14/07/2012 13:41 GMT+7 | Âm nhạc
Một điều thú vị là, khi biết người phỏng vấn làm việc tại báo TT&VH, Lê Ngọc Anh Kiệt đã cởi mở hơn. Anh cho biết hàng tuần đều đọc báo TT&VH Cuối tuần được bày bán tại Chợ của người Việt ở Berlin. Với hình thức khá đẹp của TT&VH Cuối tuần như hiện nay, anh còn tưởng báo phải in ở Tiệp hoặc Đức!!!
Nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt kể:
- Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Bố tôi là nghệ sĩ Lê Tiến Trạch chơi kèn Trompet và được biết tới tại Sài Gòn từ trước 1975. Mẹ tôi là nhà viết kịch. Em tôi là Lê Ngọc Anh Dũng là nghệ sĩ xiếc, nay định cư tại Mỹ. Còn Lê Ngọc Tuấn Anh là đạo diễn của chương trình Làng tôi được hâm mộ tại Pháp. Việc tôi học Violin hoàn toàn tình cờ. Nhưng trong gia đình tôi ai cũng học nhạc, kể cả các con tôi hiện nay cũng học violin và piano vì tôi muốn cho các cháu khả năng cảm thụ âm nhạc. Vợ tôi cũng rất yêu ca hát, có thể hát suốt ngày.
Tôi học violin hệ trung cấp tại Nhạc viện TP.HCM và trở thành học trò của GS Bùi Công Thành. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời là khi tôi được học bổng du học tại Nhạc viện Leningrad. Tại đây, tôi được GS nổi tiếng Komarova giảng dạy. Lúc tôi tốt nghiệp là khi gia đình đã định cư tại Đức, nên tôi đã làm việc ở đó hơn hai năm trước khi quay trở lại Nga và tiếp tục học thầy Bùi Công Thành. Thầy Thành không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn lớn có thể chia sẻ với tôi những băn khoăn hoặc kế hoạch tương lai. Năm 1995, tôi bắt đầu làm việc tại Dàn nhạc . Đến năm 2007, tôi trở thành biên chế chính thức của Berliner Symphoniker.
* Việc anh thúc đẩy đưa Berliner Symphoniker đến biểu diễn tại VN có phải xuất phát từ mong muốn trở về quê hương?
- (Cười) Cũng không hẳn. Năm ngoái tôi đã diễn một chương trình tại TP. HCM. Trước đó một thời gian rất lâu tôi chưa về VN vì lý do làm việc và thời gian chưa thích hợp. Nhưng quả thực nếu xem ba buổi diễn sắp tới tại Nhà hát Lớn HN với ba chương trình hoàn toàn khác nhau, bạn sẽ hiểu mong muốn đến cháy bỏng của chúng tôi khi đưa dàn nhạc về biểu diễn những tác phẩm cổ điển đại chúng. Tôi nghĩ, đó là một đóng góp nho nhỏ.
* Thực tế anh không phải trường hợp duy nhất sau khi được nhà nước tài trợ đi học ở nước ngoài rồi thì không trở về. Nhiều người còn cho rằng, chúng ta đang “chảy máu” tài năng âm nhạc cổ điển…
- Vâng, đó là do tình cảnh của mỗi người. Nhưng nói thực, ai cũng có lòng nghĩ về đất nước và mong muốn mang kinh nghiệm về đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc VN.
* Về VN thì họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ điển hình là Bùi Công Duy, anh ấy vẫn phải hưởng lương theo hệ số như một công chức, mà theo chia sẻ thì chỉ 2-3 triệu đồng/tháng?
- Lý do của riêng tôi chưa về quê hương hoàn toàn cá nhân. Nhưng tôi rất khâm phục nhiều bạn trẻ về VN gặp khó khăn mà vượt qua và thành công. Việc Bùi Công Duy đưa được một dàn nhạc hàng trăm người về VN là một nỗ lực rất lớn.* Một câu hỏi không mới: Anh đánh giá thế nào về nền âm nhạc cổ điển VN?
- Âm nhạc VN so với 20 năm trước đã có tiến bộ vượt bậc. Tôi không thể tưởng tượng hiện tại, Dàn nhạc Giao hưởng VN có thể chơi được những tác phẩm đồ sộ của Mahler. Các buổi biểu diễn thì có đông người nghe. Và quan trọng, chúng ta đang có rất nhiều solist trẻ tài năng.
* Nhiều năm rồi, người ta đã đi tìm câu trả lời rằng âm nhạc cổ điển VN ở đâu trên bản đồ âm nhạc cổ điển thế giới? Thực tế, trước kia, âm nhạc cổ điển Thái Lan, Campuchia thua xa VN, nay họ đã vượt xa, đấy là chưa kể đến những “người khổng lồ” trong âm nhạc như Nhật Bản, Hàn Quốc…
- Tôi không nghĩ vậy. Không thể so âm nhạc với bóng đá mà có thứ hạng cao thấp. Âm nhạc VN có nhiều điểm rất đặc biệt. Bản thân tôi muốn giới thiệu và phổ biến âm nhạc Việt ở châu âu. Ngoài việc thành lập một trường nhạc dạy trẻ em Việt, tôi đã khởi xướng thành lập một tứ tấu đàn dây có tên BESA gồm có tôi và 3 nhạc công người Đức. Chúng tôi thường xuyên giới thiệu những tác phẩm âm nhạc dân gian VN chuyển soạn cho đàn dây, như Trống Cơm hoặc các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Điểu.
Một chuyện cũng không vui lắm là 2 năm sau khi tôi làm việc tại dàn nhạc Berliner Symphoniker, ông nhạc trưởng Lior Shambadal hỏi tôi là người nước nào, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tôi hơi phật ý trả lời rằng tôi là người Việt Nam. Ông ấy lại vô cùng ngạc nhiên và hỏi, thế VN cũng có nhạc cổ điển à. Tôi bắt đầu thấy tức và sau đó đưa những bài nhạc Việt trên youtube cho ông ấy xem thì ông ấy tỏ ra thích thú. Đó có thể cũng là lý do mà ông ấy quyết định đưa dàn nhạc này đến VN.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất