Người quan sát: Một đời hiến dâng

31/03/2023 04:45 GMT+7 | Thể thao

Khi chàng trai trẻ Khuất Văn Khang được xướng tên cho hạng mục "Gương mặt trẻ của năm", Giải Cống hiến 2023 - Báo Thể thao & Văn hoá, TTXVN, có lẽ nhiều người sẽ giật mình, khi Khang chỉ vừa đáp máy bay trở về từ Qatar, cùng đội tuyển U23 Việt Nam dự Doha Cup 2023. Đội bóng của Khang đã thua tan tác tại một giải đấu giao hữu tầm cỡ và các cầu thủ trẻ lĩnh hội được nhiều bài học bổ ích.

Khang mới vừa tròn 20 tuổi, và cũng tựa như đàn anh Lê Công Vinh, người trong vai trò Ban giám khảo Giải Cống hiến năm nay, sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp mới chỉ bắt đầu. Công Vinh khi mới 19 tuổi thậm chí đã đoạt Quả bóng vàng Việt Nam năm 2004. Nói thế để thấy rằng, ngay cả "thiếu niên anh hùng" như Khuất Văn Khang, vẫn sẽ phải phấn đấu nhiều, rất nhiều nữa là đằng khác.

Ở địa hạt bóng đá, Văn Khang không phải cái tên nổi nhất trong năm qua, nhưng là gương mặt được kỳ vọng nhất, vì tuổi đời còn trẻ. Nữ cầu thủ Huỳnh Như đã và đang quảng bá đất nước, con người Việt Nam bằng những màn trình diễn tuyệt vời ở Bồ Đào Nha; Quang Hải đã chinh chiến ở Ligue 2 của Pháp từ 2 năm qua; Công Phượng, Văn Toàn dù chưa tạo được nhiều dấu ấn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng cũng là rất đáng ngưỡng mộ cho sự dấn thân, dám nghĩ và dám hành động... Đấy cũng gọi là cống hiến.

Nhưng, đỉnh cao chói lọi của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng, một lần nữa, chúng ta vẫn phải nhắc đến các cô gái. Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh) chính là "Gương mặt của năm" và đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, với kỳ tích lọt vào VCK FIFA World Cup 2023, chắc chắn là "Chiến tích của năm". Đây là điều xưa không có, nay mới thấy lần đầu.

Vẫn còn rất nhiều các gương mặt, các tập thể tiêu biểu và hàng năm, chúng ta vẫn tôn vinh họ thông qua các cuộc bầu chọn, mà Giải Cống hiến Báo Thể thao & Văn hoá, TTXVN, tuổi lên 17, chỉ khiêm tốn ở một góc sàn diễn để ghi lại mà thôi. Chúng tôi e là sẽ rất khó đầy đủ, với chỉ 3 hạng mục giới thiệu.

Người quan sát: Một đời hiến dâng - Ảnh 1.

Khuất Văn Khang nhận giải Cống hiến

Thể thao đỉnh cao nói chung và bóng đá chuyên nghiệp nói riêng là sự hy sinh, thậm chí phải trả giá bằng máu, mồ hôi và tính mạng. Có những VĐV phải mang thương tật suốt đời vì tai nạn trong tập luyện hoặc thi đấu. Tất nhiên, cũng có cả những tấm gương, những thần tượng được xây dựng, cho mong ước nhanh hơn, cao hơn và xa hơn. Sự kết nối tuyệt vời của thể thao mang lại, quả rất khó nói hết.

Năm 2003, dù đội tuyển U23 Việt Nam chỉ giành HCB SEA Games 22 trên sân nhà, nhưng hàng triệu người đã đổ ra đường ăn mừng theo những đường bóng của Văn Quyến. Tình huống tương tự, thậm chí còn bùng nổ hơn, với ngôi á quân U23 châu Á giữa tuyết trắng Thường Châu 2018. Rồi các chức vô địch SEA Games 2019 & 2021; vô địch AFF Suzuki Cup 2018...

Năm 2008, đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và lạm phát trên diện rộng, thì chức vô địch AFF Suzuki Cup năm ấy của thầy trò HLV Henrique Calisto đã gần như thổi bay đi tất cả. Nụ cười xuất hiện nhiều hơn trên môi chúng ta và tất cả đều đã được chứng kiến, sự quật khởi tuyệt vời của cả nền kinh tế. Chúng tôi gọi đó là chức vô địch của mọi chức vô địch, đội tuyển của Lê Công Vinh và đồng đội năm ấy là đội tuyển của mọi đội tuyển.

Bóng đá có sức hấp dẫn và lôi cuốn và kết dính rất diệu kỳ là thế.

Dù làm việc, hoạt động trong bất cứ ngành nghề, địa hạt nào của xã hội, chúng ta đều có mong ước được cống hiến. Cho đời và cho mình. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay", nó không chỉ là khẩu hiệu, mà là tinh thần của chính chúng ta vậy.

Hãy Cống hiến và chúng ta sẽ không bao giờ phải hối tiếc! 


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm