07/02/2009 19:20 GMT+7 | Thế giới Sao
(TT&VH cuối tuần) - Ngày mà Guglielmo Stendardo xúc động nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, thế giới calcio tiếp nhận thêm một cử nhân nữa.
Guglielmo Stendardo không có vẻ mặt trai lơ của một diễn viên điện ảnh như Leonardo Di Caprio và cũng không có một cuộc sống về đêm sôi động với sản nhảy, gái đẹp và phóng xe bạt mạng trên xa lộ như những ngôi sao khác. Anh không phải là một cầu thủ quá nổi tiếng ở Serie A. Anh chơi cho một CLB miền nam Italia có tên Lecce đang chiến đấu kịch liệt để trụ hạng. Nghề hiện tại của cầu thủ 27 tuổi này là hậu vệ. Anh ngăn chặn đối phương ghi bàn vào lưới đội mình. Nghề tương lai của anh là luật sư. Anh sẽ biện hộ cho bên bị trước vành móng ngựa trong những phiên tòa căng thẳng và dài đằng đẵng thường thấy trên đất Italia. Nhưng anh thích thế, và anh mong mỏi như thế, bởi làm một cầu thủ không có nghĩa là quên việc học.
Serie A ăn mừng ngày tốt nghiệp của Stendardo một cách trịnh trọng với những lời chúc tụng anh trên báo chí. Họ “kết nạp” thêm một trí thức nữa vào đội ngũ những người chơi bóng chuyên nghiệp ở Italia và thế là Stendardo, chưa bao giờ được coi là một ngôi sao sáng trên bầu trời calcio, nay được coi như một tấm gương lớn ở một giải đấu mà lâu nay người ta cho rằng đang có sự xuống dốc về trình độ học vấn ở những cầu thủ trẻ, khi chỉ có những cầu thủ cao tuổi mới tiếp tục học lên cao hơn. Nhưng dù sao thế vẫn còn hay hơn vạn lần giai đoạn 1960 - 1970, khi những cầu thủ tốt nghiệp đại học lại bị đồng nghiệp (vốn dốt và lười học hơn) chế giễu.
Những số liệu thống kê mùa bóng trước của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Italia (AIC, tổ chức được thành lập bởi một trong số những cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Serie A có bằng đại học, luật sư Sergio Campana) cho thấy, trong số 1.456 cầu thủ nhà nghề từ hạng A cho đến C2, số người có bằng đại học là 29, chỉ chiếm 2%. Con số có vẻ nghèo nàn nhưng có một thống kê khác cho thấy tất cả nên ngạc nhiên về học vấn của các cầu thủ Italia: 61,4% số cầu thủ đã hoặc đang theo học một chuyên ngành đào tạo đại học hoặc sau đại học, cao hơn mức trung bình của quốc gia (36,9%). Những ai chỉ cho rằng cầu thủ Italia chỉ thích tán gái, làm cảnh và tiêu tiền như rác, nên nghĩ lại: Hiện tại, có 20% số cầu thủ Italia đang theo học các hình thức học đại học khác nhau. Đấy là một điều phi thường, bởi rất khó có thể tập trung cho việc học giữa những cuộc tập luyện và di chuyển không ngừng đến những nơi thi đấu xa. Những người vừa học vừa đá bóng phải có bản lĩnh, sự kiên nhẫn và khả năng sắp xếp thời gian cực tốt.
Điều đó cũng giải thích tại sao, hạng đấu càng cao, số cầu thủ - sinh viên càng ít. Tại Serie A, chỉ có 1,5% cầu thủ Ý có bằng đại học và số cầu thủ đang học một chuyên ngành nào đó đạt 12,1%, trong khi tại Serie C2 (hạng 4, nay là Lega Pro seconda divisione), số cử nhân chiếm đến 2,8% và số cầu thủ - sinh viên đạt 24,1%. Theo giải thích của luật sư Mattia Grassani, một chuyên viên luật có tiếng trong giới bóng đá Ý, tại Serie A, tương lai của các cầu thủ được đảm bảo nhờ mức lương rất cao, trong khi ở hạng C2, các cầu thủ bị mối đe dọa cơm áo gạo tiền lớn hơn và phải sớm nghĩ đến cuộc sống không bóng đá. Nghiên cứu kĩ hơn mới thấy, những cầu thủ đóng vai trò phòng ngự rất thích học luật, như Stendardo, hậu vệ Lazio De Silvestri, hậu vệ Juve Chiellini và lãnh đội Juve Pessotto, cùng các thủ môn Ielpo (cựu thủ môn Lazio, Cagliari, Milan) và Fiori (cũng Lazio, Cagliari và Milan). Trong khi đó, Boranga (cựu Fiorentina) thì đang hành nghề bác sĩ. Các tiền đạo thích học kinh tế (Tare, Bogdani, Bierhoff). Còn Beghetto (cựu Chievo) lại tốt nghiệp trường đại học Padova, khoa Chính trị học và đang mơ trở thành một nhà ngoại giao giỏi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất