07/03/2022 07:36 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vài tháng trước đây, đỉnh dịch đã khiến cho nhiều gia đình, nhiều người ở TP.HCM rơi vào tình cảnh bế tắc. Nhiều dân nhập cư từ các tỉnh tiến thoái lưỡng nan. Họ ở lại thành phố thì bó gối ngồi nhà vì lệnh giãn cách, không có tiền sinh sống, mà đường về quê thì mịt mù, xa lắc.
Trong tình cảnh ấy, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, nhiều nhóm thiện nguyện tự phát xuất hiện. Họ đã đến và chia sẻ những bữa ăn, thực phẩm, thuốc men, tiền mặt và những lời động viên tinh thần.
Trần Nhã Thụy là một trong số những cá nhân tích cực nhất. Anh đã cùng nhóm Trụ lại Sài Gòn tự móc tiền túi và kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung sức. Nhóm thiện nguyện này đã len lỏi vào các xóm lao động nghèo để trợ giúp những người đang cần sự tiếp sức. Trên hành trình dãi nắng dầm mưa ấy, Trần Nhã Thụy đã thấy nhiều mảnh đời xót xa và trái tim anh rung lên nhiều xúc cảm. Anh đã cùng bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh viết lên nhiều câu chuyện cảm động trong quyển Viết từ thành phố lockdown. Đồng thời, anh vận động tổ chức cuộc thi viết mang tên Về nhà, nhằm ghi nhận những khoảnh khắc khó quên này. Anh cũng là thành viên ban giám khảo cuộc thi, vừa trao giải vào cuối tháng 2/2022.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Trần Nhã Thụy sau lễ trao giải cuộc thi viết mang tên Về nhà, cũng như trải nghiệm và nỗi ám ảnh dịch bệnh với ngòi bút.
* Cuộc thi viết chủ đề “Về nhà” nhận được sự quan tâm của công chúng vì tính nhân văn và chạm vào nỗi niềm, xúc cảm mang tính thời sự. Nhưng tại sao là “về nhà”, mà không là cái tên nào khác?
- Ngày 24/11/2021, NXB Hội Nhà văn (chi nhánh miền Nam) phối hợp cùng trang vanvn.vn (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) chính thức phát động cuộc thi viết Về nhà. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có những trải nghiệm về dịch bệnh khốc liệt như thời gian qua. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến từng đoàn người tìm cách rời khỏi thành phố bằng đủ các loại phương tiện, thậm chí là đi bộ hàng trăm, hàng ngàn cây số.
Không chỉ những người già mắc kẹt ở thành phố muốn về quê, về nhà, mà những người trẻ cũng quay quắt muốn về, đói no gì cũng về nhà, nơi có mẹ có cha. Đặc biệt, hình ảnh những đôi vợ chồng trẻ bồng bế con thơ chỉ vài tháng tuổi, rong ruổi xe gắn máy về quê, khiến cho chúng ta không khỏi nghẹn ngào xúc động. Ở thành phố này, họ chưa có một mái nhà để “an cư lạc nghiệp”, cho nên hành trình về quê cũng là giấc mơ về nhà làm lại cuộc đời.
Về nhà, còn mang ý nghĩa là cuộc trở về với trái tim mình, cùng bao cảm xúc chân thành và đẹp đẽ nhất, nhưng cũng có biết bao người ra đi mà không thể về nhà. Với biết bao người, mái nhà ấm êm vẫn còn là giấc mơ giữa lận đận và khó nhọc mưu sinh. Và, không thể không kể tới đội ngũ y tế, các tình nguyện viên suốt mấy tháng ròng trong các bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19, chưa thể về nhà, dù chỉ cách vài cây số…
* Tại sao hình ảnh bìa sách “Về nhà” lại là tàu lá chuối?
- Như tôi có chia sẻ trên trang cá nhân, thực ra tập sách Về nhà là phần không có trong cuộc thi Về nhà, nghĩa là không làm cuốn sách này cũng không sao. Nhưng do thấy cuộc thi có nhiều bài viết chất lượng nên tôi đã đề xuất và gánh vác phần công việc làm sách này.
Về bìa sách, tôi đề xuất hình ảnh tàu lá chuối, ban đầu họa sĩ thiết kế bìa chưa hiểu ý, nhưng sau khi nghe tôi nói “hãy hình dung cái gân tàu lá chuối như một con đường” thì họa sĩ thấy thú vị và triển khai ngay.
Còn vì sao là tàu lá chuối thì như đã chia sẻ, lá chuối như một biểu tượng gần gũi của làng quê Việt. Thêm nữa, trong đại dịch Covid-19, khi tôi cùng nhóm Trụ lại Sài Gòn đi giúp bà con thì thấy nhiều khu trọ ở Sài Gòn chặt phơi rất nhiều lá chuối. Tôi tò mò hỏi chặt lá chuối chi nhiều vậy? Bà con trả lời rằng: “Tụi tui ở xóm trọ nghèo, được giúp nhiều mà không biết làm gì trả ơn, nên đi chặt lá chuối về phơi rồi gửi cho mấy chỗ nấu bánh chưng bánh tét cứu trợ bà con mình”. Tôi nghe mà ứa nước mắt. Thì giờ, tôi nghĩ, với cuộc Về nhà nhỏ bé này, chúng tôi cũng góp một tàu lá chuối cho đồng bào mình, cho quê hương mình. Việc mình nhỏ cũng như tàu lá chuối, để gói ghém chút yêu thương nhỏ bé chân thành. Vậy thôi.
* Trong tập sách này, anh thích nhất tác giả nào?
- Tuy là một cuộc thi viết, nhưng thú thật tôi không muốn mọi người nghĩ nhiều đến chuyện thi thố. Nếu nghĩ đây là cơ hội cho những cuộc giãi bày, những câu chuyện kể về nhà trong và sau đại dịch Covid-19, thì sẽ ý nghĩa hơn. Có lẽ những người tham gia cuộc thi cũng đồng cảm như vậy, cho nên bài gửi về rất nhiều, mà chất lượng cũng khá cao.
Tôi không tham gia đọc sơ loại, chỉ là người duyệt các bài chọn đăng cuối cùng, nhưng tôi nghe các biên tập viên cho biết là bài hay khá nhiều. Còn những bài được chọn đăng, cũng như 39 bài vào chung khảo, theo tôi bài nào cũng xứng đáng được giải. Còn nói bài viết mà tôi thích nhất thì có lẽ là bài Về nhà thôi, đoạt giải Nhì của sư cô Diệu Hoa. Có bài không đoạt giải nào cả, mà tôi cũng rất thích, như bài Chuyến bay sớm và những suy nghĩ rời của Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Kết quả cuộc thi “Về nhà” Cuộc thi viết Về nhà diễn ra từ ngày 15/12/2021 cho đến 25/1/2022, nhận được 750 bài dự thi, có nhiều tác giả ở Anh, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Sri Lanka... Kết quả giải Nhất trao cho tác phẩm Chuyến về nhà của Huyền của Minh Đan (TP.HCM); giải Nhì cho tác phẩm Về nhà thôi của Diệu Hoa; giải Ba cho tác phẩm Đón Tô về nhà của Tạ Ngọc Điệp và Có nhà chỉ để… nhớ của Ngô Thị Thu Vân. Ngoài ra còn có 15 giải Khuyến khích và 1 giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất. |
Tam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất