La Liga phía sau sự hào nhoáng: Ngập trong nợ nần

20/05/2010 15:57 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

* Tổng nợ lên tới 3,5 tỉ euro

(TT&VH) - Mùa trước, Liga độc chiếm ngôi Vương trên bảng xếp hạng những giải đấu chịu chi nhất trên thị trường chuyển nhượng, trong đó riêng Real Madrid đã chi hết gần 300 triệu euro, tức xấp xỉ tổng giá trị chuyển nhượng của các giải đấu lớn còn lại.

Ba hợp đồng có giá trị lớn nhất cũng do các đội bóng Liga thực hiện, lần lượt là Ronaldo (94 triệu, từ M.U sang Real), Kaka (65 triệu, từ Milan sang Real) và Ibra (64 triệu, từ Inter sang Barca). Với những động thái mới nhất, như chuyện Barca quyết săn Villa và Cesc trong khi Real Madrid quyết dốc túi một phen nữa để lật đổ sự thống trị của đại kình địch, có vẻ như Liga sẽ lại một lần nữa đứng trên đỉnh châu Âu và thế giới. Nhưng một nghiên cứu mới đây của giáo sư đại học Barcelona, Jose Maria Gay, cho thấy, tất cả chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài.

Barca đang rộn ràng với những
bản hợp đồng lớn- Ảnh theo AP
 Điều tra của Gay cho thấy, cũng như tình hình chung của nền kinh tế TBN, các đội bóng ở Liga đang phải đối mặt với một bức tranh tài chính khá, nếu không muốn nói là cực kỳ, ảm đạm. Báo cáo tài chính mùa 08-09 cho thấy khoản nợ mà 20 đội bóng tham dự Liga mùa trước phải gánh chịu đã lên tới hơn 3,5 tỉ euro, tăng gần 100 triệu euro so với mùa trước nữa, và con số này nhiều khả năng sẽ còn lớn hơn nữa khi báo cáo tài chính của mùa giải 09-10 này được công bố. Trong khi ấy, tốc độ tăng thu nhập lại giảm mạnh, từ 10% ở mùa 07-08 xuống chỉ còn 4% ở mùa 08-09. Lý do là chi phí hoạt động, 85% trong đó được dùng để thanh toán tiền lương, đã phình to thêm một khoản lên tới 249 triệu euro, từ 1,455 lên 1,704 tỉ euro, chỉ sau có một mùa.

"Đừng tự huyễn hoặc bản thân mình nữa, bóng đá TBN đang ở trong một tình trạng hết sức khó khăn, giống như nền kinh tế nước ta", Gay viết. "Bạn không thể tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được, đó là quy luật sinh tồn cơ bản của một nền kinh tế". Trong số các đội bóng dự Liga mùa 08-09, chỉ có 3 đội làm ăn có lãi là Barca, Real Madrid và đội bóng đã xuống hạng Numancia. Nếu Numancia không "dám" tung tiền để chạy đua và đã phải trả giá với suất xuống hạng, thì việc Barca và Real làm ăn có lời đơn giản là vì họ được hưởng lợi quá nhiều từ cách phân chia bản quyền truyền hình hiện nay ở Liga. Barca và Real được độc lập thương thảo với các "nhà đài", và với sức hút khủng khiếp của họ, không có gì khó hiểu khi phần lớn nguồn tiền đều chảy về Nou Camp và Bernabeu.

Theo Gay, TBN cần phải thay đổi ngay cách phân chia miếng bánh bản quyền hiện nay nếu không muốn Liga bị biến thành giải Scotland, nơi 2 ông lớn Rangers và Celtic thay nhau thống trị cả về thể thao lẫn kinh tế. Thực tế thì khoảng cách giữa Barca và Real với phần còn lại hiện đã là cực lớn. Mùa vừa rồi, Barca vô địch với 99 điểm, Real được 96, trong khi Valencia, đội xếp thứ 3, chỉ giành được có 71 điểm (nghĩa là kém tới 25 điểm!). "Đội nào sẽ vô địch Liga? Câu trả lời rất rõ ràng: Barca hoặc Real Madrid. Real Madrid hoặc Barca. Không thể là ai khác", Gay nói. Khi Barca khởi động cho mùa giải mới bằng cách "hút" ngôi sao sáng nhất David Villa của Valencia, còn Real cũng đưa vào tầm ngắm các ngôi sao còn lại như Navas, Silva, người ta tin rằng cách biệt có thể sẽ còn lớn hơn nữa.

Vấn đề là dù bị các CLB phía dưới gây sức ép dữ dội, Barca và Real Madrid vẫn kiên quyết không chịu nhượng bộ để ngồi lại và cùng tìm ra một cách thức phân chia nguồn thu từ truyền hình sao cho công bằng nhất. Họ thậm chí còn đe dọa tách ra thành lập một giải đấu riêng tách biệt khỏi hệ thống thi đấu của LFP. Lý do mà hai đội bóng này đưa ra là nếu phải cắt giảm nguồn thu từ truyền hình, họ sẽ không còn giữ được tính cạnh tranh trên đấu trường châu lục do không thể mua được những cầu thủ hàng đầu, và điều đó có thể khiến cả Liga bị ảnh hưởng. Gay không đồng ý với luận điệu ấy. "Barca và Real phải nỗ lực hơn, hi sinh chút ít thì giải đấu mới có thể phát triển. Lùi một bước để tiến vài bước. Nếu không, Liga sẽ đi vào chỗ diệt vong".
 
Mallorcatrước nguy cơ giải thể
Hôm qua, Chủ tịch Mateo Alemany của Mallorca đã chính thức đệ đơn lên Tòa án xin chuyển đội bóng sang tình trạng "quản lý tự nguyện" để có thêm thời gian giải quyết những vấn đề tài chính đang rất bức bối của đội bóng này. Theo báo cáo, Mallorca hiện đang ngập trong một khoản nợ lên tới 60 triệu euro (một nguồn khác cho rằng con số này là 85 triệu), và Chủ tịch Alemany đã tuyên bố ông không còn khả năng trả nợ.
 
Theo luật danh nghiệp thì một đội bóng sau khi chuyển sang tình trạng "quản lý tự nguyện" sẽ có từ 4 đến 6 tuần để tìm các giải pháp tài chính trước khi phải tuyên bố phá sản. Từ sau khi tập đoàn bất động sản của cựu Chủ tịch Vicenc Grande tuyên bố phá sản vào năm 2008, Mallorca đã nhiều lần được rao bán nhưng chưa có ai mua.

V.C

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm