09/08/2019 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Hôm nay, 9/8/2019 tại Bắc Kạn, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Kạn và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo Thân thế và sự nghiệp nhà văn dân tộc Tày Nông Viết Toại. Mục Sống chậm cuối tuần kỳ này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Đỗ Đức, người đã không thể quên được một bài thơ của Nông Viết Toại từ khi đọc mo-rát cho tập thơ tại nhà in Việt Bắc gần 50 năm trước.
Xem chuyền đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Nhà văn Nông Viết Toại sinh ngày Rằm thángBa, năm Bính Dần (tức ngày 26/4/1926) tại Nà Cọt, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Tên khai sinh là Nông Đình Hân, năm nay bước vào tuổi 93. Ông là em trai nhà thơ Nông Quốc Chấn. Trên chặng đường dài của cuộc đời, ông đã từng làm bí thư huyện, từng kinh qua vai trò quản lý văn hóa: Trưởng đoàn Văn công Việt Bắc, Giám đốc Bảo tàng Việt Bắc,Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc…
Gánh vác công việc quản lý, nhưng ông vẫn viết văn, làm thơ…Sau này người ta biết đến ông như là một nhà văn hơn là một công chức nhà nước. Ông sống dung dị dễ gần. Con người mộc mạc trong ông luôn tạo ra tình cảm gần gũi với người xung quanh. Nông Viết Toại giống như một già bản hơn là một cán bộ. Mỗi lần nhớ về ông, tôi thấy ông như một người anh trong gia đình mình.
Mở đầu, tôi xin nói về bài tứ tuyệt bằng tiếng Tày ông viết vào năm 1971, tạm dịch như sau:
Bạn làm thơ, tôi cũng làm thơ
Nghiêng thùng vét gạo chẳng đầy bơ
Hết gạo hết luôn phần độn gạo
Bực mình thổi độn mấy vần thơ!
Sống giữa chiến tranh khốc liệt, với muôn vàn khó khăn thiếu thốn mà vẫn có sự bình thản hài hước cả khi không còn đủ gạo cho một bữa ăn. Tâm hồn trong con người ông thật đẹp! Giống như muôn người dân lúc ấy, đói mà vẫn yêu cuộc sống, vẫn tự tin, vẫn “ngông” lắm. Bài thơ như lời tuyên ngôn của ông với con đường văn nghệ!
2. Bài thơ tôi đọc một lần mà nhớ mãi. Đó là bài Cừn lả
Cừn lả (Đêm khuya) trong tập thơ Đet chang nưa (Nắng giữa trưa) in vào đầu những năm 1970, tôi đọc được khi đi sửa mo-rát ở nhà in Việt Bắc. Bài thơ đem đến cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nguyên văn bài thơ như sau:
Cừn lả
Nòn đắc soong đua, cáy ó khăn
Phua miề lục slấc chắng bàn căn
Mầư pây khay luộng sloong đon thúa
Ngò giú lưởc sloong kỉ xoỏng mằn
Thúa phiăp đin đăm diềm mảc phắc
Mằn thuông hỉn xáp tốc lai ăn
Tù tì tú tí lai mòn tuyện
Báu đắc bấu đai cáy tẻo khăn!
(1952)
Tạm dịch:
Đêm khuya
Ngủ được hai canh thì gà gáy
Vợ chồng thức giấc bèn cùng nhau bàn chuyện
Em đi đánh luống hai đám đỗ
Anh ở nhà lựa mấy sọt khoai
Đỗ gieo đất đen củ mập lắm
Khoai gặp đá dăm cũng cho nhiều củ
Tù tì tú tí thật nhiều chuyện
Không ngủ lại được gà lại tiếp tục gáy…
Bài thơ tường thuật lại câu chuyện thường ngày. Đêm dài không ngủ được, thức giấc mấy lần, vợ chồng bàn chuyện tăng gia sản xuất khoai đậu, quanh quẩn thức ngủ mất hết cả đêm.
Chuyện chỉ có thế. Nhưng mà ở đây hình ảnh câu chuyện nằm ngoài con chữ.
Đây là bức tranh giao tình. Vợ chồng đêm nằm bên nhau không ngủ được. Hình như “soong đon thúa” là cô vợ “đánh luống hai đám đỗ”, hình ảnh gợi nhiều… tưởng tượng. Còn anh chồng thì dí dỏm “Ngò giú lưởc sloong kỉxoỏng mằn” (lựa mấy sọt khoai) cũng nghịch lắm!
Và chuyện giao tình rồi cũng đến bến. Kìa “Thúa phiăp đin đăm diềm mac phắc” (củ khoai trên đám đất đen trở nên mập mạp) và “Mằn thuông hỉn xáp tốc lai ăn” (Khoai gặp đá dăm cũng cho nhiều củ)…
Rồi “Tù tì tú tí lai mòn tuyện” (Tù tì tú tí thật nhiều chuyện), chuyện sẽ là như vậy, gà lại gáy. Mấy lần “gà gáy” trong đêm dài được nhắc lại trong bài thơ?
Câu chuyện tâm tình thật thú vị của đôi vợ chồng nhà nông, nghĩa đen chuyện sản xuất thì bình dị, mà thực ra nó chỉ là cái vỏ để đựng trong đó thứ rượu ngon khác thường! Thứ rượu đó mới là cốt lõi câu chuyện! Đó là chuyện vợ chồng vui vẻ yêu nhau vô cùng “tỉnh củm”.
3. Nhà văn Nông Viết Toại viết không nhiều, chỉ in có ba, bốn tập truyện ngắn và thơ. Nhiều bài hay nhưng tôi chỉ xin lẩy ra hai bài thơ này. Bài tứ tuyệt đầu, như là tuyên ngôn về nghệ thuật thời gian khổ, còn bài Cừn lả là chuyện thường ngày của con người, cái riêng rất riêngtrong tình cảm vợ chồng. Tôi yêu cái chất nhân văn rất sớm trong con người ông thông qua “câu chuyện đêm khuya” này. Không giấu giếm, không lên gân mà hài hước, thắm đượm nhân tình. Nó cho thấy dòng chảy cuộc sống luôn đằm thắm, sôi sục như thế.
Ông quá giỏi khi dẫn câu chuyện giao tình dưới hình thức chuyện “tăng gia sản xuất” trong đêm của hai vợ chồng. Nên nhớ bài Cừn lả được viết vào năm 1952, khi mà chủ đề tình cảm riêng tư trong văn chương không có nhiều đất diễn. Vậy mà ông vẫn cứ viết như cây đời xanh lá.
Xin nói thêm, đây là bài thơ hiếm hoi của một nhà thơ miền rừng viết trong kháng chiến!
Đọc bài Cừn lả của Nông Viết Toại tôi không thể không liên hệ đến bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng Hứng dừa. Đó cũng là bức tranh về chuyện giao tình độc nhất vô nhị trong vốn cổ dân gian với câu thơ đề từ: “Khen ai khéo dựng nên dừa/ đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi”. Tranh vẽ cảnh anh chồng trèo dừa, thả xuống hai trái, cô vợ dưới gốc tốc váy hứng hai trái dừa. Hình ảnh là như vậy, nhưng bức tranh còn có thể gợi lên những liên tưởng khác…
Khi sang Pháp, tôi giới thiệu, phân tíchbức tranh này cho các bạn ở Đại học Bordeaux 3,nghe xong họ ồ lên: Thế thì chuyện phồn thực trong nghệ thuật của Việt Nam còn là bậc thầy của người Pháp, vì bức tranh đó đã ra đời trên 5 thế kỷ!
Giống như thơ, Hứng dừa qua bao nhiêu cái Tết người dân vẫn dán trên vách tường và vẫn là bức tranh đẹp!
Và tiếp đến cũng không thể không nhắc đến nhà thơ trào lộng Hồ Xuân Hương với bài thơ Đèo Ba Dội của bà, một bài thơ về chuyệnphồn thực mà cứ tưởng như tả cảnh đèo. Vừa hình tượng cụ thể, vừa hừng hực hứng tình:
Đèo Ba Dội
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ choét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gói chồn chân vẫn muốn trèo”.
Trường hợp thơ giao tình của Nông Viết Toại là trường hợp thứ ba tôi thấy ở văn học nghệ thuật Việt, một đề tài mà không phải ai muốn viết là viết được. Phải hóm lắm, tài lắm mới gói gọn câu chuyện trong 8 câu thơ! Bài thơ là một hòn ngọc quý trong văn phẩm của ông.
Đó là lý do tôi nhặt bài thơ Cừn lả này của nhà văn Nông Viết Toại.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất