Tháng Bảy mưa ngâu

01/07/2009 12:30 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Tháng Bảy mưa ngâu rả rích. Theo truyền thuyết đấy là nước mắt chia tay của Ngưu Lang và Chức Nữ sau khi chỉ được hội ngộ một khoảng thời gian ít ỏi trong năm. Lũ quạ phải bắt nhịp cầu Ô Thước để họ gặp nhau. Với bóng đá ta, tháng Bảy cũng là cao điểm những lo toan của một mùa giải đang đến hồi kết. Đặc biệt là những trận đấu kiểu “bắc cầu Ô Thước”.

Có thể hôm nay hay ngày mai, những ngày đầu tháng 7 này, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sẽ có công văn khẩn gửi đến các CLB yêu cầu đá “tử tế” và tôn trọng cuộc chơi. Theo ông tình hình đã không thật sự “êm” nữa rồi. Trả lời trên báo chí, chủ tịch Hỷ dùng từ nhẹ hơn: sẽ có thông điệp khuyến cáo các CLB, nghiêm cấm các hành vi thi đấu không tích cực.

Đúng là không “êm” thật. Sau trận gã khổng lồ SHB.ĐN ngã trước TPHCM, vòng qua mây đen vần vũ. Phản ứng ra mặt nhất là sân Pleiku, khán giả đồng loạt chỉ trích đội nhà, trước khi kéo nhau ra về đầu hiệp 2.

Bóng đá ta đã gần bước qua mùa giải chuyên nghiệp lần thứ 9. Dù đã thay đổi rất nhiều (ví như thu nhập của những người làm bóng đá, chất lượng ngoại binh…) nhưng môi trường vẫn còn đậm đặc chất nghiệp dư. Sẽ rất dễ ngộ nhận khi căn cứ vào cái vỏ bọc có giải đấu oách nhất khu vực như được khen, hay sự quyết liệt đáng ghi nhận ở lượt đi. Nếu nhìn vào những biểu hiện có tính hệ thống, thì rất dễ dàng thấy đời sống bóng đá nước nhà vẫn như kiểu luôn ở trạng thái “ủ bệnh”. Bất cứ thời điểm nào, nhất là giai đoạn 2, cũng sẵn sàng đổ bệnh. Những căn bệnh xưa cũ đã hoành hành bóng đá đất nước một thời gian rất dài!

Các cuộc chơi đều ăn nhau về cuối. Tháng 7 năm ngoái, V-League đã đổ “mưa ngâu” với sự kiện rúng động: SLNA dâng điểm cho HN.ACB trên sân Hàng Đẫy. Một thái độ thi đấu coi thường khán giả, coi thường kỷ cương đến mức không thể chấp nhận được của một bộ phận cầu thủ đội bóng này. Đã có những bản án được tuyên, nhưng nó không tạo được sự đồng thuận của số đông bởi sự lung túng của các nhà hành pháp (trước đó trong việc giám định bằng chứng), và cách xử theo kiểu nương vào thái độ dư luận và của phía CLB. Bản án cũng tiền hậu bất nhất.
 
Trận đấu HN.ACB – SLNA (phải) gây tai tiếng ở mùa bóng 2008.
 
BTC có một hệ thống văn bản, trong đó có Quy chế Bóng đá Chuyên nghiệp, quy định kỷ luật đảm bảo cho họ hành lang pháp lý để xử, kể cả những trận cầu tiêu cực. Trong trường hợp này là những biểu hiện trên sân, thái độ dư luận, truyền thống, biên bản giám sát. Thế nhưng, sau thời trưởng giải Trần Duy Ly đến nay, những “bằng chứng” trên ít khi được BTC dũng cảm dùng đến để xử, trừ trường hợp ầm ỹ như sự cố Hàng Đẫy năm ngoái. Trong khi đó, dư luận cứ ầm ầm lên án những trận đấu có mùi cứ xuất hiện với tần số ngày càng nhiều ở chặng cuối mỗi mùa giải.

Cái cách xử án như thế khiến cho phía các CLB, hoặc cầu thủ cười nụ. Đơn giản bởi nếu có ý đồ đen tối, họ chỉ cần đóng kịch cho khéo léo. Thiên hạ kêu cứ đổ lỗi cho chuyên môn thuần tuý, do bóng đá bất ngờ ấy mà! Ai cũng thừa nhận là thế hệ cầu thủ bây giờ lắm chiêu và kín hơn đàn anh nhiều.

Nghe trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường phát biểu trên báo hôm qua cả mừng về một tiền lệ xấu có thể bị loại bỏ. Ông Hường cảnh báo thẳng càng về cuối V-League càng dễ xảy ra chuyện nhường điểm, cho điểm. Thậm chí, đã có trận vì giám sát không báo cáo trung thực về diễn tiến trên sân đã bị kỷ luật. Tất cả các trận đấu từ nay đến khi V-League kết thúc sẽ được đặt trong tầm ngắm. “Không cần các đội giở “võ” là chứng cứ đâu? Chỉ cần dựa trên phản ứng của công luận, chúng tôi sẽ kiên quyết xử”. Nghe rắn rỏi chưa!

Chỉ có bóng đá ta, mới xảy ra cảnh năm nào đầu mùa, giữa mùa và kết thúc giải VFF, BTC đều liên tục nhắc nhở (bằng lời lẫn công văn) các đội bóng đá trung thực. Mới có cảnh trước vòng, sau vòng, chủ tịch VFF phải bốc điện thoại gọi cho các đội để nhắc nhở và nắm tình hình.

Năm nay, sau 18 vòng, chủ tịch VFF mới ra công văn, muộn hơn năm ngoái 2 vòng. Đấy là lúc xảy ra sự cố “bẻ còi’ trên sân Chi Lăng.

Thực ra, ngài chủ tịch VFF không chỉ khuyến cáo riêng các đội bóng, mà cần phải nhắc tất cả các thành viên tham dự giải phải xắn tay vào cho chặng nước rút. Đây là lúc rất nhiều khâu đã có dấu hiệu “đổ bệnh”. Sự cố trọng tài trên sân Ninh Bình với quả ném biên lạ kỳ qua mặt hàng nghìn con mắt, không ai xác định được điểm rơi của quả bóng lăn ra ngoài là một ví dụ. Khán giả TPHCM hiền là thế mà bắt đầu rất “gấu” trong trận gặp SLNA, gây nên mối lo ngại rằng nạn hooligan đã lây lan vào Sài Gòn. Rồi trách nhiệm của BTC các sân, lực lượng giám sát, sự uy nghiêm của ban Kỷ luật…

Căn cứ vào tiền lệ, thì tháng Bảy sẽ rất lắm chuyện phức tạp xảy ra với 4 vòng đấu nghiệt ngã. Hy vọng, thông điệp để bảo vệ một mùa giải xanh-sạch-đẹp của chủ tịch VFF thẩm thấu được đến tất cả các thành viên tham dự giải. Để rồi, đội xuống hạng có thể khóc như “mưa ngâu” nhưng họ chấp nhận vì sức mình đến thế, không có sự bất công. Còn anh lên đỉnh vinh quang cũng có quyền tự hào vì mình xứng đáng.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm