Nhà văn Di Li: Ngày nào tôi cũng phải... gạ gẫm con đọc sách

02/10/2017 16:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -“Nếu để lựa chọn giữa một cuốn sách và một chiếc ipad thì có lẽ tất cả mọi người, kể cả người lớn lẫn trẻ con, đều chọn ipad thôi. Có nghĩa, câu chuyện ở đây phụ thuộc vào sự kiên nhẫn và gương mẫu của phụ huynh” – nhà văn Di Li nhận xét.

Là diễn giả trong buổi ra mắt bộ sách Thế nào và tại sao (Nhà sách Tân Việt và NXB Phụ nữ ấn hành) vào tuần qua, nữ nhà văn chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) về vấn đề tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ.

* Nhiều phụ huynh từng lo lắng về việc con mình quá đắm đuối với các thiết bị như ipad, điện thoại, máy tính và không còn hào hứng với việc đọc sách. Còn quan điểm của chị?

- Thật ra, ngoài chức năng giải trí, các thiết bị công nghệ ấy cũng có giá trị ở góc độ hỗ trợ giáo dục trẻ em. Nhưng, việc tiếp nhận kiến thức từ xem phim, clip, tương tác trên internet...cũng không thể thay thế cho đọc sách.

Tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ. Trẻ đọc nhiều sách trước hết sẽ tự nhiên viết đúng chính tả mà không cần phải nhớ các quy tắc chính tả, sẽ tiếp thu được kiến thức tổng hợp và đa dạng một cách tự nhiên, sẽ phát huy được tư duy ngôn ngữ nói và viết, đặc biệt phát huy trí tưởng tượng tốt và tiến bộ ở môn văn. Những điều ấy vô cùng quan trọng trong giai đoạn hình thành tri thức và tính cách của các em.

Thẳng thắn, những gia đình hiểu biết đều có biện pháp để hạn chế, thậm chí là cấm trẻ xem tivi và sử dụng internet quá nhiều. Vấn đề ở đây, nếu cấm trẻ những thứ rất hấp dẫn đó thì phải tìm một kênh thay thế. Và thứ thay thế nếu không hấp dẫn hơn thì cũng phải hấp dẫn bằng, chứ kém hẳn thì trẻ sẽ không chịu.

Chú thích ảnh
Nhà văn Di Li

* Cụ thể, để trẻ thấy hấp dẫn với sách và "quên" chiếc ipad đi, phụ huynh nên làm gì, theo chị?

- Trước hết, chúng ta nên có sự kiên nhẫn để tạo sự hứng thú cho trẻ. Chẳng hạn, nên duy trì việc đều đặn trẻ đưa tới hiệu sách mỗi tuần. Các hiệu sách bây giờ trang trí rất hấp dẫn, thậm chí chúng ta có hẳn những phố sách riêng, do vậy cũng không khó thu hút được các em.

Thêm nữa, cha mẹ cũng cần gương mẫu cho việc đọc sách. Tôi thấy bây giờ các phụ huynh và cả giáo viên ít đọc sách quá. Họ có nhiều lý do để biện bạch cho việc lười biếng của mình. Cả đời bố mẹ không cầm quyển sách thì sao dám bắt con mình giỏi văn, để rồi mỗi lần đi họp phụ huynh tôi lại cứ thấy rất nhiều phụ huynh hỏi cô giáo những câu ngớ ngẩn là làm thế nào để con tôi học giỏi văn.

Ngoài ra, cũng cần phải chọn lựa những cuốn sách hấp dẫn nhất để “mồi” cho các cháu. Đã không thích đọc sách mà lại bắt đọc một cuốn rất chán thì sẽ là tra tấn đối với trẻ con (cười).

10 lý do khiến bạn nên đọc sách

10 lý do khiến bạn nên đọc sách

Đọc sách là một thói quen bổ ích vì sách được ví như ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người.

 

* Riêng ở góc độ chọn sách, chị cho rằng trẻ em nên được phân chia thời lượng thế nào giữa các sách giải trí (chẳng hạn như truyện cổ tích, truyện tranh) và các sách cung cấp kiến thức, kĩ năng sống?

- Nói chung, sẽ không có một barem cố định nào cho việc đọc bao nhiêu sách thì đủ. Các phụ huynh cứ dẫn các cháu ra nhà sách và cùng bàn luận thật kỹ xem nên mua cuốn sách nào. Các cháu chịu đọc sách cho là tốt rồi, còn thích sách gì thì tùy thuộc sở thích và năng khiếu mỗi cháu nữa.

Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên có hướng để trẻ em chịu đọc cả những cuốn sách về kỹ năng sống và kiến thức, bởi loại sách này sẽ cung cấp những kiến thức tổng hợp mà có thể chúng ta không đủ khả năng dạy hết cho các cháu. Thật ra, ở góc độ này, những cuốn sách dịch của nước ngoài tiếp cận với trẻ nhỏ một cách khá hấp dẫn chứ không đến nỗi khô khan.

Chú thích ảnh
Bộ sách "Thế nào và tại sao"

Chẳng hạn, bộ sách Thế nào và tại sao được dịch từ tiếng Đức là ví dụ. Sách đẹp, sinh động với nhiều hình ảnh và kiến giải rất dễ hiểu về những vấn đề mà các cháu tò mò như vũ trụ, núi lửa, khủng long, máy bay…

Đọc sách, tôi nhớ tới những câu hỏi thời nhỏ của mình, theo kiểu: Mẹ ơi, phía sau bầu trời kia là gì? Tất nhiên khi đó, mẹ tôi không trả lời gì cả, phần vì bận việc, phần vì cũng không biết trả lời thế nào. Giả thử khi ấy, có bộ sách Thế nào và tại sao, tôi sẽ có thể tự ngồi nghiên cứu cả ngày, thay vì tự đưa ra những suy luận rất giản đơn và kỳ quặc về vũ trụ....

* Cuối cùng, một chút chia sẻ của chị về việc tạo thói quen đọc sách cho con mình?
- Con gái tôi cũng không thích đọc sách bằng xem phim, lướt web. Bởi thế ngày nào tôi cũng phải “gạ gẫm” cháu đọc sách.

Kết quả là cháu đã đọc xong cuốn Nỗi cô đơn của các số nguyên tố của Paolo Giordano và giành được một giải thưởng phê bình văn học cho trẻ nhỏ. Nên tôi nghĩ sự kiên trì của mình cũng có kết quả. Nhìn chung, với quan điểm của tôi, đọc sách là một việc bắt buộc đối với bất kỳ con người nào, nếu muốn hoàn thiện mình.

*Cám ơn chị về cuộc trò chuyện

Bộ sách Thế nào và tại sao được Công ty Tân Việt mua bản quyền từ Đức và xuất bản với sự hỗ trợ của Viện Goethe Việt Nam. Đây là bộ sách tìm hiểu thế giới tự nhiên và khoa học nổi tiếng của Đức, do Nhà xuất bản Tessloff Verlag phát hành.

Trong 20 tập của bộ sách, 6 tập đầu tiên đã được dịch ra tiếng Việt. Có nội dung cô đọng, khoa học và hấp dẫn kèm theo ảnh minh họa sinh động, mỗi tập sách đưa trẻ em tìm hiểu về một lĩnh vực như Trái đất của chúng ta, hành tinh xanh, Hành tinh thám hiểm và vũ trụ, Khủng long, đế chế của bò sát, Núi lửa trong lòng đất, Năng lượng, động lực vận hành của trái đất, Máy bay và giấc mơ bay…

Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm