Bán “xác” Thể Công?

27/09/2009 10:30 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Khi cái tên đã không còn thì phần tiếp theo người ta quan tâm sẽ là số phận của cái “xác” rồi đây được xử lý ra sao.

Đam mê đã chết ?

Viettel bây giờ nắm số phận đội bóng trong tay. Nuôi hay bỏ. Bán hay sang tên cho một doanh nghiệp khác. Tất cả đều nằm trong tay Viettel.

Trước kia, khi Thể Công còn chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng, trong đội ngũ lãnh đạo của Viettel đã có những ý kiến trái chiều nhau liên quan tới việc nuôi đội bóng. Tổng Giám đốc Hoàng Anh Xuân từng tiết lộ: rằng trong Ban cán sự Đảng của Tổng công ty có hơn chục người, thì chỉ có một mình ông quyết làm bóng đá tới cùng, vững tin sẽ thành công, để thỏa lòng đam mê và đóng góp phần nào đó cho. Còn hơn chục người khác đều lắc đầu với việc nuôi đội bóng. Vấn đề không phải là tiền. Vì tiềm lực của Viettel rất lớn, lợi nhuận của doanh nghiệp này trong 1 năm đủ nuôi vài đội bóng ở giải ngoại hạng Anh.


Mùa sau V-League có còn Thể Công (trái), cho dù là dưới cái tên khác?

Còn gần đây, khi Thể Công đứng bên miệng vực của sự tồn tại hay không tồn tại, khi những ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ không còn muốn cái tên Thể Công lay lắt, thì đã có vài lãnh đạo ở Viettel đã động lòng trắc ẩn, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra được ưu thế đa số so với những người muốn không nuôi đội bóng chuyên nghiệp nữa. Có một con số chưa được kiểm chứng, rằng có 9 trong tổng số 13 thành viên nắm quyền quyết định đã bỏ “phiếu chống”.

Tức là cũng gần như đã có quyết định từ phía Viettel đối với số phận của đội bóng chuyên nghiệp. Nó có thể bị xóa sổ luôn khỏi sân chơi chuyên nghiệp, như một số ý kiến bên trong Viettel đưa ra, hoặc suất chơi ở V-League sẽ được bán cho một đơn vị khác.

Một kế hoạch phi lý và “phi Thể Công” ?

Theo kế hoạch mà những người liên quan phác thảo ra, sau khi xóa sổ đội bóng chuyên nghiệp, những người còn lại (BHL và cầu thủ) sẽ nằm trong chương trình tái cơ cấu cho đôi bóng hiện mang tên Trung tâm bóng đá Viettel đã giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhất.

Cụ thể, các cầu thủ nằm trong mục tiêu sử dụng sẽ được chuyển xuống đội hạng Nhất. Những người không được sử dụng có thể sẽ được chuyển nhượng cho các đội bóng khác. Viettel khả dĩ nhất chỉ nuôi đúng một đội bóng mang tên đơn vị này và tiếp tục nuôi cả hệ thống đào tạo trẻ hiện do cựu HLV Nguyễn Thanh Hải làm Giám đốc. Cũng xin nhắc lại là ở giữa mùa 2009, Viettel đã tách riêng đội một với hệ thống đào tạo trẻ. Điều hành đội một là Giám đốc Hồ Tri Liêm. Ngân sách nuôi 2 hệ thống này Viettel đầu tư riêng rẽ. Chưa có mục tiêu được giao cụ thể, nhưng về cơ bản, sẽ vẫn là thăng hạng và trở lại V-League trong tương lai.  

Hầu hết người Thể Công khi nghe về kế hoạch này đều sửng sốt, ngạc nhiên, cảm thấy khá khó hiểu,bên cạnh sự tiếc nuối và đau xót cho một cái tên đã gắn bó với họ cả cuộc đời bị chôn vùi.

Mầm mống và cốt lõi của vấn đề khiến Thể Công sa sút mùa 2009, như đã từng nói rất nhiều, là bởi những người điều hành và huấn luyện trực tiếp (Hồ Tri Liêm, Quản Trọng Hùng, Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng), chứ không phải là bởi tiềm lực của họ hạn chế, hay một thế hệ cầu thủ kém cỏi về khả năng, tha hóa về đạo đức. Trái lại, lực lượng cầu thủ của Thể Công vẫn được đánh giá rất cao, và nó là dàn quân tốt nhất họ có được kể từ sau lần vô địch 1998.   

Vậy thì, nếu bỏ đi một phần thế hệ cầu thủ hiện tại, rồi sau một vài năm nữa, liệu Viettel có gây dựng được một tập hợp như lứa cầu thủ hiện tại hay không? Nên nhớ, tất cả các cầu thủ trẻ đào tạo ở nước ngoài sẽ hết hợp đồng trong khoảng 2 năm nữa và sau đó hoàn được tự do ra đi.

Tại sao không phải là một sự tiếp nối ở V-League? 

Phạm Tấn

Mới chỉ có phía đội bóng Công An Nhân Dân ngỏ ý và công khai ý định mua suất của Viettel (ở hạng Nhất), còn từ TP HCM, những người có trách nhiệm đã phủ nhận việc họ sẽ mua suất ở V-League của Thể Công bỏ lại. Ông Lê Hùng Dũng đang công du ở Mỹ đã trả lời qua điện thoại với tư cách Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thành phố HCM là ông không có biết về sự việc này. HLV Đặng Trần Chỉnh cũng nói không. Cũng có thông tin là có một doanh nghiệp lớn ở phía Nam (Bình Dương) muốn mua Thể Công, nhưng chỉ với điều kiện cái tên Thể Công còn. Ở đây, cũng xin mở ngoặc là Công An Nhân Dân là đội bóng đã không thể thăng hạng từ hạng Ba, nhưng mùa 2009 có mặt ở hạng Nhì nhờ bỏ ra 100 triệu mua suất của Quân khu 7 đã giải thể.

Hiện tại, đội bóng hạng Nhất, Trung tâm Bóng đá Viettel với thành phần là các cầu thủ trẻ dưới 20 tuổi, đã tập trung từ ngày 20/9 vừa qua tại đại bản doanh của CLB. HLV trưởng của đội bóng này là cựu trung vệ Đỗ Mạnh Dũng.

Thày trò HLV Đỗ Mạnh Dũng hiện đang chỉ tập cầm chừng vì mọi kế hoạch chuẩn bị cho đội đã bị ách lại (đi tập huấn, tuyển quân…).


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm