Hai lần gặp nhà thơ Hữu Loan

20/03/2010 11:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Lần đầu tiên chúng tôi về thăm nhà thơ Hữu Loan vào một ngày cuối tháng 3 âm lịch năm 2007. Phải mất cả chục lần hỏi thăm chúng tôi mới tìm đến nơi. Ngôi nhà nhỏ của nhà thơ Hữu Loan nằm cuối thôn Vân Hoàn, nép dưới những bóng dừa yên ả. Căn nhà vắng hoe khi chỉ có hai ông bà mỗi người nằm một góc. Lão nhà thơ nằm ở gian giữa còn bà Nguyễn Thị Nhu nằm co ro ở góc bên trái. Bà vừa mới bị ngã gãy chân, phải bó bột chưa đi được. Còn lão nhà thơ thì từ lâu mỗi khi đi lại đều cần người giúp đỡ.

1. Trong căn nhà âm u bởi mùi những chiếc bô lâu ngày chưa đổ chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ngổn ngang những cây luồng buộc ngang dọc. Hỏi ra mới biết người nhà làm thế để ông bà có cái vịn đi lại. Nghe chúng tôi từ Hà Nội về thăm, ông chỉ cười tủm tỉm, bảo bà pha trà rót nước mời khách. Nhưng vết đau ở chân khiến bà không thể nào gượng dậy nổi.


Vợ chồng nhà thơ Hữu Loan

Tôi dìu bà ra ngồi trước căn nhà mái ngói mà người yêu thơ mới xây tặng rồi quay sang dìu ông ra ngồi trong chiếc ghế nhựa đặt bên cạnh. Thú thật tôi cảm thấy ngộp thở khi bước vào căn nhà âm u ấy.

Chúng tôi gửi tặng ông dăm chai rượu quê, mấy gói bánh mua từ Hà Nội và mấy quả ổi hái ở cây 300 năm tuổi gần đền Bà Triệu. Cây ổi thiêng có vị thơm giòn nức tiếng cả vùng. Ông bảo chúng tôi mở chai rượu quê Nga Sơn trong veo để nhắm với ổi. Bà Phạm Thị Nhu, người bạn đời của ông bảo ông thích nhất là ăn ổi, nhắm rượu suông với ổi. Ông đeo hàm răng giả vào gặm ổi ngon lành như trẻ thơ và không ngớt lời khen ổi ngon. Vừa nhâm nhi chén rượu ông kể cho chúng tôi nghe đủ nỗi thăng giáng cuộc đời.

Câu chuyện của chúng tôi thi thoảng lại bị cắt ngang khi có người đi qua ghé vào thăm. Có người giáo viên dạy văn phương xa ghé chơi ôm lấy ông rồi lại vội vội vàng vàng đi ngay kẻo trễ giờ tàu. Có người bà con sang năn nỉ hỏi vay tiền cho con đi xuất khẩu lao động nước ngoài dẫu biết ông bà chẳng có nhiều nhặn gì. Bà bảo ở làng này ai có việc gì cũng chạy sang nhờ cậy hai ông bà già sắp gần đất xa trời.

Chúng tôi không cầm nổi lòng mình khi biết thức ăn hàng ngày của hai ông bà là những gói cháo ăn liền hòa với nước sôi. Mấy hôm nay có người con gái út là họa sĩ ở Hà Nội về chăm nom nên còn có thức ăn tươi. Còn mỗi khi bà nằm xuống không chạy chợ được là quay lại với điệp khúc cháo ăn liền cho dễ ăn dễ tiêu, lại tiết kiệm.

Chúng tôi ở chơi đến giờ chiều thì người con gái út của ông bà về cặm cụi ở dưới bếp, lặng lẽ như một tiếng thở dài. Trước khi tạm biệt ông bà ra về có hai cán bộ giáo dục ở Sở GD&ĐT Thanh Hóa ghé qua tặng ông cuốn sách có in bài thơ Hoa lúa và mấy trăm ngàn nhuận bút. Ông dặn bà cất đi để mai kia trả tiền điện thoại. Rồi lại thong thả nhâm nhi ly rượu và khẽ khẽ ngâm mấy câu thơ như chẳng vướng bận gì cuộc sống thường nhật.

2. Gần một năm sau, vào mùa Hè năm 2008, chúng tôi lại có dịp ghé qua nhà ông chơi. Quang cảnh dường như chẳng có gì thay đổi. Duy chỉ có giàn mướp là đang rộ hoa vàng ươm quả sà xuống trước mái hiên lúc lỉu. Có điều ông đã yếu đi nhiều, tay cầm ly rượu run run đưa lên miệng đã trào ra quá nửa.

Bà bảo dạo này ông thường xuyên mất ngủ, rượu cũng chẳng còn muốn uống nữa. Những người trong đoàn lần đầu tiên đến thăm ông không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy lão nhà thơ gầy rộc đi trong bộ quần áo pijama cũ. Ông vẫn kể lại câu chuyện về hình ảnh người con gái trong bài Màu tím hoa sim với mọi người không bỏ sót chi tiết nào. Ông bảo mấy hôm nay mệt nên không uống được rượu, hẹn chúng tôi dịp khác về cùng uống rượu hàn huyên. Trước khi chia tay ông cầm tay chúng tôi như muốn níu lại mà không nói nên lời.

Chúng tôi ra về, không ai bảo ai nhưng ai cũng thầm nhắc nhất quyết sẽ có lần trở lại nơi đây để cùng ông uống hết chai rượu mà ông đã hẹn.

Thế mà... ông đã ra đi trước khi chúng tôi kịp trở về. Nhà thơ Hữu Loan đã thôi ở trọ trần gian để về với cõi vĩnh hằng. Ông lặng lẽ trở về với đất mẹ, về với người con gái của Màu tím hoa sim để lại cho chúng ta những vần thơ mãi còn day dứt “Anh có biết chăng/ Những đêm dài em khóc/ Đầy như giếng mưa/ Câm như bồ thóc/.


Trương Xuân Thiên (Nhà thơ trẻ)

Hữu Loan và những bài thơ rứt ruột

Nhà thơ Hữu Loan. Ảnh chụp ngày 13/3/1995. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Ông sinh ngày 2/4/1916 (Bính Thìn) tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa từ trần lúc 19h ngày 18/ 3/2010 (Canh Dần) tại quê nhà, thọ 95 tuổi. Hữu Loan còn có tên đời là Nguyễn Văn Dao, Sắt Đỏ, Tốt Đỏ, Binh Nhì... Tên chợ là Ông già Vườn Lồi (Phù Viên Lỗi). Suốt cuộc đời, Hữu Loan làm thơ rất ít và chưa từng xuất bản một thi phẩm nào, chỉ có một số bài được phổ biến đây đó như Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Hoa lúa, Tình Thủ đô,... Thế nhưng địa vị của ông trong lòng người yêu thơ, trong lịch sử văn học, đặc biệt là ở khía cạnh cách tân thơ (ví dụ bài Đèo Cả) thì khó mà phủ nhận. 

Cuộc đời Hữu Loan là chuỗi dài những lận đận, cuộc sống đầy khó khăn và gian khổ. Trong tiểu sử tự viết, ông chỉ nói ngắn gọn, nhưng cũng đầy thử thách: “Từ 1936 đến 1942 làm cách mạng trong phong trào học sinh và nhà trường. Từ 1943 đến 1945 về đi cày và đánh cá, làm Việt Minh và làm khởi nghĩa ở huyện nhà. Cùng năm làm Ủy ban lâm thời tỉnh, phụ trách 4 ty Giáo dục, Thông tin, Công chính và Thương chính. Rồi lại về đi cày và đánh cá nuôi bố mẹ già. Từ giữa năm 1946 đến 1951, được mời làm chủ bút báo Chiến sĩ Quân khu IV ở Huế. Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, có điện mời ra làm biên tập cho báo Văn nghệ, được mời vào làm hội viên Hội Nhà văn. Sau đó lại về đi cày, đi thồ, từ 1958 cho đến giờ (cuối 1987)”. Từ 1988 đến cuối đời, Hữu Loan sống ẩn dật tại quê nhà, thủy chung với quan điểm về thơ, về cách sống của mình.

VĂN BẢY (tổng hợp tư liệu)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm