16/12/2011 12:10 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - VPF mới chỉ vừa ra đời, nếu đối chiếu với tôn chỉ hành động của nó cũng như tâm huyết của những người nặng lòng với bóng đá VN như bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Đức, thì những cách đặt vấn đề theo kiểu phản biện tại thời điểm này rất có thể sẽ bị xem là thiếu xây dựng.
Nhưng vẫn cần phải sòng phẳng rằng, ngay cả khi được nhìn nhận là bước tiến có tính cách mạng đối với bóng đá VN thì VPF không phải không có nhược điểm, thậm chí nhược điểm ấy còn lớn hơn so với cái mô hình BTC giải mà nó vừa thay thế.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Hầu hết các gương mặt nắm giữ các vị trí chủ chốt tại VFF đều là chủ sở hữu hoặc có liên quan mật thiết tới một đội bóng nào đó. Tiêu biểu nhất trong số ấy hẳn nhiên là tân Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cũng đồng thời là chủ sở hữu của CLB ĐT.LA, các phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức là ông bầu của 2 đội bóng sẽ thi đấu tại “giải Ngoại hạng” mùa tới.
Phó TGĐ của VPF, ông Lưu Quang Lãm, mới đây đã mua lại CLB SG.XT và đổi tên nó thành Sài Gòn FC. Một phó TGĐ khác là ông Phạm Phú Hòa dù sắp tới sẽ phải từ nhiệm chức vụ GĐĐH tại ĐT.LA nhưng vẫn được xem là “người nhà” của bầu Thắng.
Khiêm tốn đến như ban Kiểm soát của VPF cũng đều là các ông giữ chức danh Chủ tịch hoặc GĐĐH ở CLB của mình, gồm: trưởng ban Lê Tiến Anh (chủ tịch K.KH), ủy viên Nguyễn Nam Hùng (GĐĐH Tiền Giang), ủy viên Phạm Văn Thanh (GĐĐH SQC.Bình Định)...
Một mô hình tổ chức như vậy có lẽ là “của hiếm” trong thế giới bóng đá. Bởi gần như không có giải đấu nào lại có thể chấp nhận chuyện một ông chủ CLB kiêm nhiệm thêm chức danh và chức năng điều hành giải đấu.
Chính xác thì bóng đá Italia đã từng ghi nhận một trường hợp như vậy, khi ông Galliani vốn là PCT CLB AC Milan kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch BTC Serie A đầu những năm 2000, nhưng đến năm 2006, ông này bị buộc phải từ bỏ cả 2 chức vụ sau khi hàng loạt vụ bê bối liên quan đến Serie A và CLB AC Milan bị phanh phui.
Hiện nay, Galliani đã quay trở lại với cương vị PCT CLB AC Milan nhưng BTC Serie A thì quyết không thể trao tay các ông chủ tịch và phó chủ tịch CLB được nữa.
Và những nguy cơ
Cách đặt vấn đề nêu trên không đồng nghĩa với việc cứ ông Chủ tịch CLB kiêm nhiệm thêm chức năng điều hành giải đấu thì giải đấu ấy sẽ đi kèm với bê bối và những vụ scandal. Bởi ngay cả BTC V-League và giải hạng Nhất 2011 tuy không có ông chủ tịch CLB nào tham gia thì những trận đấu tai tiếng vẫn nhiều không đếm xuể.
Nhưng với điều kiện của bóng đá VN hiện giờ, chắc chắn để tránh tiêu cực người ta không thể trao cho nó cơ chế dễ dàng sinh sôi. Hãy bắt đầu từ vụ chuyển nhượng gây ồn ào của hậu vệ Quang Thanh vài ngày qua.
Một trong những tôn chỉ của VPF là hạn chế dòng tiền khổng lồ đổ vào bóng đá. Nhưng với thỏa thuận hơn 10 tỷ đồng để sở hữu Quang Thanh, ông bầu của Sài Gòn FC Lưu Quang Lãm (đồng thời là phó TGĐ VPF) suýt chút nữa đã lập nên một kỷ lục mới trong làng bóng đá VN. Giờ đây, khi vụ chuyển nhượng đổ bể xuất phát từ việc “người lớn” không giữ lời, nếu Quang Thanh làm đơn khiếu nại gửi lên VPF thì không hiểu những người có trách nhiệm ở đó sẽ giải quyết theo hướng nào?
Dẫu sao chuyện vừa nhắc vẫn còn khá đơn giản. Một ví dụ khác, nhạy cảm hơn liên quan đến số phận của rất nhiều đội bóng. Ai cũng hiểu khát khao thăng hạng V-League của ĐT.LA, SQC.BĐ... hoặc Tiền Giang mùa vừa rồi bị trôi tuột về giải hạng Nhì nay cũng quyết tâm quay trở lại hạng Nhất.
Ngay cả khi những ông chủ tịch hoặc GĐĐH của những đội bóng ấy luôn hô hào về một thứ bóng đá lành mạnh, lấy gì đảm bảo rằng CLB của ông chủ tịch HĐQT hay các nhân vật nằm trong bộ máy nhân sự chủ chốt của VPF sẽ không nhận được một sự ưu ái nhất định so với phần còn lại, trong hoàn cảnh bóng đá VN vẫn giống như “cơm bụi” hiện giờ? Và khi ấy, chỉ cần một mồi lửa của sự bức xúc, với thói quen la làng không hiếm gặp trong bóng đá VN cũng như cơ hội tranh thủ ra đòn của “phe phản đối”, cũng có thể khiến hình ảnh của cả một bộ máy dễ dàng bị hoen ố.
Cơ cấu nhân sự chủ chốt của VPF phản ánh một sự thật là nhóm các ông bầu “cách mạng” không hề muốn phân chia quyền lực với “người ngoài”, điều có thể sẽ khiến VPF đi chệch khỏi quỹ đạo của nó. Nhưng để bộ máy vận hành trơn tru, ít nhất VPF sẽ cần có thêm cơ chế để ngăn chặn sự độc quyền biến thành lạm quyền, cho dù chỉ là hình thức.
Đức Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất