Từ Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF: Trang mới

19/12/2011 06:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(T&VH Cuối tuần) - Hàng loạt câu hỏi đang chờ đợi bóng đá Việt Nam trước những dấu hiệu đổi mới trong thời gian qua, cao trào là Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa diễn ra.

Bóng đá hủy hoại não

Theo Utro, các chuyên gia Trường đại học Albert Einstein tại New York cùng với các đồng nghiệp tại Trung tâm y học Montefior (Hoa Kỳ), bằng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ hạt nhân, đã kiểm tra tình trạng não của 30 cầu thủ nghiệp dư. Tất cả đều mang dấu ấn của những cú đánh đầu với mức độ khác nhau trong quá trình họ chơi bóng một cách cuồng nhiệt, gây ra các phản ứng đáp trả nối tiếp, làm chết các tế bào não. Тrong khi đó, kiểm tra đối với nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, thói quen và bản năng chuyên nghiệp giúp họ đánh đầu một cách hợp lý và đích đáng. Nhiều người chơi bóng rất giỏi mà không ảnh hưởng gì đến não.

Tóm lại, chỉ với bài kiểm tra não bộ của hai nhóm cầu thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp, mang đến một thông điệp cho cuộc sống: Không chuyên nghiệp, dốt nát thì khó tránh khỏi tình trạng “chết vì thiếu hiểu biết”. Bóng đá là trò chơi, xuất phát từ niềm vui và mang lại sức khỏe (bóng đá chuyên nghiệp phát triển tầm cao thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ), người chơi không biết cách, hay nói là như dân phủi là “não lởm”, thì phản ứng ngược.

Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng đang “hoại não”

Không quá lời khi đánh giá bóng đá Việt Nam sau 11 năm lên chuyên cũng đang “hoại não”. Hệ quả đó là tất yếu bởi bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta được cấu thành từ nhiều yếu tố bất ổn. Trước hết, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không chuyên nghiệp. VFF đang được điều hành bởi những con người năng lực kém, cơ chế bị coi bao cấp hơn cả thời bao cấp; thiếu sự minh bạch, ít bị giám sát và “tuýt còi’ quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước. Bất chấp những trì trệ lẫn thất bại có tính hệ thống, cao điểm là SEA Games 26, lãnh đạo VFF vẫn không ai phải từ chức, tổ chức này vẫn vững như một thành trì.


 VPF liệu có mở ra một trang mới cho bóng đá Việt Nam? Ảnh: TH

Trong bối cảnh cơ quan đầu não như thế, thì chẳng lạ khi sản sinh ra một Ban tổ chức giải chuyên nghiệp yếu kém với những con người thiếu chuyên nghiệp điều hành. Từ đó, kéo theo hành lang pháp lý tương đồng mà sản phẩm là tính chuyên nghiệp ở các câu lạc bộ thấp, giải đấu ngày càng loạn.

Ban tổ chức đòi hỏi các câu lạc bộ chơi đẹp, sạch. Vậy thử hỏi họ đã đáp ứng được hai yêu cầu đó chưa? Chỉ khi những khoản chi trời ơi đất hỡi của Ban tổ chức mùa giải 2011 được tung ra, thì dư luận mới thấu tỏ vì sao lãnh đạo VFF cố bám trụ cái ghế của mình. Rõ ràng, tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù này quá béo bở, có vị trí xung yếu trong Ban tổ chức các giải đấu đỉnh cao nghiễm nhiên bổng lộc chảy về. Thế nên nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà mới đánh giá quan chức VFF hiện nay nhiều người giàu bất thường. Người ta ví VFF là miếng bánh béo bở, như thế chưa đủ, phải ví là mảnh đất vàng, thậm chí mỏ vàng thì đúng hơn. Do đó, VPF ra đời là sự tất yếu, phù hợp với nguyện vọng chung của toàn xã hội.

Những “ngọn núi” mà VPF phải vượt

Đại Hội cổ đông lần 1 của VPF đã thực hiện. Nhìn vào ban bệ, coi như tạm ổn. Giờ đây, dư luận bắt đầu kiểm chứng  “anh VPF” làm được cái gì cho bóng đá Việt Nam mà ầm ĩ lên thời gian qua? Đã thấy một số ngọn núi cao trước mắt mà công ty này phải vượt qua.

Thứ nhất, đó là sự vận hành của guồng máy có chuyên nghiệp, đồng thuận, tập trung được trí tuệ tập thể, phát huy được sở trường của mỗi thành viên hay không. Đấy là điều hết sức khó khăn vì Ban tổ chức cũ và VFF chưa bao giờ thiết lập được.

Thứ hai, VPF có thể hiện được sự minh bạch, đàng hoàng. Yêu cầu đó không có nghĩa là các thành viên trong Hội đồng quản trị xung phong không nhận lương. Bởi lương thì sao bằng... lậu! Hay, như bầu Đức thể hiện qua cách nói lần đầu tiên trong đời ông làm phó, nhưng vẫn vui vẻ vì sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Thứ ba, các thành viên VPF không đáp ứng được yêu cầu có dám từ chức, trước khi Hội đồng quản trị dám mạnh tay trảm cán bộ không làm được việc?

Thứ tư, VPF mà cụ thể là các cổ đông, có sẵn sàng gạt bỏ những lợi ích của câu lạc bộ mình, để chơi một thứ bóng đá sạch, chuyên nghiệp. Đây là vấn đề nhạy cảm bởi chúng ta chẳng lạ không ít ông Ủy viên Ban chấp hành VFF, nhưng khi câu lạc bộ mình bị xử ép thì “nhảy cồ cồ”, chỉ trích các thành viên của Ban tổ chức, VFF chẳng ra gì. Khi đội bóng đang thập tử, nhất sinh, liệu các cổ đông có “chơi bẩn” để bảo toàn sự sống.

Nếu VPF chứng minh được cái tâm, tính chuyên nghiệp cao, sự sạch sẽ, thì họ sẽ tạo được niềm tin từ phía các thành phần  tham dự bóng đá chuyên nghiệp. Niềm tin, đấy là điều VFF đã đánh mất lâu nay. Có niềm tin, thì người ta dễ dàng bỏ qua những sai sót, trong đó cả những thất bại như hoạt động của VPF sẽ lỗ trong thời gian đầu.

Có niềm tin, thì VPF mới thiết lập được kỷ cương, tạo được hành lang pháp lý chuyên nghiệp. Một số văn bản pháp quy như Quy chế, điều lệ, Quy định kỷ luật... cũng đã được sửa đổi, nhưng những người hành pháp không tạo được sự khác biệt như lâu nay, thì vẫn chỉ là mớ văn bản. Kỷ luật tốt sẽ tạo ra kỷ cương, khổ nỗi đây là vấn đề quá khó với những người  được thừa hành công tác này trong quá khứ.

Tóm lại, chừng nào trên các sân cỏ cả nước dập dìu khán giả, thì chừng đó mới vỗ tay cho VPF. Khán đài cũng như sân khấu, sân khấu đỏ đèn thường xuyên đã khó, bán được vé càng khó hơn.

Cứ hy vọng VPF sẽ tạo ra trang mới cho bóng đá Việt Nam.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm