Các “quan” nhà văn “thống trị” giải Mao Thuẫn

21/09/2011 11:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Lễ trao giải Văn học Mao Thuẫn lần thứ 8 đã được tổ chức hôm 19/9 tại Trung tâm Nghệ thuật Trình diễn Quốc gia ở Bắc Kinh. Giải thưởng năm nay thuộc về 5 tác giả. Song điều đáng nói là trong số 5 cây bút đoạt giải có đến 3 người giữ cương vị Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội Văn học các tỉnh.

1. Thực ra thì kết quả đó không phải là hoàn toàn mới bởi nhiều giải thưởng văn học hay các lĩnh vực KH&CN cũng trong tình trạng tương tự. Song nhiều người cho rằng chuẩn mực của một giải văn học ngày càng không rõ rệt khi hầu hết các cây bút đoạt giải đều là quan chức.

Cụ thể, các nhà văn đoạt giải năm nay là Trương Vĩ - Chủ tịch Hội Văn học Sơn Đông - với tác phẩm Nhĩ tại cao nguyên; Lưu Tỉnh Long - Phó Chủ tịch Hội Văn học Hồ Bắc - với Thiên hạng giả; Tất Phi Vũ - Phó Chủ tịch Hội Văn học Giang Tô - với Suy nã; Mạc Ngôn với tác phẩm Oa và Lưu Chấn Vân với Nhất cú đỉnh nhất mặc cú.

5 cây bút đoạt giải Mao Thuẫn lần 8

Trong số này có Tất Phi Vũ đã nổi tiếng ở Trung Quốc và hải ngoại khi ông đã đoạt giải Văn học Man năm 2010. Còn Mạc Ngôn là một trong những nhà văn đương đại Trung Quốc có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài nhất. Tiểu thuyết Oa của ông đã được dịch sang tiếng Pháp và Đức. Cuốn Nhĩ tại cao nguyên thì đã được giới phê bình ở Trung Quốc ca ngợi và việc trao giải cho Trương Vĩ được xem như một sự ghi nhận công sức của ông sau 10 năm chấp bút.

Hội đồng thẩm định giải đã vấp phải nhiều sự chỉ trích của cư dân mạng và thậm chí cả các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc khi họ nhận thấy việc xét giải có nhiều vấn đề nổi cộm.

Trong suốt tháng 8, Hội đồng gồm 60 thành viên đã làm việc rất lúng túng nhằm chọn ra 5 tác giả trong số 187 cây bút dự thi. Để công chúng thấy được việc xét chọn giải được tiến hành một cách minh bạch, nên các phiếu bầu chọn của từng thành viên giám khảo đều được công khai chứ không duy trì “truyền thống” bỏ phiếu kín như trước đây.

Được trao giải lần đầu tiên vào năm 1982, giải Văn học Mao Thuẫn là một trong những giải văn học danh giá nhất Trung Quốc. Giải này được trao 4 năm/lần.

Nhưng khi công bố 20 nhà văn lọt vào danh sách chung khảo thì - theo tờ China Daily - trong Top 10 có tới 8 tên tuổi là Chủ tịch, Phó chủ tịch thuộc các hội văn học cấp tỉnh”. Trước hiện tượng này, tờ nhật báo Quảng Châu viết: “Không nên lấy địa vị xã hội ra để làm tiêu chuẩn đánh giá một tác phẩm văn học. Đó chính là lý do tại sao mọi người lại nghi ngờ về sự đúng đắn của các giải thưởng đã trao cho các quan chức với những thành tựu văn học của họ. Tính đến nay, nhiều quan chức đã đoạt các giải văn học quốc gia”.

Đáng ngạc nhiên nữa là giải Mao Thuẫn năm nay không hề ghi nhận một tiểu thuyết nào mang đề tài “dân tộc” do tác giả là một người dân tộc thiểu số viết hoặc viết về các nhân vật và nền văn hóa của người dân tộc thiểu số của nước này. Hạng mục “không chính thức” của giải thưởng văn học này từng được trao cho Hoắc Đạt Trứ với tác phẩm Mục tư lâm đích táng lễ, A Lai Trứ (Trần ai lạc định) và Trì Tử Kiến Trứ (Ngạch nhĩ cổ nạp hà hữu ngạn).

2. Hội văn học cấp tỉnh là tổ chức gồm nhiều nhà văn chuyên nghiệp của Trung Quốc. Cho đến cuối những năm 1980, các hội này chủ yếu vẫn là của các nhà văn chuyên giám sát, quản lý “sản phẩm” văn học.

Nhưng ngày nay các hội văn học cấp tỉnh thường là các tổ chức mang tính tự nguyện, vậy nên nhiều nhà văn nổi tiếng không gia nhập hội. Thế nhưng, các hội này vẫn rất có ảnh hưởng và giải Văn học Mao Thuẫn được Hội Văn học Quốc gia bảo trợ và quản lý.

Sinh thời, nhà văn Mao Thuẫn (1896-1981) từng nắm giữ nhiều trọng trách như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ tịch Hội Văn học và Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc. Sau khi trở thành một quan chức, ông không còn nhiều thời gian để viết nên không có được những tác phẩm văn học tuyệt hảo như trước. Nhà văn cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc viết để đoạt giải. Nhưng với những quy cách chấm giải như hiện nay thì đương nhiên, một nhà văn quan chức như ông sẽ “thống lĩnh” nhiều giải thưởng.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm