Lăng kính World Cup: 'Theo tôi, quả này không penalty'…

02/12/2022 19:28 GMT+7 | World Cup 2022

Những người làm bình luận viên bóng đá trên truyền hình chỉ hiểu luật thôi là chưa đủ. Và đó là nguyên nhân cốt lõi của việc họ đôi khi bị "đứng tiếng" hay "việt vị" khi tường thuật trận đấu. World Cup cũng không là ngoại lệ.

1. Với pha đấm bóng hụt của thủ môn Ba Lan Szczesny rồi sau đó chạm vào mặt Messi nếu diễn ra ở Ngoại hạng Anh, có lẽ sẽ không có penalty. Thậm chí, VAR cũng chẳng vào cuộc.

Pha bóng dẫn đến penalty khi Szczesny chỉ chủ đích chơi bóng, và đã đấm hụt bóng rồi mới va nhẹ vào mặt Messi. Cú đánh đầu của Messi diễn ra trước khi cái tay của thủ môn chạm mặt anh. Thế nên dù có va chạm hay không bóng đã đi ra ngoài. Hiểu như tinh thần của bóng đá châu Âu, đặc biệt là ở Anh trong mấy mùa gần đây, họ định nghĩa rằng bóng đá không thể không có va chạm, hay nói cách khác Szczesny va chạm với Messi là bình thường.

Tinh thần của người Anh là đề cao tính đối kháng, đẩy cao tốc độ trận đấu, không để trận đấu bị ngắt vụn nhằm phục vụ khán giả mong muốn bóng đá giải trí. Báo chí châu Âu và Anh vì thế gọi quyết định cho Argentina hưởng penalty là quá dễ dãi (a soft penalty).

Điều thú vị ở chỗ người bắt chính trong trận đấu đó là ông Danny Makkelie, một trọng tài châu Âu, đến từ Hà Lan. Ông Makkelie từng được UEFA chọn bắt trận khai mạc EURO 2020 (diễn ra mùa Hè năm ngoái). Lý do được đưa ra như sau: Makkelie là người rất giỏi khi áp dụng tinh thần của luật mà giải đấu xác định.

2. Mùa Hè năm ngoái, bóng đá thế giới áp dụng luật chơi bóng bằng tay phức tạp hơn khi khẳng định "không phải pha chạm bóng bằng tay nào cũng bị thổi phạt". Đi kèm theo nó là các tình tiết xem xét "tay di chuyển tự nhiên", "tay không làm phình to cơ thể bất thường", "tay không đi về hướng bóng"…

Lăng kính World Cup: “Theo tôi, quả này không penalty”… - Ảnh 1.

Pha bóng dẫn tới quả phạt 11m ở trận Argentina vs Ba Lan

Makkelie đã từ chối yêu cầu bắt penalty của người Italy khi bóng 2 lần chạm tay các hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong trận đấu khai mạc EURO. Quyết định của ông được UEFA ngợi khen và coi là chuẩn mực. So sánh này không hoàn toàn chuẩn xác, vì một đằng là phạm lỗi va chạm còn đằng kia là để bóng chạm tay, nhưng có cơ sở để bàn đến tinh thần áp dụng luật. Vì nó là liên quan tới những quả penalty dễ dãi.

Tại sao cùng là một trọng tài nhưng cách vận hành trận đấu, áp dụng luật lại khác nhau dù luật bóng đá 11 người chỉ có một và do IFAB (Ủy ban Liên đoàn Bóng đá Quốc tế) ban hành? Nó chỉ có thể là cách chủ giải đấu mong muốn áp dụng luật. Chủ giải của EURO là UEFA với Trưởng ban trọng tài là Rosseti. Chủ của World Cup là FIFA với Trưởng ban trọng tài là Colina.

3. Có 2 điểm khác biệt rõ rệt ở World Cup năm nay từ công tác trọng tài: Tính phút bù giờ; và thổi phạt penalty.

Ông Colina đã đăng đàn giải thích lý do vì sao các trận đấu được bù giờ nhiều, FIFA muốn thời gian bóng lăn thực tế nhiều hơn thay vì chỉ trên dưới 50 phút/trận đấu.

Còn về cách bắt penalty chưa thấy ông giải thích. Nhưng hệ thống lại các quả phạt đền ở World Cup lần này, từ quả kéo áo của John Stones (Anh - Iran), Ronaldo được hưởng penalty (Bồ Đào Nha - Ghana) tới quả quệt tay của thủ môn Szczesny (Ba Lan - Argentina) thì có thể suy luận. FIFA World Cup vốn có truyền thống nhiều penalty, năm 2018 là 29 quả, còn năm nay tính tới trận Ba Lan - Argentina là 11. "Theo tôi quả này không hay penalty" dù tôi ở đây là khán giả hay bình luận viên truyền hình đều không nghĩa lý gì. Vì ở sân chơi World Cup, để hiểu quyết định của trọng tài, nhất định phải theo tinh thần áp dụng luật của chủ giải là FIFA.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm