Alice In Wonderland nêu kỷ lục

10/03/2010 10:13 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Bộ phim mới của đạo diễn Tim Burton đã thu về 210 triệu USD trên quy mô toàn cầu trong dịp cuối tuần đầu tiên trình chiếu. Như vậy, Alice In Wonderland đã trở thành tác phẩm điện ảnh có cuộc ra quân thành công nhất trong số các phim trình làng vào mùa Đông từ trước đến nay. Điều đáng chú ý là phần lớn doanh thu của nó tới từ các bản phim 3-D.

Soán ngôi khai màn

Khi Avatar bước vào giai đoạn thoái trào sau 3 tháng “chạy hết tốc lực” thì đó cũng là lúc Alice In Wonderland của studio Walt Disney ra rạp. Phim kể về Alice, giờ đã bước vào tuổi 19, vô tình trở lại Underland, mảnh đất thần tiên mà cô từng viếng thăm trước đó 13 năm. Tại đây, Alice được thông báo rằng cô là người duy nhất có thể giết Jabberwocky, một con rồng nằm dưới sự kiểm soát của Nữ hoàng Đỏ. Đạo diễn Burton nói rằng do cốt truyện gốc nói về chuyến đi chơi vô định của một bé gái, trong đó cô gặp hết nhân vật này tới nhân vật khác, nên ông đã phải tìm cách thay đổi để khiến phim giống một câu chuyện hơn là một chuỗi các sự kiện.


Một cảnh trong phim Alice In Wonderland
Kể từ khi được phát hành vào hôm 5/3, phim này nhanh chóng thống trị các phòng chiếu 3-D và mang lại doanh thu 210 triệu USD. Giống như “quả bom tấn” Avatar do James Cameron dàn dựng, tác phẩm chuyển thể từ truyện cổ tích với sự tham gia của ngôi sao Johnny Depp đã có 70% doanh thu từ các bản phim 3-D. Điểm đáng chú ý là Alice In Wonderland đã đánh bại kỷ lục cuối tuần đầu tiên ra rạp của Avatar và qua đó trở thành phim trình chiếu vào mùa Đông có cuộc xuất quân thành công nhất, ngay cả khi tính tới sự trượt giá. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, phim này đã thu về 116 triệu USD. Tại những thị trường khác, nó có thêm 94 triệu USD và đây cũng được xem là một kỷ lục mới. “Sau Avatar, khán giả nói rằng họ đã sẵn sàng cho một thế giới 3- D tiếp theo và tuần đầu tiên trong tháng 3 quả là thời điểm lý tưởng để thỏa mãn khát khao đó” - Chủ tịch studio Disney Rich Ross nói.

Thành tích của Alice In Wonderland có được nhờ nó đã xuất hiện tại nhiều phòng chiếu phim 3-D hơn Avatar. Nguyên nhân là vì nhiều rạp đã nhanh chóng bổ sung phòng chiếu 3-D, do “cơn khát” dạng phim này quá lớn. Và quả thực khi doanh thu của Alice In Wonderland đổ về, người ta mới nhận ra rằng khán giả sẵn sàng trả thêm tiền để được du ngoạn trong thế giới tưởng tượng do Disney vẽ nên. “Trong các rạp chiếu phim nhiều định dạng, chúng tôi thấy rằng vé xem tại những phòng chiếu IMAX 3-D dễ dàng được bán hết veo. Tiếp đó là các phòng chiếu phim 3-D thường rồi mới tới 2-D” - Chủ tịch phụ trách phân phối của Disney, Chuck Viane, tiết lộ.

Dù đối tượng chính của Alice In Wonderland là những cô gái trẻ, việc vé bán ào ạt suốt cả ngày lẫn đêm cho thấy nó thu hút nhiều loại khán giả hơn thế. Theo Viane, các buổi trình chiếu vào rạng sáng thứ Sáu tuần trước đã mang lại 4 triệu USD, với doanh thu tới chủ yếu từ đối tượng thanh niên. Trong ngày hôm đó, Alice In Wonderland tiếp tục “hốt” được 41 triệu USD tại Mỹ và Canada khi những gia đình có con gái đã cùng nhau đi xem vào buổi chiều tối, còn các cặp nam thanh nữ tú thì đặt vé xem lúc nửa đêm. Trong ngày tiếp theo, bộ phim của Burton thu về 44,3 triệu USD với đối tượng khán giả chính là các gia đình Mỹ...

Khó đoạt ngôi vương

Các bản phim 3-D đã giúp tăng mạnh lượng vé bán ra của Avatar và tính đến nay, doanh thu mà nó đạt được là vào khoảng 2,6 tỷ USD. Alice In Wonderland sẽ khó vượt qua con số khổng lồ này bởi phần lớn các rạp 3-D đã chuẩn bị để chiếu phim hoạt hình How To Train Your Dragon của hãng DreamWorks vào ngày 26/3. Điều đó cũng cho thấy thị trường phim 3- D bắt đầu trở nên đông đúc.


Việc khán giả háo hức xem phiên bản 3-D giúp mang lại thành công doanh thu
cho Alice In Wonderland

Trước mắt, những lời truyền miệng về sự hấp dẫn của Alice In Wonderland sẽ vẫn là động lực rất mạnh để nó có thêm nhiều doanh thu. Rất đông khán giả rời phòng vé đã dành cho phim này điểm A- (kết quả từ công ty thăm dò CinemaScore), dù các đánh giá của giới phê bình cho kết quả nhiều chiều hơn. Bên cạnh đó, Disney sẽ được hưởng lợi từ việc sang tuần tới, giới học sinh Mỹ bắt đầu kỳ nghỉ mùa Xuân. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình sẽ rủ nhau tới rạp chiếu phim hơn.

Giới phân tích cho rằng, Alice In Wonderland lẽ ra đã không lập kỷ lục doanh thu bởi hoạt động chiếu phim này ở châu Âu suýt chút nữa đổ bể. Nguyên nhân là do “sáng kiến” của Giám đốc điều hành hãng Walt Disney, Robert Iger, về việc tung ra bản DVD của phim chỉ 12 tuần sau khi nó được chiếu trên màn ảnh lớn. Nhiều chuỗi rạp đã đe dọa sẽ không chiếu phim này bởi họ chỉ có thời gian quá ngắn để thu lãi. Hai bên đã có cuộc đối đầu căng thẳng cho tới phút chót. Chung cuộc, Alice In Wonderland đã thu về 16,8 triệu USD từ Anh. Đây là phim có doanh thu mở màn cao nhất tại xứ sương mù trong tháng 3. Nó cũng có doanh thu rất tốt tại Italia, Nga... “Thật vui khi có đủ chỗ ngồi cho tất cả các khán giả” - Viane nói. Disney ước tính rằng các quốc gia trình chiếu Alice In Wonderland vào tuần trước chiếm tới 60% tổng doanh thu quốc tế của phim này. Tác phẩm mới của Burton hiện vẫn chưa được chiếu tại một số thị trường quan trọng khác như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil.

Để có thành quả ngày hôm nay, Disney sẽ phải cảm ơn cựu Chủ tịch Dick Cook, người bị sa thải hồi tháng 9 năm ngoái. Alice In Wonderland là một trong các dự án mà Cook bỏ lại khi ông ra đi. Mặc dù đội ngũ lãnh đạo mới thay thế Cook đã thành công trong chiến dịch tiếp thị cho bộ phim, bao gồm việc tổ chức một cuộc vận động mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook và đăng đoạn quảng cáo gây tranh cãi ngay ở trang nhất tờ Los Angeles Times, chính Cook mới là người có công khi thông qua dự án mạo hiểm trị giá 200 triệu USD này. Đích thân Chủ tịch Ross cũng phải thừa nhận điều đó khi trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times: “Disney đã tạo ra rất nhiều tuyệt tác điện ảnh, trong đó phải kể tới công lao những người tiền nhiệm của tôi, các cá nhân đã phát triển và sản xuất bộ phim này”.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm