12/06/2015 05:50 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Mặc quần áo ngụy trang và đổ mồ hôi đầm đìa dưới cái nắng của mùa Hè, Kento Atari cùng các đồng đội lặng lẽ trườn trong rừng, cố gắng phục kích nhằm tiêu diệt một nhóm quân địch.
"Tôi trúng đạn rồi" - một người hô lớn, đôi tay giơ lên cao, từ từ rời khỏi "chiến trường".
Chơi trận giả không giống với chiến tranh
Atari, 24 tuổi, cùng bạn của anh không phải những người lính mà chỉ đang chơi trò đánh trận giả, sử dụng các khẩu súng hơi bắn đạn nhựa. Họ là fan cuồng của cái gọi là "trò chơi sinh tử", hiện đang ngày càng trở nên phổ biến ở đất nước Nhật Bản, với những người lính chưa từng tham gia chiến tranh kể từ khi bại trận trong Thế chiến II.
Atari chơi trận giả tại Trại Devgru, một "chiến trường" nằm ở Đông Tokyo. Nhưng anh cho biết sở thích chơi trận giả không đồng nghĩa với việc đam mê chiến tranh. "Các trò trận giả giúp bạn thu lấy sự phấn khích mà bản thân ít có được trong cuộc sống thường nhật. Chơi trận giả rất thú vị, giống như một môn thể thao vậy" - Atari nói khi nghỉ ăn trưa tại Trại Devgru trong một chiều thứ Bảy gần đây - "Nhưng chơi trận giả không giống với chiến tranh. Tôi chống lại chiến tranh."
Atari và bạn bè cho biết chơi trận giả khiến họ giải tỏa căng thẳng, được vận động và thỏa mãn niềm đam mê với súng ống cùng các bộ trang phục quân sự. Phần lớn những người chơi trò này là nam giới, nhưng thi thoảng cũng có các cô gái thai gia. Trại Devgru thậm chí còn mở sự kiện "Ngày của các ông bố", dành riêng cho các ông bố và con của họ.
"Đây chỉ là một trò chơi mà thôi" - Takuya Oki, 24 tuổi, chia sẻ với Reuters - "Bản thân tôi chống lại chiến tranh".
Thái độ của Atari và bạn anh cho thấy rõ sự dị ứng của dư luận Nhật Bản với chiến tranh, bất chấp việc đã xuất hiện nhiều mối đe dọa mới gây lo ngại, như từ một Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo hơn trên các vấn đề biển đảo. Thái độ này sẽ là trở ngại lớn, khi Thủ tướng Shinzo Abe muốn triển khai một chính sách quốc phòng mạnh mẽ hơn.
Chưa chấp nhận việc dùng quân đội khuếch trương sức mạnh
Một cuộc thăm dò trên 64 quốc gia, do tổ chức WIN kết hợp với Viện Gallop International cho thấy Nhật Bản xếp thấp nhất về tỷ lệ người sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc - chỉ 11%, so với 74% ở Trung Quốc, 44% ở Mỹ và 27% ở Anh.
Tuy nhiên con số trên đã che giấu một thái độ phức tạp hơn của người Nhật Bản với chiến tranh. Theo đó, người Nhật không phải những cá nhân thuần túy yêu hòa bình và né tránh việc sử dụng bạo lực. Thực tế, họ không muốn bị kéo vào cuộc chiến của những kẻ khác.
Nhật Bản lâu nay vẫn đang sống trong khuôn khổ một hiến pháp thời hậu chiến, trong đó điều 9 có cấm việc xây dựng một đạo quân nào khác ngoài lực lượng phòng vệ, hiện đã lớn hơn cả quân đội Anh. Nhiều đời chính quyền ở Nhật Bản cũng lặp lại quan điểm rằng "lực lượng phòng vệ" chỉ có vai trò bảo vệ đất nước trước mối đe dọa bên ngoài.
"Có thể thấy, dân Nhật có thái độ chống những kẻ quân phiệt, nhiều hơn là trở thành người yêu hòa bình thuần túy" - Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Honolulu, cho biết.
"Họ đã chấp nhận việc cần phải có hoạt động tự vệ (trước mối đe dọa từ bên ngoài). Nhưng họ vẫn chống lại việc sử dụng vũ lực như một phương tiện khuếch trương sức mạnh" - ông nói.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Abe đang muốn thay đổi, mở rộng quy mô các hoạt động quân sự của Nhật Bản ở nước ngoài, sửa hiến pháp để cho phép việc bảo vệ một quốc gia thân thiện đang bị tấn công, hoặc cùng nước khác thành lập hoạt động phòng thủ để tự vệ. Các dự luật dẫn tới những thay đổi này đang được thảo luận ở Quốc hội Nhật Bản.
Cuộc tranh luận về hoạt động sửa luật đã chia đôi dư luận Nhật Bản. 48% những người trả lời cuộc thăm dò của tờ Yomiuri đã phản đối sự thay đuổi luật, trong khi 40% ủng hộ. 8% nói rằng những lời giải thích của chính quyền về động cơ thay đổi luật là chưa đủ.
Khi được hỏi bản thân sẽ có phản ứng gì nếu Nhật Bản bị xâm lược, một số fan ở Trại Devgru nói rằng họ sẽ chạy trốn. Số khác đặt hy vọng vào đạo quân chuyên nghiệp của Nhật Bản.
Cá nhân Atari thì nói mình sẽ cầm súng chiến đấu. "Chúng tôi không thể lúc nào cũng dựa vào sự bảo vệ của Mỹ" - anh nói, cho biết thêm rằng mình thậm chí có thể ủng hộ việc điều lính Nhật đi bảo vệ một quốc gia thân thiện, nếu chính quyền đưa ra lý do hợp lẽ cho việc này.
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất