Nha Trang có bão

14/08/2009 11:31 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Khúc ruột miền Trung năm nào cũng phải đón nhận những cơn bão. Không lớn thì nhỏ. Song tuyệt nhiên, Nha Trang gần như vô hại, vì mảnh đất hiền hòa này được che chắn bởi rất nhiều đảo nhỏ. Du lịch ở Nha Trang vì thế vẫn khỏe re, khách đến đây cứ là nườm nượp. Chỉ duy nhất ở đội bóng K.KH, thì lại đã và đang có những dấu hiệu bất thường.

Từ chuyện của Như Thuần

Hồ Văn Lợi ghi bàn tại V-League ở tuổi 40. Trung Tuấn 35 tuổi vẫn chạy tốt trong màu áo TP.HCM. Trường Giang, Văn Hải của B.BD cũng ra sân đều đặn… Nhưng ông già Như Thuần mới “dị”. Không quá khi nói rằng, Thuần xuất sắc hơn tất cả những cái tên vừa nhắc.

Ngoài một đôi trận phải nghỉ do thẻ phạt, kể từ khi V-League 2009 khai cuộc, cựu trung vệ ĐTVN Phạm Như Thuần đá chính suốt trong màu áo K.KH. Dũng mãnh, khôn ngoan và cực kỳ ổn định, Như Thuần là chỗ dựa cho lứa cầu thủ trẻ K.KH để họ có thể tự tin chơi bóng đỉnh cao. Trận đấu với T&T HN mới đây, nếu không có sự xuất sắc của bộ đôi trung vệ Như Thuần – Issifu, thì K.KH khó mà giành 3 điểm để chính thức trụ hạng.

Nhưng cuộc sống ở Nha Trang xa hoa chẳng phải lúc nào cũng êm đềm. Có quá nhiều anh Tào Tháo trong lòng đội bóng, và Thuần (chứ không phải ai khác) bị xem là “nghi can” số 1, khi K.KH sinh chuyện.

Sau trận hòa M.Nam Định ở vòng 20, Thuần bị lãnh đạo đội gọi lên nhắc nhở về… thái độ thi đấu. “Không biết dựa vào đâu, mà họ lại cho rằng tôi là đầu tàu, lôi kéo… phá đội. Hơn 1 tiếng đồng hồ nói chuyện như những người đàn ông, tôi trở lại phòng và cảm thấy rất hụt hẫng”, Như Thuần nhớ lại.


 Như Thuần rất bức xúc vì cách đối xử của lãnh đạo đội bóng K.KH.

Tưởng mọi chuyện cũng xong, những thật bất ngờ, Thuần bị gạt ra khỏi danh sách đi Gia Lai ở vòng đấu sau đó. Tức mình, trung vệ gốc Thanh Hóa xin ở nhà luôn ở lượt trận thứ 22, khi K.KH hành quân vào Bình Dương. Chuyện tưởng nhỏ, nhưng giờ thì lớn thực sự rồi.

K.KH trở về sau 2 trân thua lấm lưng trắng bụng. Đến lúc này thì người ta mới gọi Thuần lên động viên, khuyên nhủ cố giúp đội đến hết mùa. Thuần thẳng như ruột ngựa đáp lại, rằng anh đá vì bao đứa trẻ (cầu thủ trẻ - PV) ở đội bóng này, chứ không vì ông Tuấn (HLV Hoàng Anh Tuấn), hay ông Tiến Anh (Chủ tịch Lê Tiến Anh). “Có ai ký hợp đồng thời vụ kiểu 8 tháng không? 8 tháng chứ không phải 1 mùa hay 1 năm nhé. Thế mà tôi ký đấy. Không phải vì tiền mà tôi vào đây, mà là bởi tôi thích đá bóng và cảm thấy mình vẫn đủ năng lực chơi đỉnh cao. Ấy thế mà người ta đi đề phòng 1 cầu thủ lão tướng, sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối tháng này?! Điều đó khiến tôi bị tổn thương thực sự”, Như Thuần tỏ ra bức xúc. Thuần bảo, những vụ việc như thế khiến anh rất nản. Có lẽ hết năm nay, anh sẽ treo giầy luôn.

Đến luật “Omerta” bị xóa bỏ

Nếu ai đã xem phim “Bố Già” (tên nguyên bản “Godfather”), 1 kiệt tác của điện ảnh Mỹ, thì sẽ hiểu luật “Omerta”. Kể từ khi bộ phim được công chiếu, cụm từ “Omerta” trở nên nổi tiếng hơn, khi người ta muốn nhắc nhau về sự im lặng, tuyệt mật. Nó giống như thông điệp “3 không”: Không nghe, không thấy và không nói” vậy.

Trước đây, cầu thủ K.KH bị cấm giao tiếp với thế giới bên ngoài, mà đặc biệt là giới truyền thông. Ai bị phát hiện sẽ chịu án phạt. Nhẹ là tài chính, còn nặng thì kỷ luật luôn. Cứ hôm nào, cái tên K.KH xuất hiện trên mặt báo, với dạng thông tin thiếu tích cực một tý, là một vài cái tên sẽ bị gọi lên phòng nhắc nhở, mặc cho họ vô can trong chuyện này. Ở K.KH có quy định bất thành văn rằng chỉ có ông Tiến Anh, ông Hoàng Anh Tuấn, sau này có thêm Trưởng đoàn Tony Định, là được phép nói. Trợ lý Nguyễn Tý cũng chỉ được phép phát biểu trong phòng họp báo sau trận đấu. Mọi thứ ở đội bóng này vì thế mà bưng bít. Bản thân Như Thuần không phải là người ưa nói nhiều, nhưng sau sự việc vừa rồi, thì xem chừng luật “Omerta” đã không còn tồn tại ở Dinh Bảo Đại (đại bản doanh của K.KH) nữa rồi.

“Ngay cả những trụ cột của đội bóng, chứ đừng nói đến tụi trẻ, đều không dám nói ra chính kiến của mình. Họ đá bóng mà ấm ức trong bụng. Thì đấy, Duy Nam với chức danh đội trưởng của K.KH, chỉ mới đứng lên đòi quyền lợi mấy lần cho anh em, giờ bị tước luôn băng đội trưởng. Hay như Quang Hải, Tấn Tài…, cũng thế. Nhưng tôi thì không thế được. Người ta luôn khuyến khích hãy hành xử như những người đàn ông cơ mà. Ở K.KH, lời nói ít khi đi với hành động lắm. Họ mời tôi vào giúp đôi, nhưng đi chưa hết 2/3 chặng đường, tôi đã cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Tôi thực sự thất vọng với cách đối xử của lãnh đạo đội bóng, với cầu thủ”, Như Thuần tiếp.

Cuộc sống ở K.KH không màu hồng như cách mà “người lớn” phát biểu hay nhiều người vẫn nghĩ. Từ trẻ đến già, đều mang những biểu hiện bức xúc khác nhau. Nó tồn tại ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh.

Có người (như Đình Hiệp, Văn Tiến, Trọng Thông) ức chế vì tập nhiều mà ít được sắp đá. Hiệp bị đẩy xuống đội trẻ cùng Hồng Việt để chuẩn bị cho VCK U21 toàn quốc, trong khi Văn Tiến và Trọng Thông khi được sắp đá thì đều phải chơi trái sở trường. Những người trẻ còn lại, dù có là cầu thủ bản địa, kiểu Hữu Phước, Xuân Bình hay Ngọc Điểu, cũng không dám hó hé.

Và chuyện ông Tony Định

“Có ai thấy Tony ở đâu không? Không, ông ấy ốm và đã không theo đội vài vòng đấu nay rồi. Mà nhắc ổng làm gì. Chán lắm rồi”, những mẩu thoại không lạ ở K.KH ở thời điểm cuối V-League 2009. Thực tế, ông Trưởng đoàn Huỳnh Ngọc Định đã không còn xuất hiện thường xuyên trong các trận đấu của K.KH ở lượt về nữa.

Có thể ông Định đang muốn nhả đội, hoặc nữa là do mâu thuẫn với lãnh đạo bên Tổng công ty Khánh Việt… Chỉ 1 điều chắc chắn rằng, uy tín của ông Giám đốc Công ty Thép Cửu Long này trong mắt các cầu thủ K.KH, bị giảm thiểu rất đáng kể.


Ông trưởng đoàn Tony Định (trái) phải chăng đã chán K.KH?

Ông Định cũng gọi là có thâm niên hợp tác – tài trợ bóng đá. Chỉ vui thôi! Đó là khoảng đôi ba năm ông tài trợ cho HA.GL với chức anh Phó Chủ tịch CLB. Nhưng ngày đó, ông Định không ưng cái bụng cho lắm, vì tiền thì cứ chuyển khoản đều đặn, mà mình lại như hữu danh vô thực. Không được gần gũi, không ra lệnh được đám cầu thủ (điều mà ông Tony Định rất thích). Thế là mối lương duyên ngắt quãng.

Vài năm nghỉ xả hơi, đến khi K.KH chuẩn bị kế hoạch cho V-League 2009, thì Tony Định xuất hiện trở lại, như một người con của đất Khánh Hòa. Sự thật là ông Định cũng có chút gốc gác Phú Khánh cũ, khi tuổi thơ của ông thuộc về mảnh đất này. Tony Định bỏ ra 2 tỷ, thêm 1 tỷ tiền hỗ trợ chuyển nhượng cầu thủ, toàn tiền túi của ông cả, thế là ông có chức Trưởng đoàn đội bóng. Ông Định tự hào lắm lắm.

Trước đây, ông Định thường ghé thăm nơi tập trung của đội (ngay cả khi K.KH đi xa), một ngày trước trận đấu. Ông cũng xỏ giầy ra sân như ai, dặn dò BHL và các cầu thủ. Ông Định lặp đi lặp lại câu nói: “Chúng ta là những người đàn ông. Nói ít, nhưng các bạn phải hiểu nhiều. Quyết tâm nhé!”.

Nhưng 1 trong những chi tiết mà cầu thủ thích nhất, là lúc ông Định nói về khoản thưởng dôi ra, nếu đạt được bao nhiêu điểm trong tháng này, quý nọ. Ra sân, ông Định cũng ngồi ở ghế đầu khu kỹ thuật. Cho đến sau này, khi K.KH trải qua chuỗi trận đấu đáng thất vọng, thì mới có kiểu nói thách thưởng 500 triệu hay 300 triệu nếu thắng.

Tuy nhiên, ông Định không quyết được chuyện ấy. Đến ngay như trận thắng T&T HN, Tấn Tài (người ngồi ngoài sân vài vòng đấu gần đây do chấn thương) chủ động đề xuất Tony Định thưởng nóng 50 triệu cho anh em vui, thì ông Trưởng đoàn đã lại từ chối rất nhẹ nhàng.

Thép Cửu Long của Tony Định là doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, dạng như Công ty TNHH 1 thành viên. Theo ông Định, thì vốn điều lệ khi thành lập Công ty chuyên cung ứng thép công nghiệp này “chỉ” 40 tỷ đồng. Và sau hơn 5 năm hoạt động, nó đã “phình” lên hơn 120 tỷ đồng. Cộng thêm số vốn bất động sản ở TP.HCM và cả Khánh Hòa nữa thì Tony Định cũng xứng hàng đại gia rồi. Nhưng tiền tư nhân mà chơi bóng đá thì chẳng khác nào đem muối đổ bể. Bản thân Chủ tịch CLB K.KH – Phó TGĐ Công ty Khánh Việt, Lê Tiến Anh cũng từng lên tiếng thách thức, đố anh doanh nghiệp tư nhân nào dám nhảy vào làm bóng đá Khánh Hòa khi nghe phong thanh chuyện này.

THẢO NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm