Nhà văn đoạt giải Nobel Nadine Gordimer: 'Hiệp sĩ' da trắng xả thân vì màu da đen

16/07/2014 07:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nữ văn sĩ Nam Phi Nadine Gordimer, một trong những nhà văn da trắng phê phán mạnh nhất chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid) ở Nam Phi, đã vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Johannesburg, hưởng thọ 90 tuổi.

‘Rough and Rowdy Ways’ của Bob Dylan: Cách chủ nhân Nobel Văn học viết lại lịch sử

‘Rough and Rowdy Ways’ của Bob Dylan: Cách chủ nhân Nobel Văn học viết lại lịch sử

Bob Dylan vẫn đều đặn ra album trong những năm qua nhưng Rough and Rowdy Ways là album đầu tiên của ông gồm toàn các ca khúc gốc kể từ Tempest cách đây tám năm, theo sau bộ ba album hát lại những ca khúc pop huyền thoại.

Sinh thời, Gordimer là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà văn đang phải đối diện với những điều kỳ dị dường như không thể khắc phục được trong xã hội của họ. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng lịch sử văn học Nam Phi, đặc biệt là dòng tiểu thuyết chính trị thế kỷ 20, sẽ không còn có bà nữa.

Cây bút phản ánh những sự bất công

Được nhiều người đánh giá là cây bút hàng đầu Nam Phi, Gordimer còn nổi tiếng là nhà luân lý học cứng rắn. Các tiểu thuyết và truyện ngắn của bà phản ánh thăng trầm cuộc sống và cảm xúc của con người, trong xã hội đã trở nên lệch lạc sau hàng chục năm nằm dưới sự thống trị của người da trắng.

Rất nhiều câu chuyện bà kể đã đề cập đến đề tài tình yêu, sự căm thù và tình bạn dưới áp lực của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ chỉ chấm dứt từ năm 1994, khi Nelson Mandela trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.

Là một thành viên Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Mandela, vốn từng bị cấm hoạt động trong thời apartheid, Gordimer đã dùng ngòi bút để chiến đấu chống lại sự bất bình đẳng ở Nam Phi và kết quả là bà phải nhận lấy nhiều sự thù địch từ phía chính quyền. Dưới thời apartheid, một số cuốn tiểu thuyết của bà đã bị cấm lưu hành.

Tuy nhiên, Gordimer vẫn không ngừng chỉ trích về chế độ apartheid, về tính trưởng giả và sự lừa dối của con người, bất cứ khi nào bà chứng kiến. “Tôi không chỉ đơn giản chỉ trích chế độ apartheid trong khi sự bất công của con người vẫn hiện hữu ở nhiều nơi khác” – Gordimer nói một thời gian ngắn trước khi được trao giải Nobel Văn học.

Trong nhiều năm về sau, bà còn tích cực tham gia chiến dịch phòng chống HIV/AIDS, vận động hành lang và gây quỹ cho chiến dịch này nhân danh nhóm vận động bênh vực bệnh nhân HIV/AIDS là Treatment Action Campaign.

Luôn tự hào về bản sắc văn hóa quê hương

Gordimer sinh năm 1923, là con gái của một người Lithuana gốc Do Thái. Bà bắt đầu viết văn khi mới 9 tuổi và trong sự nghiệp của mình đã cho ra đời hơn 30 cuốn sách, trong đó có các cuốn tiểu thuyết My Son's Story, Burger's Daughter và July's People. Bà được trao giải Nobel Văn học năm 1991.

Tuổi thơ cô độc đã khiến Gordimer có khả năng quan sát rất kỹ những người bình thường sống xung quanh, như khách hàng tới cửa hiệu bán đồ trang sức của cha đẻ hay những người công nhân da màu nhập cư ở ngoại ô Johannesburg, nơi bà sinh sống.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết A World Of Strangers của Nadine Gordimer từng bị cấm phát hành ở Nam Phi.

Sự ngây thơ ở tuổi vị thành niên của Gordimer về sau đã được thay thế bằng tinh thần đấu tranh. Khi tài năng của Gordimer dần thăng hoa và cộng đồng người đọc tác phẩm của bà ngày càng đông, khuynh hướng tự do của bà được đánh giá là cấp tiến.

Trong những năm 1960 và 1970, đã có 3 tiểu thuyết của Gordimer bị cấm phát hành ở Nam Phi. Tuy nhiên độc giả của Gordimer ở hải ngoại ngày càng lớn và bà được xem là một trong những nhà văn viết sách bằng tiếng Anh xuất chúng nhất.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên bị cấm phát hành ở Nam Phi là A World Of Strangers, kể về một người Anh kết bạn với người da màu Nam Phi và khám phá cuộc sống phân biệt chủng tộc ở Johannesburg trong những năm 1950.

Năm 1979, tiểu thuyết Burger's Daughter của bà bị cấm phát hành, bởi truyện mô tả nỗ lực khẳng định thanh thế của một phụ nữ có cha là người hùng chính trị đã chết trong tù.

Mặc dù căm ghét chế độ apartheid, Gordimer hầu như chưa từng nghĩ tới việc rời bỏ Nam Phi, do bà tự hào về di sản văn hóa của quê hương mình. Gordimer nói rằng trong trong cuộc đời, bà chỉ có 1 lần nghĩ tới việc sang Zambia sống. “Sau đó, tôi phát hiện ra sự thực rằng ở Zambia, những người da màu xem tôi như một kẻ da trắng xa lạ người châu Âu. Chỉ ở quê hương, tôi mới được là chính mình: một người Nam Phi da trắng” - Gordimer chia sẻ.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm