Góc Anh Ngọc: Ibra, ta là một, là riêng, là thứ nhất

18/11/2011 14:01 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Con người thực sự của Ibra là gì, một chiến binh quả cảm, một kẻ côn đồ, một kẻ hèn nhát nhưng to mồm và thiếu may mắn đến mức người ta nghĩ rằng, anh rời một đội nào đó ra đi là họ lên đỉnh cao vinh quang chói lọi hàng thập kỉ chưa với tới được, hay thực sự chỉ là một con hổ giấy chỉ biết tỏa sáng trên những sân chơi quốc nội? Câu hỏi ấy đã được đặt ra kể từ những ngày chân sút người Thụy Điển bắt đầu sưu tập những danh hiệu VĐQG và đến bây giờ ngoài anh ra, không ai có thể giải đáp được, bởi con người của Ibra cần một tập hợp những nhà xã hội học và các chuyên gia bóng đá phân tích dưới những góc độ khác nhau. Phức tạp, bởi chính con người tuyên bố luôn phóng xe như điên trên đường, ăn nói xấc láo và không coi ai ra gì ấy luôn coi anh và chỉ anh, là người số 1 trong thế giới của mình, cũng như thế giới ở những đội bóng mà anh thi đấu. 


Ibra là một, là riêng là thứ nhất - Ảnh Getty

Người ta hiểu anh vừa là sức mạnh, vừa là điểm yếu của họ, và những cơn “đau bụng” khi cảm hứng của anh vì một lí do nào đó tụt có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Các đội bóng vô hình chung trở thành con tin của cảm hứng ấy. Sự phụ thuộc vào anh trở thành không thể tránh khỏi, theo hai hướng tích cực: 1) Có anh, chức VĐQG trở nên dễ dàng hơn, bởi rất ít cầu thủ trên thế giới hiện tại có khả năng làm thay đổi cá tính và các yếu tố chiến thuật của một đội bóng tốt như anh, 2) Khi không có anh, đội bóng nào biết thích nghi ngay với tình hình để có những biện pháp tránh phụ thuộc thành công thậm chí còn trở nên mạnh hơn nữa khi anh trở lại. Inter của Mourinho và Barca của Guardiola trở thành những ngoại lệ ít ỏi của việc một đội bóng mạnh có thể chinh phục những đỉnh cao quốc tế mà không cần anh. Trên thực tế, họ mạnh hơn khi anh ra đi. Không phải tính cách của một gã bặm trợn trong anh trỗi dậy khiến họ cảm thấy phải đẩy anh đi, mà bởi họ nhìn thấy chính anh là sự cản trở cho việc tăng cường tính uyển chuyển và linh hoạt chiến thuật của mình. Ibra chấp nhận những thất bại ấy theo cách của riêng mình. Bao giờ anh cũng bảo, “Sau khi tôi rời Inter/Barcelona, tôi có nói lại với chủ tịch CLB rằng, năm nay đội của ông sẽ vô địch Champions League” (!).

99 Trong 99 bàn mà Ibra đã ghi trong 194 trận Serie A, có 23 bàn ghi cho Juventus, 57 cho Inter và 19 cho Milan. 62 Ibra “thích” ghi bàn trong hiệp 2. 62 bàn thắng của anh được ghi trong hiệp 2 (nhiều nhất là từ phút 61 đến 75, 22 bàn, có 5 bàn được ghi trong thời gian bù giờ), trong khi 37 bàn còn lại được ghi ở hiệp 1.

50 Bàn thắng thứ 50 của anh ở Serie A được ghi vào lưới Parma ngày 20/1/2008 (từ penalty, Inter-Parma 3-2). 9 Đội bóng bị Ibra sút tung lưới nhiều nhất là Parma, 9 lần. Tiếp theo đó là Fiorentina và Palermo, cùng 7 lần.

70 Trong 99 bàn thì 70 được ghi ở trong khu 16m50. 55/99 bàn được ghi bằng chân phải, chân thuận của anh.

Những gì anh nói ngoài sân bóng, những tuyên bố hùng hồn theo kiểu “Tôi muốn đá đít Guardiola” hay “Khi tôi đến Inter thì nội bộ của họ lục đục, nên tôi bảo chủ tịch Moratti phải làm một điều gì đó” trên thực tế không có tác động nhiều đến những yếu tố chiến thuật. Nó chỉ đơn giản là cách thể hiện cái tôi của anh, một cách đánh bóng bản thân và tạo cho anh, gã trai từng có quá khứ khá rắc rối, có một cuộc sống ầm ỹ và bản năng đúng theo kiểu thanh niên hiện đại. Đấy là hình ảnh của một người tự cao tự đại trong thế giới của riêng anh, thế giới mà anh bắt người ta phải chấp nhận, luôn luôn có những hành động mang tính bản năng và luôn gây chú ý theo những cách gây tranh cãi nhiều nhất. Anh là hình ảnh trái ngược của những típ ngôi sao “ngoan hiền” và có giá trị thương mại cao theo kiểu Beckham. Khi cảm hứng và bản lĩnh của chàng trai cao 1m92 và đi giày cỡ 47 này không đạt được tầm cỡ của những giải đấu mà người ta chờ đợi anh tỏa sáng, đồng nghĩa với việc đội bóng của anh thất bại, như ở Champions League, anh bắt đầu “đau bụng”. Nhưng những cơn “đau bụng” đôi khi không xuất phát từ thành tích. Ở Juventus, anh đã từng lên những cơn điên và ầm ầm bỏ tập chỉ để được tăng lương. Ở Milan, có lần một cơn điên bất ngờ khiến anh suýt đánh chết hậu vệ người Mỹ Onyewu. Với Ibra, không ai biết được chữ ngờ.

Chuyên nghiệp đến mức tàn nhẫn và dù rất bản năng, nhưng đôi khi đạp lên tình cảm để đạt cho được thành công, Ibra vẫn còn nợ người hâm mộ những chức vô địch Champions League. Điều đó không dễ, nhưng trước mắt, chừng nào anh còn thi đấu, dù đội của anh thắng hay thua, anh vẫn là một, là riêng, là thứ nhất, kẻ chiến thắng theo cách của riêng mình…

                                    Anh Ngọc

                              Email:  anhngoc@thethaovanhoa.vn

Từ Brescia đến CLB 100

Cho đến bây giờ, anh và nhiều tifosi vẫn không thể quên được giây phút ấy, khi Ibrahimovic ghi bàn thắng đầu tiên của mình ở Serie A. Trận Brescia-Juventus ở vòng đầu tiên mùa 2004/05 ngày 12/9/2004, Ibra, vừa vào sân thay Trezeguet ở hiệp 2, nhận được bóng từ Oliveira đã thực hiện một pha đi bóng ra sát mép 16m50 trước khi đảo người tung một cú sút về khung thành và hạ gục thủ môn Brescia. Đó là phút thứ 69 và Ibra bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên của mình trên con đường chinh phục một giải đấu mà anh đã từng một lần bỏ nó ra đi theo tiếng gọi của Champions League (nhưng rốt cục vẫn thất bại).

Không cần đến bàn thứ 100 để gia nhập “Century Clubs” dành cho các chân sút vĩ đại, Ibra đã là một huyền thoại Serie A, nhưng với tư cách một tiền đạo hàng đầu ở thời kỳ của mình, anh vẫn muốn nhờ những con số kể lại chuyện mình…



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm