'Lại phải yêu để mà hiểu'

30/01/2015 07:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội chém lợn đã có từ hàng trăm năm nay ở một làng quê yên bình, bỗng chốc nổi sóng trên dư luận, tất nhiên không phải lần đầu tiên, khi bị coi là dã man, tàn ác nhất Việt Nam.

Quan điểm này không chỉ từ phía các nhà bảo vệ động vật châu Á, quan sát lễ hội thuần tuý dưới góc độ... chống sát sinh, mà còn được sự chia sẻ của khá nhiều công chúng, trong đó có quan điểm riêng của Người Phát ngôn của Bộ VH,TT&DL.

Đọc những ý kiến phản đối chém lợn, tôi thấy rất ngạc nhiên là người ta không xem xét tới nguồn gốc của nó, cũng như tính biểu tượng của lễ hội. Trong khi, ta phải hiểu rằng, trong chỉnh thể của lễ hội thì chém lợn không chỉ gồm hành vi làm đứt đầu một con lợn mà là một nghi thức diễn xướng nhằm tưởng nhớ người anh hùng dân tộc đã vào rừng chém lợn để nuôi quân – nghi thức đó được cộng đồng sáng tạo và cùng thực hành. Nó như một cao trào trong vở kịch, mà ta không thể tách rời khỏi sàn diễn.

Nếu quan niệm như vậy thì ta sẽ thấy nghi thức chém lợn, về mặt biểu tượng, không hề dã man, tàn ác, đi ngược với truyền thống nhân văn của dân tộc. Ta phải hiểu điều đó mới có thể yêu lễ hội này, hay chí ít cũng không thấy kinh tởm nó như khi đứng ngoài quan sát, phê phán.

***

Vấn đề đặt ra là hình thức thực hiện nghi lễ này đã phù hợp chưa? Có thể thấy rằng, sự biến dạng của lễ hội còn đến từ những người không yêu, không hiểu nó. Họ đến lễ hội với tâm thế tò mò, thích cảnh rùng rợn; và rồi làm hoen ố nó với cảnh chấm tiền vào máu lợn để cầu may. Riêng hành vi chấm tiền, không những gây phản cảm mà còn vi phạm quy định về sử dụng tiền tệ, và chắc chắn hành vi đó là biến tướng sau này, vì thời xưa làm gì có tiền giấy để "chấm máu"?

Không chỉ lễ hội chém lợn mà còn rất nhiều lễ hội khác bị người xem làm cho biến tướng như Lễ hội Khai Ấn đền Trần, Lễ hội bà chúa Kho...

***

Thật ra, việc tác động vào nhận thức cộng đồng để thay đổi lễ hội là công việc bình thường trong quản lý di sản. Nếu nghi thức chém lợn, về mặt hình thức, gây cảm giác bạo lực, máu me kinh hãi, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến một bộ phận công chúng, nhất là trẻ em... thì các cấp quản lý và dư luận có thể tác động tới các chủ nhân của lễ hội để thay đổi nó. Có một dẫn chứng là từng có lễ hội có nghi thức... hút thuốc phiện. Với hành vi bị cấm trong xã hội như thế, thì việcphải thay thế "đạo cụ" thuốc phiện là việc phải làm, và cộng đồng đã đồng thuận.


Rõ rằng, chúng ta không nên lớn tiếng lên án những người thực hành lễ hội mà nên ngồi cùng họ, chia sẻ, đối thoại với họ để cùng tìm ra những cách thức thích hợp mà vẫn biểu đạt được các nội dung của nghi lễ.

Nếu chúng ta xuất phát từ tâm thế tôn trọng, yêu quý lễ hội của cha ông; để hiểu những gì mà cha ông trao truyền, rồi cùng với lớp con cháu hậu sinh điều chỉnh lễ hội; thì tôi tin rằng câu chuyện chém lợn sẽ có một cái kết đẹp. Không ai bị làm tổn thương trong chuyện này.

***

Cách đây hàng chục năm, các nhà nghiên cứu người Pháp, trong đó có DamBo đã đến với Tây Nguyên khi miền đất này còn vô cùng hoang sơ, vô cùng "nguyên thuỷ"... Nếu họ cũng nhìn các nghi lễ, lối sống của đồng bào thời đó bằng con mắt tự cho là "hiện đại", "văn minh" thì họ đã không nhận ra đó chính là "mảnh đất huyền ảo" của văn hoá, tâm linh. DamBo đã kết luận: "Nếu phải hiểu để mà yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”.


Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên tiếp tục Lễ hội Chém lợn



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm