Mai một làng nghề Bửu Long (Bài 1): Nét đẹp của nghề điêu khắc đá

28/09/2009 17:35 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hình thành cách đây 300 năm, làng nghề đá truyền thống Bửu Long (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã nổi danh khắp cả nước và cũng có tiếng ở nước ngoài. Hiện nay, nghề điêu khắc đá đã phát triển rộng khắp mọi nơi, nhưng hiếm có nơi nào, các tác phẩm được đánh giá cao như ở Bửu Long. Ở đó có những nghệ nhân với tay nghề lão luyện, làm việc trên loại đá xanh đặc trưng của vùng, đã tạo nên những sản phẩm đầy tính nghệ thuật.

Tuyệt tác của thời gian

Theo sử sách và cả trong lưu truyền dân gian mà các cụ cao tuổi tại Bửu Long kể lại, nghề đá Bửu Long có từ ngày đầu lập ấp, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Đồng Nai - Gia Định.

Khoảng cuối thế kỷ 17, theo chính sách khai khẩn đất hoang, mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, những cư dân đi khai phá đã đến vùng đất Đồng Nai khai phá, lập xóm làng. Cũng trong thời gian này (khoảng năm 1679), một bộ phận người dân ở Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc), thuộc dân tộc Hẹ không chịu sự thống trị của nhà Mãn Thanh, đã theo Trần Thượng Xuyên xuôi theo đường biển đến vùng đất Đồng Nai, chung sống với người dân bản địa, quy phục Chúa Nguyễn.


Nghề đá bây giờ hầu như phụ thuộc vào máy móc

Những cư dân Hẹ cũng mang theo các nghề ở quê hương mình qua vùng đất mới để làm ăn. Từ đây, kết hợp với sự khéo léo của người Việt bản địa, nhiều nghề đã có điều kiện phát triển như: Làm gốm, làm lu, các nghề đan lát mây - tre - lá, gỗ mỹ nghệ, nghề đá mỹ nghệ... Sự phát triển của các làng nghề gắn liền với sự phồn thịnh của một thương cảng Cù Lao Phố sầm uất bậc nhất phía Nam.

Trong các nghề, nghề đá mỹ nghệ được phát triển mạnh và “có tiếng” hơn cả. Do đã có sẵn tay nghề, khi đến vùng Biên Hòa, gặp vùng núi Bửu Long có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển nghề đá truyền thống tại quê nhà, đặc biệt gặp được loại đá xanh “quý hiếm”, phù hợp cho việc điêu khắc các sản phẩm nghệ thuật, họ đã dừng chân, lập ấp tại Trấn Biên. Từ đó làng đá Bửu Long được hình thành. Cũng nhờ sự phát triển của thương cảng Cù Lao Phố nên các sản phẩm nghề đá được truyền bá rộng rãi hơn, tạo tiếng vang ra bên ngoài.

Và suốt từ thời gian đó đến nay, dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng làng nghề đá Bửu Long vẫn gây dựng được “tên tuổi” của mình trong các làng nghề truyền thống của dân tộc. Các thế hệ cứ nối tiếp nhau, theo phong tục cha truyền con nối để phát triển nghề. Các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ đá như: tượng nhân vật tôn giáo, tượng tứ linh... cho đến các vật dụng sử dụng trong sinh hoạt vẫn cứ theo nhau ra đời, tạo nên dấu ấn đặc biệt của làng nghề đá Bửu Long.

Làng nghề “nghệ thuật”

Nghề chạm, trổ đá tại Việt Nam không phải hiếm, nhưng tại sao nơi đây lại có tiếng vang như vậy? Loại đá xanh Bửu Long có gì đặc biệt hơn các loại đá khác? Chúng tôi tìm đến nhà cụ Trương Ứng Tân (85 tuổi, ngụ tại phường Bửu Long), người đã hơn 60 năm trong nghề chạm trổ đá để nghe cụ chỉ bảo. Với “thâm niên” trong nghề như vậy, cụ Trương Ứng Tân đã trải qua các biến động cũng như sự thay đổi của nghề, từ việc chạm trổ bằng tay đến dùng máy công nghiệp như bây giờ.


 Nghệ nhân Trương Ứng Tân bên cạnh
sư tử được tạc bằng đá xanh

Cụ Trương Ứng Tân cho biết: Sở dĩ nghề đá ở Bửu Long lại trội hơn các khu vực khác là vì chất liệu đá ở đây rất đặc biệt. Đó là một loại đá xanh, rất mịn, rất cứng, không bị phai mờ, hoen ố theo thời gian... Vì vậy việc chạm trổ cũng khó hơn, chỉ những người trong nghề, học tập thật kỹ mới chạm trổ được những tác phẩm đẹp. Ngày trước dùng tay, các nghệ nhân phải có mẹo của riêng mình thì mới làm tốt được.


Chính vì điều này, nghề chạm trổ đá chủ yếu được truyền lại chỉ trong gia đình. Việc truyền lại cho người ngoài cũng có, nhưng khá hạn chế, và chỉ là những kỹ thuật cơ bản, vì “đây là nghề kiếm ra đồng tiền bát gạo” - cụ Trương Ứng Tân nói thêm. Tuy nhiên việc học các kỹ thuật cơ bản đó, nếu muốn thành nghề cũng phải mất 2 năm.

Tuy bây giờ, làm đá từ máy dễ dàng hơn, nhanh hơn rất nhiều, nhưng có những công đoạn vẫn phải sử dụng phương pháp thủ công. Cụ Trương Ứng Tân giải thích: Nghề làm đá đâu phải dễ, đó là cả một nghệ thuật. Đành rằng có máy làm nhanh hơn, nhưng độ tinh xảo thì không thể bằng tay. Đơn cử, một vị khách yêu cầu điêu khắc một con lân mẹ ngậm con lân con. Con lân con chỉ to hơn ngón chân út, lại nằm trong miệng lân mẹ, máy móc nào làm được? Khi đó chỉ có những thợ thật lành nghề mới chế tác được. Và đương nhiên, giá thành theo đó cũng khá cao.

Việc chạm trổ thủ công vẫn được đánh giá cao trong thời công nghiệp hóa, nhưng những đơn hàng yêu cầu làm thủ công cũng ít dần. Hầu như chỉ những “đại gia” hoặc người hiểu nghệ thuật luôn yêu cầu các cơ sở cho thợ giỏi và phải làm tay thật tỉ mỉ, giá cả không thành vấn đề. Một cặp sư tử đá nặng khoảng 5 tấn có giá thành khoảng 70 triệu đồng. Nếu làm bằng máy, 3 người thợ chỉ mất khoảng 15 ngày, nhưng làm thủ công thì 3 thợ giỏi phải mất 3 tháng.

Cho dù việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nghề đá này đến đâu đi chăng nữa thì bàn tay khéo léo lành nghề của những nghệ nhân vẫn đóng vai trò chính yếu, tạo “thương hiệu” cho các cơ sở. Và việc dùng máy phổ biến hiện nay cũng đã gây ồn ào, ô nhiễm môi trường do khói bụi khắp khu dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, nguồn đá xanh “quý hiếm”, đặc trưng của vùng đang dần khan hiếm. Nguy cơ nghề đá “chỉ còn là dĩ vãng” đang hiện rõ.

Phan Vũ - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm