02/08/2014 09:45 GMT+7 | Đọc - Xem
Trần Nhã Thụy là tác giả của các tập truyện ngắn, truyện dài, tản văn, tiểu phẩm và tiểu thuyết: Lặng lẽ rừng mai, Thị trấn có tháp đồng hồ, Cuộc đời vui quá không buồn được, Sự trở lại của vết xước, Mùi, Váy ơi là váy… Viết văn in sách nhiều là vậy, nhưng trước hết “gã” là một tay viết báo kỳ cựu. Văn của “gã” trước khi in thành sách đều in báo, trừ truyện dài và tiểu thuyết.
Trước khi “gối đầu lên mây”
Lý lịch của Trần Nhã Thụy ghi rõ, “gã” tên khai sinh do cha mẹ đặt là Trần Trung Việt, sinh năm 1973. Tên Trung Việt theo “gã” giải thích là “cha mẹ mình muốn mình nhớ mình sinh ra ở miền Trung của Việt Nam, có quê quán ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi”.
Làng quê nơi “gã” sinh ra và lớn lên trước khi vào Sài Gòn học đại học vào năm 1991, rồi ở lại kiếm sống bằng nghề viết, sau cưới vợ sinh con, mãi mãi ám vào đời gã. Đến độ kiếm được cái nhà, “gã” cũng chọn nơi xưa kia là “Làng Mai” của Sài Gòn – một thời bạt ngàn những luồng mai được trồng cho cái Tết. “Gã” thích làng quê, thích “rau sạch” và yêu nàng dù nàng “chân ngắn”.
Những gì Trần Nhã Thụy viết trong Triều cường, chân ngắn, và rau sạch gần như chân thật với bản tính “nhà quê” của “gã”. “Nhà quê”, tức là “gã” viết thật với những gì “gã” biết, nghe và suy nghĩ. Với tản văn mang tên cuốn sách (trang 143), Trần Nhã Thụy viết gần như “tả thực” về cuộc sống của mình. Rằng, ở Sài Gòn gã có một ngôi nhà trong khu triều cường ngập nước phải hàng ngày dậy sớm đưa con đi học; có một vườn rau sạch tận dụng miếng đất bỏ hoang cạnh nhà và một cô vợ “chân ngắn” không thể chạy xe máy khi triều cường để đưa con đi học…
Hẳn nhiên, “gã” không viết báo để “tả thật”, “gã” là nhà văn nên từ cái thật cuộc sống “gã” nâng lên cái tình, cái đáng suy ngẫm. Do “Triều cường, chân ngắn và rau sạch” nên “gã” thấy: “Khi nghèo khó con người ta trở nên siêng năng chăm chỉ hơn, đó là lẽ thường tình… Mùa triều cường, chợt thấy thương “chân ngắn” tảo tần và biết ơn vườn rau sạch bên nhà”.
Buồn vì những chuyện “chướng mắt, hại não”
Triều cường, chân ngắn, và rau sạch có gần 50 bài tản văn, với người thích đọc Trần Nhã Thụy, hẳn đã đọc những bài viết như thế trên các báo. Vì “gã” viết tản văn hay viết báo cũng là để in báo nuôi… văn. Gần như, rất ít bài báo nào của Trần Nhã Thụy chỉ thuần văn thông tấn làm nhiệm vụ thông tin là xong. Các bài viết của “gã” sống lâu hơn một bản tin thời sự nhờ… suy ngẫm của người viết và nghĩ suy của người đọc.
Trần Nhã Thụy là nhà báo theo dõi lĩnh vực văn nghệ, nhưng “gã” còn là nhà văn, nên gã đau đáu về những chuyện không vui trong giới: “Nhiều khi ước chi mình không phải là người kiếm sống bằng cái nghề viết báo, để khỏi phải theo dõi cái gọi là “dòng thời sự” chướng mắt hại não mỗi ngày. Có những cái qua rồi thì qua luôn, mình delete được vĩnh viễn luôn. Nhưng có cái tưởng chừng qua rồi vẫn cứ vướng lại, tạo một cảm giác khó chịu. Vụ tranh chấp ai là biên kịch chính, tên ai được quyền đứng trước trong bộ phim Huyền thoại 1C cũng vướng lại trong tôi những lợn cợn khó chịu như thế”.
Báo Thể thao & Văn hóa từng đề cập vụ “lùm xùm” gữa nhà văn Anh Động và nhà văn Đoàn Minh Tuấn về tác quyền kịch bản phim truyện Huyền thoại 1C. Trần Nhã Thụy thấy rằng khi hai nhà văn kia (cũng là dân viết lách khổ cực như nhau lại “tố” nhau ra trước công luận), nên “gã” thoáng buồn, dù “dòng thời sự” như sóng trùng khơi lớp sau đè và xóa nhòa lớp sóng trước.
Được biết, trong tháng 8 này, Trần Nhã Thụy ấn hành tiểu thuyết thứ hai trong đời cầm bút của “gã” mang tên Hát. “Gã” nói hát để vui. Nhưng chắc gì “hát” đã vui như đời gã trải qua bao nhiêu nhà trọ khắp Sài Gòn, cũng như trải qua rất nhiều tờ báo. Vui đó mà ngậm ngùi cũng nằm cạnh đó như dư vị của những bài báo “kéo dài” thành sách…
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất