21/12/2011 07:12 GMT+7 | Âm nhạc
Chill-out là một phân nhánh dịu dàng nhất của nhạc điện tử (electronica) và có biên giới không rạch ròi với trip hop, lounge, đôi lúc dòng soul/jazz kiểu mới vẫn được xem như chill-out. Là một khái niệm phái sinh từ một từ lóng của relax, thư giãn, chill-out xuất hiện từ khoảng đầu những năm 90 thế kỷ 20, ban đầu được coi như tổng hợp các loại nhạc êm dịu, tiết tấu chậm được sáng tạo bởi các nhạc sĩ của dòng nhạc điện tử hiện đại (elctronica). Về sau, dòng chill-out đã mở rộng không gian ảnh hưởng ra thị trường âm nhạc đại chúng và rất được ưa chuộng, được coi như một liệu pháp âm thanh giúp người nghe thư thái, lấy lại cân bằng giữa cuộc sống quá bận rộn. Chill-out bắt đầu được du nhập vào Việt Nam trong vài năm gần đây và được đón nhận khá ổn định. Tuy nhiên, các sản phẩm chill-out “made in Vietnam” vẫn còn là một khoảng trống rất lớn, một sân chơi đang rất thiếu anh tài. Sự xuất hiện các sản phẩm âm nhạc của DJ Trí Minh, Nguyệt Ánh đang đóng vai những người mở đường và không biết đến bao giờ con đường ấy sẽ có nhiều người bước đi. Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG |
(TT&VH Cuối tuần) - Hoàn toàn có thể xem On The Floor, bài hit “đỉnh” của “Nữ hoàng Latin” Jennifer Lopez, là một trong những biểu hiện toàn diện và toàn cầu nhất (và hầu như không mấy thay đổi) về đời sống chè chén tiệc tùng của giới trẻ ngày nay. Tương tự, sau gần 2 thập niên xuất hiện, thuật từ chill-out vốn đã bao trùm nhiều thể loại và phong cách, cũng lại gần như không thay đổi, trái ngược với những biến thể vô cùng khác của nhạc điện tử, nếu có chỉ là những mục đích phục vụ có mới mẻ hơn đôi chút.
Hễ êm là được
Vượt khỏi mục đích khá tầm thường là xoa dịu dân đi sàn sau nhiều giờ đồng hồ đắm mình trong điệu nhạc và XTC (chất gây nghiện), những âm thanh du dương ru ngủ bị đám đông mệt lử thờ ơ cuối cùng cũng tìm được chỗ đứng. Vì sao? Ra đời ngay giữa cuộc cách mạng nhạc dance giữa thập niên 1990, chill-out là một cái tên quá bắt tai và tất nhiên là một công cụ hái ra tiền của bất kỳ nhà kinh doanh nào có chút bạo dạn mang thứ âm thanh giàu tiềm năng ấy ra khỏi cái nôi không mấy sáng sủa ban đầu. Từ đó, chill-out xuất hiện trên truyền hình, được quảng bá rộng rãi, ghép vào những lời hứa hẹn sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng hình ảnh những bờ biển thanh bình ảo diệu, những cặp uyên ương nhẹ bước cùng nhau, thậm chí còn gán vào mác mặc khải tôn giáo nửa vời, không khác gì với New Age trước đó.
Radiohead và Chill-out
Không ít các nhà phê bình thậm chí còn cho rằng giới kinh doanh tung ra những hợp tuyển (compilation) chill-out chẳng chill một chút nào khi lên danh sách vừa Massive Attack (chuyên nhạc điện tử) lẫn Radiohead (chuyên rock), rằng ngay cả người khổng lồ Sony cũng chẳng hề biết chill - out thực tế là “cái” gì khi nhét vào cả Dido và Sade (và sau này còn cả Coldplay). Mặc kệ, thành công vượt bậc, tính theo đơn vị hàng triệu, của Enya, Enigma hay Deep Forest khiến các nhà kinh doanh tiếp tục đẻ ra những cái tên mỹ miều mới như pure mood (tạm dịch thuần cảm xúc), trở thành một món hàng cao cấp, bóng bẩy trong giới thưởng thức lẫn thưởng ngoạn. Thừa cơ, các hãng đĩa vét những tác phẩm vừa êm vừa dịu trước đó bị xếp xó, có thể là R&B chơi chậm, bossa nova của Brazil, nhiều khi là electronica, trip hop đem vào tuyển tập. Buddha Beats, Karma Collection, những cái tên váng vất tôn giáo chất lừ lại khéo léo xuất hiện không quá lâu sau sự kiện 11/9 bi thảm, như thể sẵn sàng để xoa dịu mọi vết thương lòng.
Nói cách khác, chill-out đã trở thành một bộ dạng mới của thời đại, của mọi người, chứ không chỉ của riêng đám đông tiệc tùng, miễn là có thể khiến người nghe thấy thư giãn. Chính Phil Meadly, người thực hiện Zen And The Art Of Chilling cũng chua chát thừa nhận “nhiều tác phẩm trong các đĩa hợp tuyển khiến người ta nhầm tưởng phong cách này với thứ mood music chỉ dành cho thang máy”, khác rất xa thứ âm thanh sáng tạo của Alex Paterson và The Orb đã dày công tạo ra.
Ít đất cho sáng tạo
Năm 2005, chill-out được công nhận rộng rãi, có mặt trên toàn bộ các tạp chí lớn về nhạc dance ở Anh. Hàng trăm hợp tuyển chill-out đã ra đời, cả một nền văn hóa chill-out được dựng nên, bắt đầu từ các quán bar, club hợp thời trang mang dáng dấp kiến trúc hoặc là retro, hoặc là vị lai. Hàng loạt những ban nhạc và hãng đĩa chuyên trị chill-out xuất hiện, thậm chí kênh radio dành riêng cho “thể loại” này cũng trình làng. Festival toàn tập Big Chill hàng năm diễn ra tại lâu đài Eastnor, điểm tụ hội quen thuộc của các dân đi club lẫn các gia đình đồng đạo. Café Del Mar, khi ấy đã trở thành thánh địa Mecca của chill-out, trở thành cái tên cửa miệng của người nghe lẫn không nghe các âm thanh nặng màu sắc hưởng thụ (và thụ động), còn những kiến trúc đậm đặc thiên nhiên của Luis Guell khiến quán bar trở thành một trong những thiên đường giải trí hằng ao ước ở bờ Tây của Địa Trung Hải thơ mộng, điểm đến của những DJ, nghệ sĩ, khách VIP cùng các tay chơi hàng đầu.
Bìa trước bộ đĩa Chill-out Sessions
Trào lưu hoài cổ, retro và vintage ngày càng nở rộ, theo đó là những sáng tác mẫu mực của pop xưa và jazz, nay khoác vào lớp áo sâu sắc thâm trầm, ngay lập tức trở thành một món ăn mới mà không lạ, đặc biệt trong giới trẻ. Một vòng tròn vô hình như đã khép lại, khi lounge, một nhánh của chill-out, một lần nữa trở thành thứ âm nhạc trang trí không hơn cho những không gian sang trọng, những quán bar hiện đại hay dành cho thưởng thức tại gia. Có thể mô tả xu hướng này bằng một câu trong Sound of Silence, một tác phẩm thuộc hàng mẫu mực của Simon & Garfunkel: People hearing Without listening (thiên hạ nghe mà không lắng). Vay mượn các ảnh hưởng từ world music, nhấn nhá bằng những nhạc cụ đơn lẻ như piano, hoặc thoang thoảng nhạc điện tử, hay lẫn lộn các thuật ngữ với nhau vô tội vạ, lounge trở thành phiên bản nửa vời dễ dàng chinh phục đám đông thiếu thời gian nghe nhạc nhưng lại có thừa đam mê dành cho vẻ hào nhoáng.
Giữa thời đại của chứng kém tập trung cao độ, khi những phong cách, thể loại và những tư tưởng chán ngắt đằng sau của nó mãi mãi không còn là ưu tiên của người nghe, chill-out và lounge vẫn hoàn toàn có thể ung dung thống trị các kệ đĩa. Âm nhạc một khi đã xem như không khí chúng ta hít thở hàng ngày hay đôi khi là một liều thuốc chữa căng thẳng khó lòng mang một giá trị sâu sắc, nó lọt thỏm giữa vô vàn những chọn lựa khác trong cuộc sống. Cây bút âm nhạc Shane Keller của trang Deep Intense xem nhạc chill-out là một lối sống của thế hệ X. “Nó cũng giống như trôi qua cuộc sống cũng như âm nhạc trồi lên sụt xuống vào trong cảm xúc và tình cảm của chúng ta, là quây quần với bạn bè và chia sẻ những thời khắc vui vẻ với nhau”. Có thể điều ấy đúng, nhưng để thưởng thức âm nhạc gọi theo cách chung chung là đích thực, tinh túy, thuần chất, bên ngoài kia hãy còn rất nhiều những âm thanh khác, cho dù thoạt đầu khá nghịch nhĩ, kỳ quặc. Bởi lẽ, theo cách nói của người Anh, cái gì dễ đến cũng dễ đi.
Album nằm trong chuỗi Erotic Lounge, đĩa thứ 4
Không khó để chỉ ra những trào lưu đang thịnh hành trên thế giới, không khó để nhắc tới những bộ sưu tập gắn mác made-in-Ibiza như Café Del Mar hay Buddha Bar, hay những cái tên đã có sự bảo chứng toàn cầu như Tiësto, Alex Paterson (The Orb). Nhạc điện tử có thể là tất cả những gì nằm giữa không gian sâu lắng nhất và ồn ã nhất, có thể biểu hiện và truyền đạt những cảm xúc bất định, khó nắm bắt nhất của con người, bởi ngay giữa các khoảng lặng thực ra vẫn luôn có “âm thanh”.
Và những buổi hội hè vẫn miên man, từ Brazil đến Morocco, từ London đến Ibiza, từ L.A, New York, Las Vegas đến châu Phi, như trong phần lời ca khúc On The Floor.
Bài 2:Những album Chill-out đáng nghe nhất
Du Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất