Phim “hốt bạc” dần lấn lướt Cánh diều

12/03/2013 08:14 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Cánh diều 2012 đã kết thúc, những giải thưởng đã được trao. Vẫn còn đó những thắc mắc về giải này giải nọ cho các bộ phim, nhưng không thể phủ nhận, giải thưởng đã đến gần hơn với nhịp sống của thị trường điện ảnh. Tuy nhiên, để có được như năm nay, phim thị trường đã trải qua một quá trình để chinh phục… giám khảo. Chúng ta hãy cùng nhìn lại các bộ phim hốt bạc phòng vé từ năm đầu tiên Cánh diều được tổ chức đến nay.

Gái nhảy, bộ phim mở đầu kỷ nguyên sản xuất phim thị trường và lập kỷ lục doanh thu phòng vé đầu tiên thời kỳ điện ảnh mới với 12 tỷ đồng đã bị giới phê bình và cả các nhà làm phim đánh giá là bộ phim yếu kém nghệ thuật và câu khách. Đương nhiên, nó không xuất hiện ở Cánh diều năm đó.

Nhưng bất chấp sự chỉ trích của giới làm phim, báo chí, hãng phim Giải phóng và đạo diễn Lê Hoàng thực hiện tiếp Gái nhảy phần 2 với tên gọi Lọ lem hè phố và nhận một giải thưởng rất thức thời lúc bấy giờ ở Cánh diều 2006: Giải phim có số lượng khán giả mua vé nhiều nhất. Một sự ghi nhận cho những phim đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, giải thưởng này những năm sau không xuất hiện nữa.

Long ruồi - bộ phim có doanh thu khủng nhưng không vẻ vang với giải thưởng Cánh diều

Năm 2009, giải Cánh diều lại gọi tên Chuyện tình xa xứ, bộ phim đầu tiên làm tại Việt Nam của đạo diễn Victor Vũ, đoạt giải Khuyến khích, với số điểm cao thứ hai, sau 2 bộ phim đồng giải Bạc là Trăng nơi đáy giếng và Huyền thoại bất tử (không có giải Vàng), đồng thời cũng ẵm luôn giải khán giả bình chọn. Bộ phim cũng mang về cho Kathy Uyên giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Dù bộ phim này thu hút khá đông khán giả nhưng kỷ lục doanh thu năm đó lại thuộc về Giải cứu thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Bộ phim này, cùng với Đẹp từng centimet, đã gần như trắng tay tại Cánh diều.

Năm 2011, tham gia Cánh diều có 2 bộ phim hốt bạc ở phòng vé là Cô dâu đại chiến Thiên sứ 99, cả 2 phim không được giải gì. Giải quan trọng được trao cho những bộ phim có nội dung nghiêm túc hơn, đó là Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng LongVũ điệu đam mê. Thời điểm đó, một số nhà làm phim nhận định Cô dâu đại chiến tuy có nội dung “không nghiêm túc” - vì là phim hài (?) - nhưng lại là bộ phim rất chắc về tay nghề, thể loại của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ, và xét về mặt hấp dẫn, câu chuyện mạch lạc thì nó ăn đứt cả 3 bộ phim được giải nói trên.

Giải thưởng năm sau, dường như để rút kinh nghiệm, Cánh diều đã trao tới 4 giải thưởng trong đó có giải Cánh diều Bạc và giải Đạo diễn xuất sắc cho Long ruồi, một bộ phim phim hài nhảm chất lượng còn rất nhiều điều đáng bàn nhưng có doanh thu đánh bật các kỷ lục bán vé trước đó với 42 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu. Những giải thưởng này khiến ngay cả đạo diễn của phim, Charlie Nguyễn, cũng thấy ái ngại. Anh thẳng thắn bày tỏ trên báo rằng Long ruồi là bộ phim thất bại về tay nghề của mình.

Và năm nay, khi Thiên mệnh anh hùng giành những giải thưởng quan trọng nhất thì dường lần đầu tiên ở Cánh diều hầu hết các phim đi thi đều thuộc dòng phim thị trường. Việc những bộ phim được sự tài trợ của nhà nước như Cát nóng, Đam mê, Lạc lối không được phát hành thương mại nhưng vẫn dự thi, cho dù nhận được những giải thưởng mang tính “chiếu cố”, cũng đã cho thấy điện ảnh không doanh thu đã hết đường sống. Và cán cân Cánh diều cũng phải điều chỉnh theo thị trường, cho dù ngồi ghế giám khảo có là những nhà làm phim thế hệ cũ.

Nhật Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm