06/07/2012 06:55 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Một vấn đề nghiêm túc, thậm chí hơi… nghiêm trọng (hay được cho là như vậy), bởi vậy tuần này GPRS không thể viết những câu chuyện đùa, mà lần này là một câu chuyện thật, được ghi từ hàng ghế khán giả chương trình Bài hát Việt 2012 vừa diễn ra Chủ nhật tuần rồi.
Khi thói quen hết sức bình thường của giới trẻ được đưa vào ca khúc và tôn vinh trên sân khấu lớn thì có phải, đó là khi cả lối sống và đề tài của không ít bạn trẻ, tác giả trẻ đang… bế tắc hoặc thụt lùi?
Vẫn mãi như thế, ai uống hay chưa?
Không hẹn mà live show đầu tiên của chương trình Bài hát Việt 2012, tối 1/7/2012, có hai ca khúc mang nội dung về thói quen của giới trẻ: Sài Gòn cà phê sữa đá (Hà Okio) và Hà Nội trà đá vỉa hè (Đinh Mạnh Ninh). Sài Gòn cà phê sữa đá, Hà Okio sáng tác và biểu diễn, là một bản rap dễ nghe, tiết tấu khá lôi cuốn. Còn Hà Nội trà đá vỉa hè được nhạc sĩ phối khí tỉa tót tương đối sinh động và phần thể hiện pha trộn R&B và rap của Đinh Mạnh Ninh (cũng là người sáng tác) là điểm cộng cho ca khúc này. Hai khách mời, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, nhà báo Dương Bình Nguyên đã dành nhiều lời khen cho cả hai bài hát, thậm chí, coi đây là những ca khúc xuất sắc, mới lạ nhất của đêm mở màn Bài hát Việt 2012.
Không ít người cũng có cảm tình với những tác phẩm kiểu này vì nó viết về đề tài gần gũi, dễ thấy trong cuộc sống. Nhưng “khó tính” một chút với những câu chuyện được thể hiện trong hai bài hát nói trên, có cảm giác các tác giả bộc lộ góc nhìn, lối tư duy đơn giản, không có gì là mới lạ hay xuất sắc như những lời được khen tặng. Chuyện “cà phê sữa đá” hay “trà đá vỉa hè” được lấy làm đề tài thì đây thuộc về thói quen, phong trào hơn là văn hóa, lối sống văn minh.
Ngay trong phần ghi hình phát biểu của nhạc sĩ trước khi ca khúc Hà Nội trà đá vỉa hè được trình diễn, tác giả trẻ kiêm ca sĩ Đinh Mạnh Ninh cũng cho biết anh viết ca khúc từ chính thói quen thường ngày của mình và bạn bè. Ca khúc của chàng ca sĩ triển vọng Sao Mai - Điểm hẹn 2010 đã vẽ lại hình ảnh những cuộc hẹn hò, gặp mặt, với ly trà nhiều đá, thêm đĩa hạt hướng dương, bao thuốc lá Vina, thoải mái, tự do chém gió, buôn chuyện dông dài. Khó có thể phán xét đây là chân dung không đẹp về giới trẻ nhưng liệu có thể bắt bẻ nếu nói đây không phải là một hình ảnh tiến bộ, văn minh của lối sống đô thị? Thói quen hay tạm coi là văn hóa vỉa hè, bên cạnh những điểm hay thì thực tế cũng bộc lộ không ít điểm dở, đó là sự nhếch nhác, thiếu vệ sinh, nguy cơ bệnh tật từ trà chanh bẩn (mà báo chí đã phản ánh), lấn chiếm vỉa hè, ùn tắc giao thông.
Hình ảnh người trẻ ngồi đồng, tụ tập trà đá, xả rác, phả khói thuốc, hí hoáy bấm iPhone và sẵn sàng… chạy, hẳn không thể là hình ảnh sẽ được lưu truyền về lối sống hay nét đẹp văn hóa cần giữ gìn, nhân rộng trong thế giới hội nhập. Có chăng, đó là hình ảnh có phần ngược đời về chuyện “trẻ uống trà, già tập thể dục”, khi mọi thứ có xu hướng tràn ra lề đường.
Một ca khúc nhạc trẻ, mang phong cách phóng khoáng thì không cứ phải nói đến những vấn đề đao to búa lớn hay thể hiện thông điệp nặng nề. Và với người sáng tác nhạc rap, hip hop… thì ca từ, giai điệu thường phải gần gũi với đời thường, sáng tạo, mang hơi thở cuộc sống… Ở nhiều ca khúc riêng hay những ca khúc cộng tác với các ca sĩ khác, Hà Okio đã thể hiện rất đạt điều này.
Tuy vậy, khi người sáng tác chọn viết về đề tài xã hội thì vẫn cần góc nhìn riêng về đời sống với nhãn quan, vốn sống, cá tính riêng, chứ không cứ phải nhìn vào xu hướng đám đông. Với Sài Gòn cà phê sữa đá, bài hát đã từng được thể hiện trước đó trong chương trình Bài hát yêu thích, hoàn toàn không có điều này. Chỉ là những tâm sự, lời lẽ nhạt còn thua những câu chuyện nhiều bạn trẻ trao đổi nơi vỉa hè: “Nơi đây là nơi bọn tôi vẫn nhớ như là mới hôm qua/Ngồi cà phê nơi công viên quán xá bên đường có đâu xa/Huyên thuyên cùng nhau vài câu chuyện rồi lại bận bịu lo việc riêng/Đôi khi ngồi chơi, nghỉ ngơi chốc lát, khi đời mãi bôn ba…”. Tác giả bài hát này không rõ có biết cà phê vỉa hè Sài Gòn hiếm khi là cà phê thật, nguyên chất; trộn thêm rất nhiều đá sẽ phá nát hương cà phê và người bán phải thêm rất nhiều chất tạo đắng để làm “giả” vị. Lợi hại gì cho sức khỏe thì người ta còn tranh luận nhưng chắc chắn khó có thể coi phần lớn cà phê sữa đá vỉa hè là ngon thực sự, để thưởng thức thay vì uống theo thói quen hoặc chỉ lấy đó làm “mồi” cho câu chuyện.
Thế hệ tôi ba chục đã quá già…
Cũng chính trong live show Bài hát Việt 2012 còn có ca khúc Sợ chết của Đồng Lan, là một trường hợp thú vị khi bài hát này được sáng tác dựa trên hiện trạng chung của giới trẻ hiện nay, đó là sống vội, không biết quý trọng sự sống. Và thông điệp của bài hát là sự trân trọng từng giây phút của sự sống, phải biết “sợ chết” để sống có ý nghĩa hơn từng ngày. Sợ chết ngay sau đó đã đoạt giải Bài hát của tháng.
Từ sân chơi Bài hát Việt, bước vào không gian mạng có thể bắt gặp một bài thơ có tựa Thế hệ tôi của Gia Hiền được lan truyền liên tục suốt từ tháng 5/2012 đến nay, đã khiến nhiều người trẻ sửng sốt, khi cũng có liên tưởng đến chuyện trà đá vỉa hè:
… Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!
Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc iPhone
Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hếtKhông ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?...
Không ngờ, từ chuyện trà đá, cà phê sữa vỉa hè, khi “tự vấn” bản thân thì cũng có thể tạo nên một góc nhìn nhức nhối.
Danh Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất