Nhật Bản trước cuộc khủng hoảng hạt nhân

14/03/2011 10:41 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 13/3, giới chức Nhật Bản vẫn phải vất vả đương đầu với một cuộc khủng hoảng hạt nhân, trong bối cảnh một số lò phản ứng có thể tan chảy. Sự cố ở quốc gia châu Á này được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Trong cuộc họp báo được tổ chức tại thủ đô Tokyo hôm 13/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cảnh báo có thể xảy một vụ nổ bên ngoài lò phản ứng số 3 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi.

Hơn 100 người nhiễm độc phóng xạ

Lời cảnh báo được đưa ra chỉ một ngày sau khi một vụ nổ xảy ra ở lò phản ứng số 1 của nhà máy trên. "Do có nguy cơ sẽ khiến dư luận lo ngại thêm nên chúng tôi không thể bác bỏ khả năng có thể xảy ra một vụ nổ nữa” - Edano nói - “Nhưng ngay cả khi có một vụ nổ như thế cũng không gây ảnh hưởng lớn lắm tới sức khỏe con người”.

Song theo Ryo Miyake, phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, 160 người, gồm 60 bệnh nhân cao tuổi và nhân viên y tế đang chờ được sơ tán ở thị trấn Futabe cùng khoảng 100 người khác đang sơ tán bằng xe buýt có thể đã phơi nhiễm phóng xạ thoát ra từ nhà máy điện Fukushima Daiichi. Mức độ nhiễm độc của họ có nghiêm trọng hay không chưa được làm rõ. Tất cả đã được đưa tới bệnh viện để điều trị.

Nhân viên y tế Nhật Bản chuyển một người đã phơi nhiễm phóng xạ đi điều trị

Lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima là 1 trong ba lò đã tự động ngừng hoạt động theo sau trận động đất khủng khiếp xảy ra. Sự cố xuất hiện do hệ thống làm mát của các lò này bị hư hỏng. Do không có điện và các máy bơm nước cần thiết để tiếp thêm nước cho lò phản ứng, nhà điều hành buộc phải lấy nước biển trộn với chất boron để làm mát lò. Ngoài ra, boron có vai trò ngăn chặn phản ứng hạt nhân dây chuyền.

Tuy nhiên việc bơm nước biển sẽ khiến các lò phản ứng có thể bị hư hỏng, không thể sử dụng được nữa. Robert Alvarez, một học giả tại Viện nghiên cứu chính sách và là cựu cố vấn cho Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nói với các phóng viên rằng bơm nước biển vào lò phản ứng là một biện pháp chỉ dùng khi tuyệt vọng. Ông nói rằng sự thành công của việc dùng nước biển và boron để làm mát các lò phản ứng sẽ phụ thuộc nhiều vào khối lượng nước và tỉ lệ pha trộn. Ngoài ra, việc bơm nước sẽ phải diễn ra liên tục trong nhiều ngày.

Hiện ngoài lò phản ứng số 3, tình hình ở lò số 1 và lò số 2 của nhà máy đã được kiểm soát. Theo ông Edano, hoạt động làm mát ở lò số 1 đã tiến triển tốt nhờ nước biển được bơm vào liên tục. Nhà điều hành vẫn đang tích cực bơm nước vào lò số 3 và xả bớt khí phóng xạ tích tụ trong lò để sớm lấy lại quyền kiểm soát tình hình.

Cảnh báo vấn đề an toàn năng lượng nguyên tử

Những quan ngại về giá nhiên liệu hóa thạch như dầu hỏa, than đá tăng cao và sức ép tìm nguồn điện không gây hại tới môi trường đã làm tăng hy vọng của sự phục hưng toàn cầu của năng lượng nguyên tử, sau những thảm họa lớn như sự kiện tai nạn ở Three Mile Island vào năm 1979 và thảm họa Chernobyl vào năm 1986.

Hàng chục nước đã bày tỏ sự hứng thú trong việc xây các nhà máy điện nguyên tử mới, dù tới nay chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất lên kế hoạch xây dựng quy mô lớn. Tại nhiều nước, các chương trình xây nhà máy điện hạt nhân mới đã nhiều lần bị trì hoãn do vấn đề an toàn. Đơn cử như tại Mỹ, các nhà điều hành đã đệ đơn xin xây 16 nhà máy điện nguyên tử mới nhưng chỉ có 2 được thông qua.

Nhà máy điện Fukushima Daiichi, nơi đang xảy ra sự cố hạt nhân

Lâu nay các nhà phê bình đã đặt câu hỏi liên quan tới tính khả thi của việc xây nhà máy điện nguyên tử tại một khu vực hay xảy ra động đất như Nhật Bản. Khi thiết kế các lò phản ứng hạt nhân, Nhật Bản cũng đã để ý kỹ tới vấn đề này. Nhưng các đánh giá ban đầu trong vụ tai nạn ở Fukushima Daiichi cho thấy vấn đề sóng thần rất ít được quan tâm. Có vẻ như các lò phản ứng đã đứng vững sau trận động đất song hệ thống làm mát và các máy phát điện phụ của nó đã bị nước biển phá hủy.

Ngành công nghiệp điện hạt nhân thường nói về việc phòng thủ có chiều sâu. Đây là mô hình nhiều lớp ngăn chặn thảm họa và một hệ thống các kế hoạch phụ để đảm bảo rằng nếu có sự cố xuất hiện, thảm họa sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên sự thất bại của hệ thống ngăn chặn này ở Nhật Bản đã cho thấy các thiết bị hỗ trợ và các “kế hoạch B” đôi khi không đủ để xử lý thảm họa.

Sau tai nạn Chernobyl và Three Mile Island, ngành năng lượng nguyên tử đã tuyên bố các lò phản ứng mới sẽ có các tính năng an toàn tốt hơn. “Nhưng sự cố cho thấy thực tế đã không có nhiều thay đổi xuất hiện” - James M. Acton, chuyên gia thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới đánh giá.

Bước thụt lùi của ngành công nghiệp

Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một thảm họa hạt nhân xảy ra ở Nhật Bản có gây hại tới ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử hay không. Giới chuyên gia trả lời rằng: có. "Đây hiển nhiên là một bước lùi lớn cho cái gọi là sự phục hưng của năng lượng nguyên tử. Hình ảnh một nhà máy điện nguyên tử nổ tung trên truyền hình chỉ là khởi điểm của sự tồi tệ.” - Peter Bradford, cựu thành viên Ủy ban Điều hành Năng lượng nguyên tử Mỹ nói.

Đã có những lời kêu gọi xem xét lại vấn đề an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân nằm ở Mỹ. Tại Pháp, các đảng Xanh và nhiều nhóm bảo vệ môi trường đã kêu gọi chấm dứt sự lệ thuộc vào năng lượng nguyên tử. Ở Đức, người dân xuống đường biểu tình chống lại năng lượng nguyên tử.

Nhưng tại Trung Quốc, một trong những nước phát triển năng lượng nguyên tử mạnh nhất hiện nay, nhà chức trách tuyên bố sẽ không thay đổi kế hoạch phát triển các dự án điện hạt nhân. Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Môi trường Trung Quốc Trương Lợi Quân nói rằng nước này đang"theo dõi chặt chẽ" diễn biến tác động của trận động đất đối với các cơ sở hạt nhân Nhật Bản. Theo ông, Bắc Kinh sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm từ trận động đất này và dùng nó phục vụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không thay đổi quyết tâm và kế hoạch phát triển điện hạt nhân, với tham vọng đạt tổng công suất 40 triệu KW điện hạt nhân trong giai đoạn 2011 - 2015.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm