Những tấm vé Olympic quý giá của Thể thao Việt Nam

05/04/2024 06:06 GMT+7 | Thể thao

Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa có tấm vé thứ 6 đến Paris 2024, do công của lực sỹ Trịnh Văn Vinh ở nội dung 61kg tại Cúp thế giới 2024 đồng thời cũng là vòng đấu loại cuối cùng cho Olympic. Dù đây là tấm vé chính thức nhưng xét về thành tích thi đấu thì lực sỹ của chúng ta phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn có huy chương vào mùa Hè tới.

1. Muốn có huy chương Olympic thì việc đầu tiên là phải có vé để đến đó. Vì vậy mà Trịnh Văn Vinh tỏ ra rất hạnh phúc với chiến công của mình. Tổng cử của Trịnh Văn Vinh vẫn còn kém xa so với những VĐV hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc hay Mỹ, nhưng với thời gian còn lại, cùng với kinh nghiệm dày dạn của người từng đoạt HCB Asiad 2018 thì Trịnh Văn Vinh vẫn có thể cải thiện thành tích của mình.

Đây là lần thứ 6 liên tiếp, tính từ Athens 2004, cử tạ Việt Nam có đại diện tranh tài ở Olympic. Điều này khẳng định môn thể thao này là một trong những niềm hi vọng ít ỏi của chúng ta tại Thế vận hội. Chiếc HCB của Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008 cũng là 1 trong 5 tấm huy chương quý giá đến từ 3 môn thể thao (Bắn súng, cử tạ, Taekwondo) mà TTVN sở hữu trong suốr chiều dài lịch sử Olympic.

Những tấm vé Olympic quý giá của Thể thao Việt Nam - Ảnh 2.

Trịnh Văn Vinh là chủ nhân tấm vé dự Olympic Paris thứ 6 của thể thao Việt Nam. Ảnh: Bùi Lượng

Nhìn rộng ra một chút, thì cử tạ cũng là môn mà các quốc gia Đông Nam Á có thể tỏa sáng ở sân chơi vĩ đại này. Đó là môn đoạt nhiều HCV nhất cho thể thao Thái Lan (5 trong số 10 HCV). Trong khi đó, với Indonesia, ngoài 8 chiếc HCV ở môn truyền thống cầu lông, thì họ từng đoạt 7 HCB và 8 HVĐ ở cử tạ, chiếm gần 50% tổng số huy chương mà họ có trong lịch sử Olympic. Cử tạ cũng đã đem về cho thể thao Philippines chiếc HCV đầu tiên và duy nhất của họ.

Đây cũng là điều dễ hiểu, vì cử tạ thi đấu theo hạng cân và cơ hội tại các hạng cân nhẹ trở thành ưu thế cho các VĐV châu Á. Nhưng cũng vì đặc điểm nói trên, mà "phân khúc" này lại trở nên chật chội. Như đã thấy, riêng tại Đông Nam Á đã có 4-5 quốc gia tập trung khai thác các hạng cân từ 65 trở xuống. Bên cạnh đó, các hạng cân nhẹ thường ít được đưa vào chương trình thi đấu, thường chỉ chiếm khoảng tối đa 15% tổng số hạng cân ở các kỳ Olympic. Việc tranh đua vé dự cũng như huy chương trở nên khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ thành công là rất thấp.

2. Chia sẻ niềm vui cùng đô cử Trịnh Văn Vinh, nhưng qua đó cũng cần sự trân trọng đối với các nỗ lực giành vé dự Olympic của VĐV Việt Nam. Đây chính là thời điểm mà chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về chiến lược "đầu tư trọng điểm".

Lấy ngay chính câu chuyện của cử tạ. Chúng ta bắt đầu có VĐV cử tạ dự Olympic từ năm 2004 liên tiếp đến nay, cũng đã có huy chương ngay lần dự thứ 2 (2008), vậy nhưng đến bây giờ thì lại "chật vật" tìm vé chứ không phải là tranh đua huy chương.

Bản thân Trịnh Văn Vinh vốn đã có 4 năm không được thi đấu do án phạt doping, nhưng anh vẫn là người duy nhất giành vé cho môn cử tạ trong một trạng thái thi đấu không thể nói là ở đỉnh cao sự nghiệp.

Trong khi đó, cử tạ Thái Lan có HCV đầu tiên ở Athens 2004 và duy trì việc có huy chương đều đặn qua các kỳ Olympic. Năm 2000, Indonesia có huy chương cử tạ đầu tiên và họ cũng giữ phong độ từ đó đến nay dù vẫn chưa lần nào đăng quang ngôi cao nhất. Tính ổn định này chính là cái thiếu của cử tạ Việt Nam, dù về lý thuyết chúng ta vẫn luôn đào tạo được các đô cử nối tiếp nhau.

Khi nói đến việc đầu tư trọng điểm, thường thì người ta sẽ dẫn chứng đến trường hợp của Ánh Viên được sang Mỹ tập huấn dài hạn với ngân sách khủng. Nhưng thực tế thì đó là một trường hợp cá biệt cho một nhân tố vượt trội, kiểu như "trăm năm có 1" chứ không thể xem đó là ví dụ tiêu biểu của đầu tư trọng điểm.

Nói thẳng ra, bơi lội của Việt Nam không có "cửa" huy chương tại Olympic hay thậm chí, chiến thắng ở Asiad cũng đã vô cùng khó. Đơn giản vì môn thể thao này đòi hỏi quá nhiều về tố chất VĐV, công nghệ hỗ trợ và không phân biệt hạng cân.

Thế nên, chuyện đầu tư trọng điểm cần phải cụ thể và thực tế hơn. Nó không chỉ là vấn đề về số tiền bỏ ra, mà còn liên quan đến công tác tuyển chọn, đào tạo, tập huấn cũng như kế hoạch sử dụng VĐV cho từng giải đấu một cách hợp lý.

Nói cách khác, đầu tư trọng điểm đó là phải thu hẹp dần số lượng môn mà ngân sách Nhà nước phải rót tiền, lựa chọn được môn phù hợp và các nội dung thi đấu có ưu thế để mới có đủ nguồn lực để đưa VĐV đi tập huấn nước ngoài trong bối cảnh mà cơ sở vật chất hay công nghệ trong nước chưa đáp ứng.

Cho đến thời điểm này, TTVN đã có 6 vé dự Olympic. Dù ít nhưng đa số các môn đoạt vé đều có thể nằm trong diện đầu tư trọng điểm như bắn súng, cử tạ, boxing … Vấn đề đặt ra là bao giờ chúng ta bắt tay vào làm, và làm như thế nào.

3. Bóng đá chính là câu chuyện sống động nhất cho cái khoảng cách giữa mong muốn và thực tế. Môn chơi này phổ biến và được yêu thích nhất Việt Nam, có một giấc mơ lớn là dự World Cup.

Thế nhưng, nếu bây giờ nhìn lại hệ thống bóng đá phong trào thì chúng ta thấy gì? Phần lớn là sân cỏ nhân tạo và bóng đá sân 5, sân 7. Nghĩa là cho dù số lượng người chơi bóng đá đông hơn, nhưng số cầu thủ chuyên nghiệp lại chưa chắc đã nhiều hơn trước. Điều này lý giải cho việc số lượng các CLB hạng Ba, hạng Nhì hầu như không tăng.

Thế nên, cho dù bóng đá sử dụng nhiều tiền từ ngân sách, được hỗ trợ tối đa từ các nguồn lực xã hội, thì vẫn không có nghĩa là được "đầu tư trọng điểm". Chúng ta mong muốn có được nguồn nhân lực cho bóng đá đỉnh cao nhưng khi số lượng giải đấu sân cỏ 11 người trở nên ít ỏi, thì việc tuyển chọn nhân tại gần như phụ thuộc vào những lò đào tạo với số lượng cũng đang ngày một ít đi.

Hệ thống thi đấu cấp địa phương, các giải U, ngày càng bị thu hẹp trong khi bóng đá học đường vẫn chỉ là dự án đẹp trên giấy tờ, mãi không đi vào cuộc sống. 20-30 năm trước, ở Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM luôn có những đội bóng Sinh viên Hàn Quốc sang thi đấu ở chất lượng tương đương một CLB K-League. Nghĩa là họ đã có nền móng phong trào vững vàng từ học đường như vậy thì chuyện đội tuyển quốc gia vươn lên tốp đầu thế giới cũng chẳng có gì bất ngờ.

Phải chăng cái thiếu của thể thao Việt Nam không phải là quyết tâm hay tài chính mà là những người làm chiến lược và các giải pháp mang tính tổng thể từ phong trào đến đỉnh cao?


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm