Nhìn từ cú đúp của Hà Nội FC

29/11/2022 06:10 GMT+7 | Bóng đá Việt

Lần thứ 3 liên tiếp, Hà Nội FC đoạt Cúp quốc gia, sau thành tích 6 lần vô địch V-League kể từ khi lên chơi chuyên nghiệp năm 2009 đến nay. Đó không còn đơn thuần là sức mạnh vượt trội, mà còn là sự thống trị có ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của V-League.

1. Trong quãng thời gian từ 2009 đến nay, V-League có đến 5 cái tên khác nhau ngoài Hà Nội FC cũng từng vô địch và đó đều là các đội bóng có truyền thống như SLNA (2011), Bình Dương (2014, 2015), SHB Đà Nẵng (2012), Quảng Nam (2017) và Viettel (2020), nhưng không đội bóng nào đủ sức duy trì cán cần quyền lực với Hà Nội FC.

Một số đội thậm chí còn đối diện nguy cơ xuống hạng như SLNA hay Đà Nẵng, riêng Quảng Nam thì đang đá ở giải hạng Nhất. Lên đỉnh đã khó, giữ đỉnh còn khó hơn. Câu này đúng với mọi đội bóng, ngoài đội của bầu Hiển.

Đấy chính là vấn đề. Không hề tồn tại những nhóm đội bóng luôn cạnh tranh nhau ở mỗi mùa giải V-League. Thay vào đó, cứ mỗi mùa thì Hà Nội FC lại đổi đối thủ. Lúc Bình Dương, lúc Thanh Hóa, khi thì Hải Phòng, Viettel.

Chính vì các đối thủ cứ trồi sụt phong độ, trong khi Hà Nội FC từ năm 2010 đến nay luôn có mặt trong tốp 3, nên về lý thuyết là các đối thủ tự thua phần lớn, còn Hà Nội FC bất chiến tự nhiên thành.

Điều đó hẳn nhiên không có lợi cho V-League. Lẽ ra, phải đều đặn có Big 3, sau đó lên Big 4, rồi Big 5  thì tốt hơn. Một giải vô địch quốc gia có nhiều đội đua tranh từ mùa này sang mùa khác thì mới thúc đẩy sự phát triển chung.

Nó tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng, đẩy được giá trị cầu thủ lên cao hoặc thúc đẩy quá trình đào tạo trẻ. Càng nhiều ứng viên vô địch thì từng trận đấu sẽ cam go hơn, trình độ cầu thủ cũng sẽ cải thiện và chắc chắn là đội tuyển quốc gia sẽ hưởng lợi.

Cứ lấy bảng danh sách triệu tập cho AFF Cup 2022 của HLV Park Hang Seo thì sẽ biết, ông phải loại bớt các cầu thủ HAGL vì đội bóng này đâu còn là đối thủ của Hà Nội FC nữa. Không lẽ số cầu thủ HAGL lại cân bằng với Hà Nội FC trên tuyển?

2. Hai bàn thắng của Hà Nội FC trong trận chung kết trước Bình Định đều là tuyệt phẩm, là không gian của một trạng thái tâm lý thoải mái chơi bóng đến hoàn hảo. 

Các cầu thủ đá ở hàng phòng ngự mà sút được các quả như vậy, chắc chắn là họ đã quen với việc ghi bàn. Chỉ có các đội bóng quá mạnh mới xuất hiện tư tưởng ghi bàn ở mọi góc độ như vậy.

Nhìn từ cú đúp của Hà Nội FC - Ảnh 1.

Sức mạnh vượt trội của Hà Nội FC ở sân chơi quốc nội mùa này cũng là một vấn đề cần suy nghĩ với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Không chỉ hơn về khía cạnh thành tích, Hà Nội FC giờ đây còn có thể vừa đá, vừa… chơi. Bình Định có thể được xem là một đối thủ lớn của Hà Nội FC trong tương lai, nhưng thất bại ở trận chung kết Cúp QG đã cho thấy để có một trận "derby Việt Nam" kiểu Gạch - Gỗ hay Gạch - Gốm (Bình Dương) ngày trước chắc vẫn còn xa lắm, bởi không ai biết Bình Định sẽ làm bóng đá theo kiểu "tiền đè chết người" được bao lâu.

Cần phải nhớ rằng Hà Nội FC không thiếu tiền, và họ lại còn giữ ưu thế về việc đàm phán với mọi cầu thủ giỏi ở Việt Nam. Thậm chí họ chẳng cần phải làm điều đó, khi có hệ thống tuyến trẻ khá chất lượng và được dìu dắt bởi các cựu binh trung thành.

Tiền của Bình Định chưa chắc đã hơn, sự máu lửa của Hải Phòng cũng chưa chắc bằng, uy dũng của Bình Dương còn không thể so sánh, được truyền thông tung hô như HAGL cũng đành bất lực, thì liệu Hà Nội FC còn thống trị bóng đá Việt Nam đến bao giờ?!

3. Đó là một lối mòn của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đương nhiên không cổ vũ cho việc Hà Nội FC sẽ đá "lỏng chân" nhằm giúp một đội nào đó vô địch, nhưng chúng ta cũng không thể biết bao giờ Hà Nội FC mới thôi mạnh. Họ là một đội bóng chuyên nghiệp nhất Việt Nam, đó chính là sự khác biệt lớn nhất, và điều đó cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn còn đang loay hoay tìm sự ổn định khi mà các CLB như Hà Nội FC quá ít.

Hay nói cách khác, cứ mỗi mùa bóng đến, lại phải đoán già đoán non về việc ai sẽ đủ sức cạnh tranh với Hà Nội FC bởi có quá nhiều sự thay đổi ở phần hạ tầng. Chỉ có các đội yếu, là…yếu ổn định, còn những ứng viên thì lại bất ổn. Trường hợp của CLB TP.HCM hay Bình Dương là ví dụ.

Họ đâu thiếu tiềm lực, nhưng họ chẳng có cái gì giống với Hà Nội FC cả. Một đội thì chẳng biết ai là chủ sở hữu, một đội thì vẫn còn đang đá theo "nghĩa vụ địa phương". Một CLB chuyên nghiệp thì không nền tồn tại 2 yếu tố mơ hồ đó. Xem lễ hội ăn mừng Cúp QG của Hà Nội FC, chúng ta đều biết họ thuộc về ai, đá vì cái gì …


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm