Nước mắt Nguyên Hồng

06/10/2017 21:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về ấp Cầu Đen, Bắc Giang viếng mộ nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982). Khu đồi Văn Hoá ngày trước, nơi nhiều văn nghệ sĩ đã ở đây trong thời gian chống Pháp, giờ thay đổi nhiều. Cư dân đông đúc. Đường rộng mở về đến từng thôn. Nhiều công trình mới mọc lên. Làng xóm khang trang khác hẳn trước.

Mộ nhà văn nằm ở một vạt đồi, nơi có suối Cầu Đen chảy ngang qua. Người dân ở đây cho biết, sinh thời Nguyên Hồng vẫn trong bộ áo quần nâu giản dị, râu tóc bạc, hay đi bộ dọc con suối này sau những giờ viết lách căng thẳng, trò chuyện thân mật với bà con trong làng. Sau khi mất, nhà văn được chôn cất cùng vợ ông ở vạt đồi này, chân về hướng suối, đầu hướng về phía núi Án, những cảnh vật rất quen thuộc, gần gũi nơi đây.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
Mộ phần nhà văn Nguyên Hồng
Chú thích ảnh

Khu mộ hai ông bà khá đơn sơ. Mộ lát đá, có độ cao vừa phải, không có mái che. Các tấm bia đã bạc mầu. Năm 1947, Nguyên Hồng đưa gia đình lên đây. Không biết khi ấy ông có biết mình sẽ gắn bó với mảnh đất trung du này hết cuộc đời và yên nghỉ ở đây như quê hương thứ hai. Nhiều bạn bè, người đọc yêu mến nhà văn vẫn lặn lội lên đây thăm ông. Bà con trong ấp từ lâu coi ông như người thân. Các cháu thiếu nhi ở trường học cơ sở mang tên Nguyên Hồng, nơi ông dành nhuận bút xây dựng nên, vẫn thăm nom, chăm sóc ngôi mộ của ông với những tình cảm đặc biệt.

Khi cùng các bạn thắp hương cho nhà văn, trước mắt tôi như hiện lên gương mặt nhân từ nhưng khắc khổ của Nguyên Hồng, người gắn bó gần nửa thế kỷ cầm bút với những người lao động nghèo khổ; người luôn đứng về "phe nước mắt" cùng với Tám Bính, Năm Sài Gòn, Gái Đen... và những nhân vật cần lao của mình.

Chú thích ảnh
Nhà báo Trần Mai Hưởng (phải) và nhà báo Ngô Hà Thái thăm khu mộ nhà văn Nguyên Hồng

Chú thích ảnh

Căn nhà của ông trên đỉnh đồi, có lối nhỏ ngược lên, nằm giữa vườn cây yên tĩnh. Từng bụi tre, cây cỏ đều in dấu ấn bàn tay lao động cần cù như một lão nông của ông. Tại ngôi nhà này, những người con của ông đã sinh ra và lớn lên. Đây cũng là nơi ông viết các bộ tiểu thuyết đồ sộ Cửa Biển, Núi rừng Yên Thế và nhiều tác phẩm khác.

Trên khu đồi này trong những năm kháng chiến chống Pháp, các nhà văn Kim Lân, Ngô Tất Tố, nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình... từng là hàng xóm của ông. Nghe kể rằng, chính trên sân nhà Nguyên Hồng, chị ruột của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã giã cốm, làm bánh cho đám cưới nhạc sĩ Ðỗ Nhuận. Cũng tại đây, Ðỗ Nhuận hoàn thành bài hát Giải phóng Ðiện Biên;và Nguyễn Ðình Thi đã có cảm hứng sáng tác bài Người Hà Nội...

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Nguyên Hồng đã khóc khi nghe “Bên kia sông Đuống”

Nguyên Hồng đã khóc khi nghe “Bên kia sông Đuống”

Tôi không biết sau khi đưa vào SGK, đã được giảng thế nào, nhưng cháu tôi đi học về cứ vặn hỏi: “Ông ơi! Sao lúc ông viết bài thơ “Bên kia sông Đuống” ông lại khóc?"

Ngôi nhà ba gian một chái khiêm nhường với sân vườn rợp bóng cây vẫn như khi Nguyên Hồng còn sống. Chúng tôi được bà Loan, người con dâu thứ hai, mời vào thăm nhà. Không gian vắng lặng đến nao lòng. Ông Giang, con trai thứ hai và là người ở với nhà văn Nguyên Hồng từ nhỏ, cũng mới lâm bệnh mất. Ở lại trông coi ngôi nhà, lo hương khói thờ phụng giờ chỉ còn bà Loan, vợ ông Giang. Các con của ông bà lớn lên cũng đều ra tỉnh sống.

Ban thờ đặt ngay gian giữa, nơi có di ảnh vợ chồng nhà văn, trầm mặc khói hương. Phía bên trái là tủ sách khá đơn sơ, lưu giữ những tác phẩm của nhà văn. Một chiếc TV kiểu cũ, từ thời đã xa. Trên nóc tủ có tượng bán thân nhà văn đặt dưới tấm bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tất cả đều giản dị, cảnh trí vẫn như ngày xưa. Tưởng như nhà văn vừa buông bút bên chiếc bàn nhỏ và đi dạo đâu đó trong vườn nhà.

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng là người cương trực, khẳng khái, giàu nghĩa khí. Nhưng ông cũng là người sống rất tình cảm. Nhà văn hay khóc trước những cảnh đời éo le, những số phận người chịu nhiều đau khổ.

Đã có lần khi phát biểu trong một hội nghị, ông đã xin lỗi để khóc một lúc trước khi nói tiếp về những nỗi niềm chia sẻ.

Nước mắt của ông đã rơi trên những trang tiểu thuyết Bỉ Vỏ về số phận con người, kiệt tác khi ông mới 17 tuổi. Khi viết Cửa Biển, lúc để nhân vật Gái Đen chết trong dằn vặt, đau khổ, ông cũng đã khóc ròng như phải chia tay một người ruột thịt. Những trang viết thấm đẫm nước mắt cũng có thể thấy trong Những Ngày Thơ Ấu, Núi Rừng Yên Thế ...

Tủ sách khá đơn sơ trước mắt chúng tôi là nơi lưu giữ, chứa đựng gia tài văn chương đồ sộ Nguyên Hồng để lại cho đời. Một thế giới những nhân vật được kết tinh từ muối mặn của cuộc sống cần lao và nước mắt yêu người, thương người của Nguyên Hồng trên những trang sách ấy sẽ còn sống mãi.

Bài và ảnh: Nhà báo Trần Mai Hưởng

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm