02/08/2016 06:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trần Nhã Thụy vừa ra mắt tập truyện thiếu nhi Những đứa trẻ mắc zịch (NXB Trẻ) để bày tỏ sự không hài lòng khi các bậc phụ huynh để con em nghiện game online.
Những đứa trẻ mắc zịch là tập truyện đầu tay viết về thiếu nhi của Trần Nhã Thụy, sau các truyện ngắn và tiểu thuyết dành cho người lớn. Truyện của Trần Nhã Thụy được giới cầm bút đánh giá là chỉn chu và công phu, trong đó tiểu thuyết đầu tay Sự trở lại của vết xước của anh từng nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Trần Nhã Thụy (giữa) trong buổi ra mắt "Những đứa trẻ mắc zịch"
Trần Nhã Thụy viết Những đứa trẻ mắc zịch khi anh chơi với hai cậu con trai của mình và phát hiện bọn trẻ rất mê ảo thuật. Hai từ "mắc zịch" được tác giả phiên âm từ từ magic - tức ảo thuật. "Mắc zịch" cũng là cách "mắng yêu" của người lớn dành cho những đứa trẻ nghịch ngợm, thích khám phá...
Trần Nhã Thụy cho biết, anh viết cuốn truyện Những đứa trẻ mắc zịch vì nhận thấy hiện nay trẻ vị thành niên phạm tội phần nhiều do nghiện game online. "Tôi làm báo và theo dõi nhiều vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên, trong 10 vụ thì có đến 9 vụ liên quan đến game online", nhà văn tổng kết bằng quan sát cá nhân.
Do vậy, Trần Nhã Thụy muốn phụ huynh và độc giả nhỏ tuổi đọc cuốn sách Những đứa trẻ mắc zịch để định hướng niềm đam mê cho con trẻ. Trong xã hội hiện phần đông trẻ em mê game online và thế giới ảo và rời xa đời thực. Ảo thuật dù là những trò diễn nhưng rất lành mạnh giúp cho trẻ em tăng khả năng sáng tạo và đam mê lành mạnh.
Bìa tập truyện "Những đứa trẻ mắc zịch" của nhà văn Trần Nhã Thụy
Nhà văn Trần Nhã Thụy là người rất gần gũi với hai con của anh và dành nhiều thời gian chơi với con.
Anh viết Những đứa trẻ mắc zịch thông qua các cuộc chơi với con mình và quan sát chúng thích gì, từ đó định hướng niềm đam mê cho trẻ. Giá như các bậc phụ huynh chịu khó dành thời gian chơi với con thì sẽ hiểu và yêu thương con mình hơn.
Và giá như, ai cũng có khả năng viết như Trần Nhã Thụy, thì sách văn học dành cho thiếu nhi do người Việt viết không còn là thị phần "hơi hiếm" như hiện nay.
Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất