CLB Viettel (Thể Công): Bán hay không bán?

07/10/2009 10:42 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - 2 tuần sau ngày lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) ký quyết định xóa tên Thể Công, đội bóng với cái tên Viettel vẫn chưa rõ ràng về tương lai: bán hay nuôi, đầu tư hay chỉ chơi cầm chừng rồi để nó tự chết?

Bán, nhưng không ai mua?

Quyết định “lịch sử” ấy thật ra được ký ngày 22/9, tức chỉ đúng 1 ngày trước lễ kỷ niệm 55 năm thành lập đoàn Thể Công 23/9. Và những toan tính về số phận của đội bóng đã có từ trước đó khá lâu.

Hiện tại, đội bóng mang tên Trung tâm Bóng đá Viettel gồm những cầu thủ đã giành quyền thăng hạng từ hạng Nhì lên hạng Nhất, cũng đang tập trung dưới sự dẫn dắt của HLV Đỗ Mạnh Dũng. Đội bóng này vẫn trong trạng thái chờ, bởi các kế hoạch đã đệ trình và thông qua nhưng chưa nhận được lệnh “xuất phát”.
 Với uy thế của Thể Công trong suốt chiều dài lịch sử và cả những đóng góp của Viettel, tài trợ cho các hoạt động của Liên đoàn, đội tuyển, những người đứng đầu VFF cách đây ít ngày đã ngồi lại và nhất trí sẽ hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục, nếu như “cái xác” của Thể Công và 1 suất chơi ở V-League 2010 được bán cho một doanh nghiệp khác.

TP HCM cũng đã từng ngỏ ý trở thành người mua trong thương vụ này, nhưng cuối cùng những người làm bóng đá thành phố, vì 2 lẽ, một là muốn làm lại từ đầu, hai là tin rằng chỉ sau 1 mùa họ sẽ tự mình trở lại V-League, nên cuộc chuyển giao đã đổ bể.

Đội bóng Công an Nhân dân cũng tính đến việc mua lại “cái xác” Thể Công, nhưng với một đơn vị mà đá hạng Ba cũng không thể thăng hạng, đã từng phải mua suất của Quân khu 7 để đá hạng Nhì, thì việc ôm một đội bóng chuyên nghiệp ngay ở thời điểm này là quá sức.
 
Những tuyển thủ quốc gia như Phước Tứ (3) hay Anh Tuấn (14) là tài sản có giá của Thể Công hiện nay

Cũng có một vài doanh nghiệp quân đội từng có ý định nhảy vào bóng đá, nhưng cuối cùng lại thay đổi quyết định vì thời điểm hiện tại khá nhạy cảm do việc đội bóng 55 tuổi bị “khai tử” vẫn đang là tâm điểm của sự chú ý.

Có một thực tế là sau khi TT&VH đưa tin Thể Công bị xóa tên và đội bóng có thể biến thành món hàng bán – mua thì hầu như ngày nào cũng có thư bày tỏ sự ngạc nhiên, thất vọng, tiếc nuối và cả phản đối từ phía người hâm mộ, trong đó có những CĐV từng là người lính.

Đó là những phản ứng đã được dự báo, bởi gần như tuyệt đại đa số những người yêu mến và coi đội bóng này như một phần của cuộc đời, sống và chiến đấu, đều bị đẩy vào tình thế đã rồi.

Nuôi nhưng không chăm bẵm?

Cách nay hơn 1 tuần, khi đội bóng tập trung trở lại, vẫn chưa có quyết định chính thức về số phận đội bóng. Phó Tổng Giám đốc Viettel Dương Văn Tính chưa thể trả lời cho các cầu thủ về số phận của họ.

Thành thử, ông chỉ có thể trấn an rằng các cầu thủ hãy tập trung tập luyện và chờ. Nhưng họ sẽ không thể chờ mãi được. Trong trường hợp không có ai mua, không thể bán, và để làm dịu đi dư luận từ phía người hâm mộ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau, rất có thể đội bóng mang tên Viettel sẽ tham dự V-League 2010.

Có điều, sự đầu tư tối đa sẽ không được Viettel thực hiện. Đội bóng sẽ chỉ được đáp ứng những điều kiện cơ bản để đi nốt mùa giải 2010, rồi sau đó lại tính.

Không thể tập cho vui

Trong dự tính của những người có trách nhiệm, cái tên Thể Công có thể vẫn sẽ xuất hiện, nhưng chỉ ở ý nghĩa và tầm mức phong trào. Theo đó, khi đội bóng đổi tên, các cầu thủ nằm trong quân ngũ (quân nhân chuyên nghiệp) sẽ được Cục Quân huấn lấy về, tập luyện ở mức độ vừa phải rồi khi có nhu cầu đối nội và đối ngoại trong các giải thể thao, bóng đá thì sẽ thành lập đội bóng.

Trên cả nước, dự tính sẽ có 2 khu vực khác của quân đội cũng tồn tại và hoạt động giống như ở miền Bắc, là miền Trung và miền Nam. Cầu thủ mặc áo lính ở cả 3 miền sẽ được gom thành một đội bóng để chơi phong trào như đã nói ở trên.

Tuy nhiên, trong lịch sử của Thể Công, chưa khi nào đội bóng tồn tại trong tình trạng này. Như chính sử sách và các cầu thủ, HLV, nhà quản lý đúc kết, mặc dù tên đầy đủ và nguyên gốc của nó là Đoàn công tác thể dục thể thao Quân đội (năm 1954), nhưng chính thể thao thành tích cao, các danh hiệu và vinh quang mà Thể Công giành được mới thực sự mang lại ý nghĩa cho quân đội. Còn nếu chỉ quanh năm tập để đá phong trào như đề xuất thì các cầu thủ Thể Công không thể nâng cao trình độ được.

Hiện tại, ở Thể Công có gần chục cầu thủ đang là quân nhân chuyên nghiệp, gồm Vũ Dũng, Hoàng Dương, Bảo Khanh, Anh Tuấn, Phước Tứ, Văn Nam, Thanh Hải. Các cầu thủ còn lại đều chỉ bị ràng buộc bởi hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp.

 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm