng cần sự kiên trì 

Nhìn vào những tiêu đề, câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người lầm tưởng về một tương lai “thuận buồm xuôi gió”. Không ít trường hợp vội vã đi kinh doanh nhưng lại chẳng thể vượt qua được ngưỡng “mới vào nghề”.

"Trên thực tế, có rất ít người có thể kiên trì. 80% trong số họ có thể dành ba ngày để làm việc và hai ngày để lướt mạng", Lạc Lạc cho biết. Cô nhận định, nguyên nhân khiến nhiều người thất bại không chỉ do thiếu kinh nghiệm về địa điểm, lựa chọn sản phẩm, nguồn hàng… mà còn do tâm lý. "Trong mắt những người trẻ tuổi, dựng gian hàng là một việc thấp kém. Họ cho rằng đó là công việc dành cho những người trên 40 hoặc 50 tuổi."

Trên mạng xã hội, nhiều quan điểm cũng cho rằng thu nhập ít ỏi và bấp bênh trong giai đoạn đầu rất dễ làm nản chí, khó có thể kiên trì lâu dài. Theo quan điểm của Lạc Lạc, cô không khuyến khích những người trẻ tuổi chạy theo xu hướng: "Các bạn nên cân nhắc khả năng nhân rộng khi lựa chọn kinh doanh lề đường. Mở gian hàng chỉ là phương tiện và con đường, quan trọng nhất là bạn học được gì".

Thùy Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm