Những người Tây Ban Nha khai sáng ở ngoại hạng Anh

28/01/2017 18:59 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa,vn) - Rafa Benitez, với tư cách là người mở đường cho làn sóng đến từ Tây Ban Nha ở ngoại hạng Anh, đã gặt hái vài chiếc cúp với Liverpool. Nhưng nói về sức ảnh hưởng của bóng đá xứ đấu bò ở nước Anh hiện tại, người ta sẽ phải nhắc đến những cái tên khác như Roberto Martinez, Pep Guardiola hay thậm chí là David Silva.

Họ là những người tiêu biểu cho phong cách Tây Ban Nha, đang có xu hướng mở rộng ở xứ sở sương mù trong vài năm gần đây. Nhưng người Anh đã ngờ rằng, ngày càng có nhiều người Tây Ban Nha hoặc mang phong cách từ bán đảo Iberia tới nước Anh, liệu có giúp các cầu thủ bản địa chơi bóng được như những Xavi, Iniesta, Busquets, David Silva hay Santi Cazorla hay không?

Không dễ để làm cách mạng

Chúng ta đang ở tháng 8 năm 2013, trong trận Everton gặp West Bromwich Albion ở ngoại hạng Anh, lúc này Phil Jagielka đang có bóng trong chân, ở nửa phần sân nhà. Đội trưởng của Everton có hai lựa chọn: một là phất một đường bóng dài tới vòng cấm địa của West Bromwich, hoặc dễ dàng hơn là một đường chuyền vệ cho người đá cặp với anh hôm đó là Sylvain Distin. Sau cùng, Jagielka chọn cách thứ hai. Người ta có thể nghe rõ tiếng xì xầm vang trên khắp khán đài Goodison Park. Một quyết định sẽ phủ bóng lên toàn bộ quãng thời gian 3 năm của Martinez ở Everton. HLV 43 tuổi này biết rằng, cuộc cách mạng bóng đá mà ông muốn thực hiện ở Goodison Park, để xóa bỏ kiểu cách chơi bóng từ thời David Moyes là không dễ dàng.

Arsene Wenger là một nhà tiên phong cải cách bóng đá ở xứ sở sương mù, thành tựu của HLV người Pháp ở Arsenal lớn đến mức, người ta không còn nhớ đội bóng thủ đô London chơi bóng dài như thế nào trong quá khứ nữa. Nhưng đến 20 năm sau, từ lúc Wenger thay đổi Arsenal, người ta vẫn thấy ở ngoại hạng, những đội bóng chơi thuần Anh kiểu như Hull, Stoke, Bournemouth hay Sunderland. Và những trường hợp như Mauricio Pochettino cùng Tottenham thật sự là của hiếm ở ngoại hạng lúc này. HLV người Argentina đã mài giũa mọi ý tưởng chơi bóng ở Espanyol, trước khi đến Anh để biến đội bóng thủ đô London thành một trong những hình mẫu đáng học hỏi nhất về cách kiểm soát bóng là thế nào.

Trở lại với câu chuyện của Roberto Martinez, người gia nhập Everton với niềm tin rằng, phải cách mạng tư duy chơi bóng ở Goodison Park như một ưu tiên hàng đầu. Chuyền bóng, chuyền bóng để nảy sinh sự sáng tạo, và đưa đến cái đích cuối cùng là chiến thắng. Wigan hay Swansea cũng có thể chơi bóng giống như Barcelona, thì Everton cũng sẽ làm được. HLV 43 người Balaguer, hâm mộ Pep Guardiola và thần tượng Johan Cruyff tuyệt đối tin rằng, cách phát triển bóng tốt nhất là những đường chuyền, kiểm soát đối thủ tốt nhất là chuyền bóng thật nhiều, và sử dụng những cầu thủ trẻ có kĩ thuật là phương pháp tối ưu.

Martinez ngay lập tức bắt tay vào việc kết hợp những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ, kết hợp với những ngôi sao được đưa về. Phil Jagielka và Leighton Baines sẽ chơi bên cạnh chữ kí mới của câu lạc bộ là Gareth Barry. Romelu Lukaku hay James McCarthy sẽ cộng tác với John Stones và Ross Barkley. Mùa đầu tiên của HLV 43 tuổi này, Everton trông thật hấp dẫn, họ giành được số điểm kỉ lục trong lịch sử câu lạc bộ với 72 điểm, và đội bóng áo xanh không còn phải chơi với tư cách cửa dưới, hoặc phải phòng ngự quá nhiều.

"Luyện tập tất cả mọi kĩ năng với trái bóng, chạm bóng nhiều nhất có thể, chuyền bóng đẻ kiểm soát trận đấu, làm mọi cách để giành lại bóng, không chỉ sở hữu bóng mà còn phải chuyền để đạt được kết quả cuối cùng", Roberto Martinez thúc giục các học trò, và tin rằng, "nếu chúng tôi kiểm soát bóng nhiều hơn 60%, thì 9 phần là giành chiến thắng".

Nhưng mùa thứ hai, mọi thứ xấu đi trông thấy, hệ thống phòng ngự mắc quá nhiều sai lầm vì chuyền về quá nhiều, cách chơi có xu hướng mở của Everton cho các đối thủ mọi cơ hội để ghi bàn. Người ta bắt đầu nhận thấy, sự kiên nhẫn, cá tính và tính tổ chức dưới thời David Moyes biến mất, Everton lao dốc và cuộc cách mạng của Martinez ở Goodison Park sớm kết thúc với nhiều tranh cãi. Nhưng Ronald Koeman, một người tôi luyện trong môi trường Tây Ban Nha khác, đang tiếp tục phần việc dang dở của Martinez với cùng một ý tưởng.

Như một sự trùng hợp, Manchester City của Pep Guardiola cũng gặp những vấn đề tương tự như Everton của Martinez. Hàng phòng ngự với Jones Stones mắc qua nhiều sai sót, những đường chuyền về tai hại xuất hiện dày đặc, những pha xử lý bóng thiếu kĩ thuật và an toàn ở tuyến dưới đã khiến đội bóng của Pep bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian qua, bất chấp chiến thắng ngoạn mục trước Barcelona ở Champions League

Hãy dừng ở đây để đến với câu hỏi, vì sao Liverpool của Rafa Benitez không được liệt vào danh sách những đội theo trường phái Tây Ban Nha? "Ông ấy là chiến lược gia giỏi nhất mà tôi từng làm việc cùng", Steven Gerrard nhắc đến Rafa Benitez trong cuốn tự truyện của mình. Còn  Dietmar Hamann thì nói, “Rafa là thiên tài chiến thuật". Cùng với ông Liverpool giành Champions League, Siêu cúp châu Âu và một cúp FA, đó là đội bóng mà như mô tả của Frank Rijkaard sau thất bại của Barcelona ở Champions League mùa 2007 rằng, "họ là đội bóng rất khó để đánh bại, quá khỏe, chơi bóng trực diện và được tổ chức quá tốt".

Đội bóng áo đỏ lúc đó được tổ chức phòng ngự khu vực kiểu Benitez, với sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 được bê từ Valencia sang đã phát huy hiệu quả, khi ông có Xabi Alonso một chân chuyền cự phách, kết hợp với một tiền vệ thu hồi kiểu Mascherano ở giữa sân, và hướng phát triển bóng đơn giản theo chiều dọc như một đội Anh truyền thống. Gần như mọi cầu thủ được Benitez lựa chọn đều có xu hướng phòng ngự, và cả những người cầu thủ thuần tấn công như Dirk Kuyt cũng được yêu cầu phòng ngự. Liverpool vì thế không phải là đại diện mang hơi hướm bóng đá Tây Ban Nha.

Những người Anh vụng về

"Còn lâu mới hái được trái ngọt", là một trong những kết luận mà truyền thông Anh nói về nỗ lực thay đổi tư duy chơi bóng như người Tây Ban Nha của các cầu thủ xứ sở sương mù. Tiki taka là một cách chơi lý tưởng trên toàn thế giới, nhưng những cầu thủ anh hiếm khi đạt đến tầm vóc kĩ thuật của cách chơi này, họ thiếu tầm nhìn để kiểm soát bóng theo trường phái Tây Ban Nha, giống như Xavi hay Iniesta sở hữu.

Và người Anh chấp nhận rằng, bóng dài mới là sở trường của họ. Người ta thống kê mùa vừa rồi, trong danh sách 32 cầu thủ có từ 4 đường kiến tạo trở lên ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu, có đến 6 người Tây Ban Nha, nhiều nhất trong số này. Và chỉ có một người Anh duy nhất xuất hiện trong danh sách – Marc Albrighton của Leicester City. Bên cạnh yếu tố Tây Ban Nha ngày càng sản sinh ra nhiều tiền vệ chơi bóng thông minh và có chất lượng cao, cần phải nhớ rằng, người Anh thiếu một khát vọng nào đó ở khía cạnh tận hưởng trận đấu theo cách của người Tây Ban Nha, đó là chuyền bóng để kết liễu đối thủ, chứ không phải là chuyền bóng để chạy đến hàng chục mét dọc sân.

Trong một thập kỉ qua, số người Tây Ban Nha đến chơi bóng ở Anh ngày càng tăng lên, từ 13 người mùa 2008 lên đến 29 cầu thủ ở mùa bóng này. Nếu so với những cái tên dối già như Ivan Campo, Albert Ferrer, Fernando Hiero hay Marcelino trước đây, thì David Silva, Fabregas và Santi Cazorla là những cầu thủ tiêu biểu cho phong cách Tây Ban Nha ở Anh, ngoại trừ Cazorla, hai người còn lại đều giành chức vô địch với các đội bóng của mình, với tư cách là những nhạc trưởng cự phách ở tuyến giữa.

Ngoài những khoản tiền hậu hĩnh, họ là những người đang cố gắng phổ biến cách chơi – có thể gọi chung là tiki taka - ở nước Anh,  thành công không nhiều, dù những danh hiệu có thể biện hộ cho công việc của họ. Nhưng với Pep Guardiola, người đang cố gắng biến đổi từ gốc lối chơi cho Manchester City, mới chính là người được chờ đợi nhất về việc mở rộng tư duy chơi bóng cho người Anh, chuyền bóng thế nào mới thật sự được coi là kiểm soát trận đấu.


Pep Guardiola không chỉ giúp cho Man City mà cho cả nền bóng đá Anh

Trần Dũng
Thể Thao & Văn Hóa Cuối Tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm