Kỹ năng thoát đám cháy: Không phải trò đùa

26/03/2018 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina (TP.HCM) đã diễn ra được 3 ngày, nhưng vẫn thu hút tối đa sự chú ý của dư luận.

Sức nóng của nó không chỉ đến từ bản chất bi thảm của câu chuyện, khi có tới 13 người thiệt mạng và hàng chục người đang phải cấp cứu sau vụ hỏa hoạn. Xa hơn, hình ảnh tòa cao ốc 21 tầng chìm trong khói lửa cùng những dòng người bị ngạt khói, hoảng hốt cuống cuống tìm cách lao ra khỏi đám cháy để lại những ấn tượng đặc biệt mạnh với bất cứ ai theo dõi.

Cháy cao ốc là câu chuyện đã từng xảy ra ở rất nhiều thành phố trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, những tòa nhà cao tầng như vậy cũng chỉ mới xuất hiện tại các đô thị của chúng ta từ khoảng hai chục năm nay.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina. Ảnh: Báo Tin tức

Bây giờ, không chỉ có cao ốc, mà cả những vụ hỏa hoạn tại cao ốc, cũng đã trở thành một phần có thật trong đời sống của chúng ta, thay vì chỉ có thể theo dõi qua màn ảnh như trong quá khứ.

Nếu sự xuất hiện của những tòa ốc ấy là kết quả tất yếu của một đô thị trong đà phát triển, thì những vụ hỏa hoạn như đã diễn ra tại chung cư Carina cũng chỉ rõ: chúng ta đang phải học cách đối diện với những “tai nạn hiện đại” vốn từng ít gặp trong vài chục năm trước.

Và, những tai nạn kiểu ấy cũng bắt người ta phải tự trang bị những kỹ năng mới để bảo vệ tính mạng của bản thân mình.

***

Những kỹ năng (và cả kiến thức đó) không phải bao giờ cũng được thực hiện một cách hoàn hảo. Trong vụ cháy tòa nhà Carina, đã có những trường hợp suýt nữa phải trả giá cho sự thiếu hiểu biết bằng chính tính mạng của mình – khi một vài người gắng sử dụng thang máy (điều tối kỵ trong hỏa hoạn) và bị kẹt trong đó trước khi được giải cứu.

Ngược lại, câu chuyện của gia đình anh Vũ Khanh, sống tại tầng 12 tòa nhà này, đang được cộng đồng nhắc tới, như một sáng kiến đặc biệt trong hỏa hoạn. Khi khói độc tràn ngập tòa nhà và thiếu vắng các dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng, anh đã nhanh trí lấy3 chiếc áo ngực của vợ nhúng vào nước, bịt lên mặt 2 vợ chồng và đứa con nhỏ, rồi vượt qua làn khói và thoát ra ngoài an toàn.

Như lời Khanh, cách xử lý ấy anh đã được biết tới trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Theo đó, kết cấu áo ngực phụ nữ có chứa một chút oxy đủ để thở trong khoảng thời gian ngắn, lại che chắn được khói bụi  - và quan trọng, có mút hút được nhiều nước làm mát nên rất hữu dụng khi ngăn khói độc.

Và, từ câu chuyện của Khanh, người ta mới ngậm ngùi nhớ về một trường hợp tương tự, trong đám cháy tại quán karaoke 31 Nguyễn Khang (Hà Nội) cuối năm 2015. Sau đám cháy ấy, bức ảnh chụp cô gái tên Bích, chạy ra khỏi tòa nhà với chiếc áo lót úp trên mặt, cũng lập tức được chia sẻ trên không gian mạng với tần suất rất cao.

Trớ trêu, bức ảnh ấy chủ yếu chỉ được chú ý ở khía cạnh hài hước của vấn đề. Nó gắn kèm với rất nhiều lời bình luận theo hướng lố bịch hóa, thậm chí là quy chụp, về hình ảnh một cô gái bỏ chạy với chiếc áo lót trên mặt, về sự hoảng loạn ở một địa điểm vui chơi đang bốc cháy.

Để rồi, gần 3 năm sau câu chuyện của Bích, khi 13 người thiệt mạng trong vụ cháy tại tòa nhà Carina, chúng ta mới có thể đánh giá lại một cách khách quan và bình tĩnh hơn, về cách mà một con người tự bảo vệ mình trong hỏa hoạn.

Những kỹ năng, và cách xử lý ấy, đáng lẽ đã không trở thành trò đùa, nếu chúng ta ý thức được rằng: những tai nạn ít ai ngờ đến vẫn luôn là một phần của cuộc sống hiện đại.

VIDEO: Công bố danh tính những người tử vong trong vụ cháy chung cư Carina Plaza

VIDEO: Công bố danh tính những người tử vong trong vụ cháy chung cư Carina Plaza

Cho đến nay, số thương vong trong vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, Quận 8, TPHCM được xác định là 13 người tử vong và gần 100 người bị thương (có 4 người nước ngoài). Danh tính các nạn nhân tử vong vừa được công bố.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm