08/03/2011 11:06 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - UBND TP.HCM vừa thông qua đề án thay mới 1.680 xe buýt với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2015 của Sở GTVT. Người dân có phản ứng đồng tình với việc thay thế nhiều xe buýt đã cũ gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường bằng xe mới hiện đại hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt lại tỏ ra “thờ ơ” đối với một đề án mang tính “đột phá” như thế.
Trao đổi với đại diện của một số đơn vị kinh doanh xe buýt, các xã viên, họ đều cho rằng: đề án thiếu tính khả thi vì khó kham nổi gánh nặng trả nợ ngân hàng trong khi tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn và thay mới xe buýt trong lúc này là lãng phí?
Thay mới vì xe cũ đã xuống cấp
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ thay mới 1.680 xe buýt các loại, trong đó có 571 xe loại 80 chỗ, 409 xe loại 55 chỗ và 700 xe loại 40 chỗ. Tổng kinh phí thực hiện đề án là khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Toàn bộ xe thay mới phải đáp ứng Tiêu chuẩn 22 TCN 302-06, có khí thải từ Euro III trở lên hoặc sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén CNG.
Những chiếc xe buýt như thế này sẽ được thay mới?
Đề án mới này thực hiện theo hình thức kêu gọi các công ty, HTX đầu tư mua xe và kinh doanh, nhà nước hỗ trợ một phần chi phí mua mới bằng cách hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi và trợ giá khi hoạt động. Theo đề án, các đơn vị kinh doanh chỉ phải trả trước 30% giá trị xe, 70% còn lại sẽ vay ngân hàng trong thời hạn 7 năm với sự hỗ trợ một phần lãi suất vay cố định của nhà nước là 6,48%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại thì doanh nghiệp phải trả. Thực hiện đề án này, ngân sách của thành phố sẽ phải tiêu tốn gần 302 tỉ đồng cho khoản hỗ trợ lãi suất vay.
Để đáp ứng nguồn kinh phí thực hiện đề án, Sở GTVT sẽ đề xuất UBND TP.HCM cho phép bán thanh lý gần 2.000 xe buýt đã đầu tư từ năm 2003.
Phía đơn vị vận tải nói gì?
TP.HCM hiện có khoảng hơn 3.200 xe buýt các loại, trong đó hơn 1.300 xe buýt được thành phố đầu tư từ năm 2003, còn lại là xe của các HTX, doanh nghiệp vận tải... Hầu hết xe hiện đều rệu rã, xả khói đen gây ô nhiễm môi trường cần thiết phải thay mới.
Theo bà Tạ Thị Hồng Thanh, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng: Đơn vị chúng tôi đang tham gia đề án 1.318 xe buýt từ năm 2003, nên HTX đã từ chối Sở GTVT tham gia đề án 1.680 xe buýt. Vì hiện nay, xe của HTX có chiếc chỉ vận hành 7 năm, có chiếc chỉ được 4 - 5 năm nên xe đang còn rất mới và thời gian được phép sử dụng của xe buýt lên đến 20 năm. Mặt khác, số tiền nợ nhà nước của đề án 1.318 xe buýt còn chưa trả xong, tình hình kinh doanh khó khăn nên thực sự doanh nghiệp chúng tôi không dám tham gia đề án 1.680 này.
Cùng quan điểm trên, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải hành khách TP.HCM nhìn nhận: Hiện nay hệ thống xe buýt của Liên hiệp HTX vẫn còn sử dụng được 10 năm nữa vì vậy nếu thay mới thì quá lãng phí. Trong khi tình hình kinh tế, tài chính khó khăn nhưng lại “đổ” tiền mua xe buýt mới thì quả là chưa hợp lý lắm. Hơn nữa, với mức hỗ trợ lãi suất vay cố định là 6,48%/ năm như đề án sẽ làm khó khăn cho doanh nghiệp vì trên thực tế lãi suất mà các công ty phải vay của ngân hàng hiện nay trên dưới 20%/năm.
Về vấn đề lãi suất, theo một số xã viên của HTX thì mức lãi suất ưu đãi hơn 6%/ năm của UBND TP cũng không “mặn mà”. Nếu đem so sánh với đề án 1.318 xe buýt từ năm 2003, các HTX khi mua xe được hưởng ưu đãi tại thời điểm đó là 0,25%/tháng và không cần phải bỏ thêm số tiền ban đầu nào cả. Trong khi theo đề án 1.680 xe buýt thì các HTX, doanh nghiệp phải trả trước 30% , cho dù được hỗ trợ mức lãi suất 6,48 %/năm thì các HTX vẫn cảm thấy rất “phiêu lưu” khi tham gia đề án này.
Tuy nhiên, nhìn nhận về chất lượng xe buýt đang đưa vào hoạt động kinh doanh hiện nay, hầu hết các xe đang trong tình trạng xuống cấp, không đảm bảo về tiêu chuẩn xả thải, an toàn kỹ thuật. Do vậy việc thay mới xe buýt là cần thiết phải làm nhưng vấn đề đặt ra là làm như thế nào để đề án được triển khai hiệu quả mới quan trọng.
Thái Nguyên - Anh Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất