Phép thử tham vọng mang tên Olympic

16/02/2014 07:41 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đóng vai trò chủ nhà Olympic hoặc World Cup có thể phô ra sự trỗi dậy của một quốc gia, nhưng cũng sẽ chiếu những ánh sáng gay gắt vào nhược điểm của họ.

Tuần này ở Sochi, chi phí mà Nga bỏ ra để chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông và những sự cố về mặt hậu cần đã thu hút nhiều sự chú ý không kém hoạt động tranh tài ở sự kiện thể thao này.

Nâng cao bộ mặt nhờ Olympic

Nhưng các nhà tổ chức nói rằng những sự cố sẽ nhanh chóng bị quên lãng, trong khi sự cải thiện cơ sở hạ tầng, sự chú ý của quốc tế tới khu vực và một khu nghỉ dưỡng mùa đông cao cấp mới được xây dựng phục vụ cho Thế vận hội sẽ là các di sản mang lợi ích tới cho nước Nga suốt nhiều thập kỷ nữa.

Và Nga không phải là nước duy nhất dồn sức đầu tư cho sự kiện thể thao lớn. Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và các ngôi sao kinh tế đang lên khác cũng đã nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình thông qua việc đăng cai tổ chức những sự kiện như thế. Hoạt động này thực thế đã kéo dài cả nửa thế kỷ qua. 



Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic Sochi

Ví dụ Thế vận hội Tokyo 1964 đã giúp Nhật Bản thời hậu chiến cho thấy sự phục hồi của mình và còn giúp phô ra sức mạnh kỹ thuật. Các khán giả truyền hình trên khắp thế giới đã choáng ngợp trước các thành phố Nhật được tái xây dựng hiện đại, đẹp đẽ, trước các đoàn tàu viên đạn siêu tốc.

Năm 1988, Hàn Quốc đã sử dụng Thế vận hội Seoul 1988 để khoe ra một nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại. Và mới chỉ cách đây 4 năm, Nam Phi đã dựa vào kỳ World Cup thành công để cho thế giới thấy nước này đã thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid như thế nào.

Brazil, do nóng lòng muốn nâng cao vị thế trên trường quốc tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, đã nhận lấy gánh nặng khổng lồ của việc tổ chức World Cup trong năm nay. Chưa hết, chỉ 2 năm sau đó, nước này lại tổ chức Thế vận hội mùa Hè ở Rio de Janeiro.

Không nhiều lợi ích kinh tế

Tuy nhiên quyết định của nước này đã gây ra không ít tranh cãi. Giới phê bình cho rằng các chính trị gia Brazil đang vung tiền để mua danh, trong khi lại tằn tiện khi chi tiền cho các dịch vụ công. Cư dân sống tại nhiều khu nghèo khó ở Rio nói rằng hàng ngàn người đã bị mất nhà để chính quyền xây dựng các công trình thể thao.

"Tiền đó lẽ ra nên được chi tiêu vào giáo dục, y tế, an toàn công cộng, giao thông vận tải và nhà ở" - cư dân Sao Paolo Ana Maria Lopes Cruz, 35 tuổi, không giấu nổi sự bực dọc - "Chúng tôi đã có nhiều năm phải trả thuế cao để làm gì? Để chi tiền cho World Cup và điều đó sẽ khiến chúng tôi đẹp hơn trước mắt thế giới?"

Các sự kiện thể thao lớn giờ đã được xem là hành trình phải vượt qua của các nước trong khối BRICS - nhóm các nền kinh tế đang lên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tới cuối năm nay, mỗi nước đều đã tổ chức ít nhất 1 sự kiện hoặc Olympic, World Cup hoặc Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung kể từ năm 2008.

Những người cổ súy tổ chức sự kiện thường hứa hẹn rằng quốc gia đăng cai sẽ hưởng lợi từ sự tăng lên của đầu tư và du lịch. Tuy nhiên, "phần lớn các quốc gia đều nhận ít hoặc chẳng có chút lợi ích kinh tế nào từ việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn" - chuyên gia kinh tế Bob von Rekowsky của công ty Fidelity Investments tuyên bố.

Tệ hơn, tăng trưởng kinh tế của các nước chủ nhà Olympic gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Hy Lạp đã sụt giảm sau khi sự kiện kết thúc. Italy được ca ngợi với Olympic mùa Đông 2006 ở Turin. 2 năm sau nước này rơi vào khủng hoảng nợ.

Thứ các nước chủ nhà nhận được, thường chỉ là sự tăng lên của hình ảnh đất nước và niềm kiêu hãnh quốc gia. Nhưng mọi tính toán sai lầm hoặc sự cố điều hành đều sẽ khiến nước chủ nhà bị đánh giá là địa chỉ đầu tư rủi ro, hoặc được điều hành kém.

Chưa hết, chi phí tổ chức Olympic và World Cup đã tăng mạnh và ngân sách khổng lồ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Ví dụ, Sydney chi 4,8 tỷ USD để tổ chức Olympic mùa Hè 2000. 4 năm sau Athens chi tới 32 tỷ USD, nhưng vẫn bị kêu là tổ chức lộn xộn.

Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung của Ấn Độ tổ chức hồi năm 2010 được xem là cuộc chạy thử trước khi nước này tìm kiếm cơ hội đăng cai Olympic. Sự kiện thu hút 6.000 vận động viên từ 71 nước, để lại nhiều công trình hiện đại và khiến niềm tự hào dân tộc tăng lên.

Nhưng trước đó sự kiện đã chìm trong bê bối xây dựng chậm tiến độ. Ngân sách tổ chức sự kiện ban đầu là 412 triệu USD, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 15 tỷ USD. Nhà tổ chức chính của sự kiện đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng, nhưng chưa bị khởi tố.

Tham vọng tổ chức sự kiện lớn hơn

Các quan chức thuộc Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nói rằng chi phí xây dựng các cơ sở thể thao phục vụ Thế vận hội khá nhỏ, chỉ từ 2-3 tỷ USD. Số tiền này có thể thu lại từ hoạt động tài trợ, bán vé và bản quyền truyền hình. Các chi phí phụ thêm là do việc xây dựng đường xá và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ nhu cầu của nước chủ nhà. "Chi phí thực của Thế vận hội là một con số dễ quản lý" - Michael Payne, cựu giám đốc tiếp thị IOC cho biết.

Số tiền 5,3 tỷ USD mà Nam Phi đổ vào World Cup gồm phí xây dựng một sân bay mới cho thành phố Durban, phí cải thiện 2 sân bay khác và mở rộng đường, tăng thêm tuyến xe buýt, tàu hỏa. 4 năm sau, sân vận động trị giá 600 triệu USD ở Cape Town hầu như không được sử dụng, song chính quyền vẫn khẳng định World Cup là sự kiện thành công.

Và trong khi nhiều người Nam Phi nói rằng nước này quá nghèo để tổ chức sự kiện thể thao lớn như World Cup thêm một lần nữa, giới chức chính quyền đã mơ tới những cái đích mới, như Olympic mùa Hè 2024 hoặc 2028. "Đã tới lúc để đăng cai tổ chức các sự kiện lớn hơn nữa!" - Bộ trưởng Thể thao Nam Phi Fikile Mbalula tuyên bố.

Tường Linh (theo AP)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm